Kiểm soát xe máy tại đô thị
Cấm và hạn chế xe máy là giải pháp quản lý giao thông đặc thù của Trung Quốc, đến năm 2011 đã có 185 thành phố ở Trung Quốc thực thi.
Chính sách cấm và hạn chế xe máy bắt đầu được thực hiện tại Bắc Kinh từ năm 1985, ban đầu giới hạn lưu hành trong khu vực vành đai 3, đến năm 2000 mở rộng sang vành đai 4.
Năm 2007, Quảng Châu triển khai lệnh cấm xe máy toàn diện do lo ngại về an toàn giao thông, ô nhiễm và tiếng ồn, trong bối cảnh tỉ lệ tai nạn do xe máy gây ra ở mức cao.
Đến nay, cả nước Trung Quốc đã có 214 thành phố áp dụng chính sách này, tác động đến hơn 700 triệu người.
Một số địa phương áp dụng biện pháp linh hoạt, như thành phố Tây Xương chỉ cấm xe trên 150cc trong khu vực nội đô, vẫn cho phép xe phân khối nhỏ lưu thông.
Trong khi từng bước thắt chặt việc sử dụng xe máy tại các đô thị, Trung Quốc đồng thời tăng tốc hỗ trợ phương tiện giao thông xanh nhằm xây dựng hệ thống giao thông bền vững hơn.
Thúc đẩy giao thông xanh
Cùng lúc với việc hạn chế xe máy, Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ xe năng lượng mới bằng nhiều chính sách quy mô lớn ở cả cấp trung ương và địa phương. Các biện pháp tập trung vào miễn thuế, trợ cấp trực tiếp, xây dựng hạ tầng sạc và đổi mới công nghệ.
Những chính sách này không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành công nghiệp xe điện.
Nhà máy lắp ráp xe máy điện tại Trung Quốc
Miễn thuế và trợ cấp tài chính trực tiếp
Từ năm 2024, Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách miễn thuế mua xe năng lượng mới đến hết năm 2025, với mức tối đa 30.000 nhân dân tệ/xe. Giai đoạn 2026–2027, mức miễn thuế sẽ giảm một nửa, không vượt quá 15.000 nhân dân tệ/xe.
Ngoài ra, danh mục phương tiện tiết kiệm năng lượng và xe năng lượng mới được cập nhật linh hoạt để tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế.
Chính phủ cũng chú trọng điện khí hóa trong các lĩnh vực công cộng, nhất là giao thông đô thị, vệ sinh môi trường và logistics. Một số thành phố triển khai xây dựng các trạm sạc, trạm đổi pin để hỗ trợ vận hành hiệu quả.
Chính sách đặc thù từ địa phương
Một số địa phương như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông áp dụng chính sách trợ giá bổ sung. Cụ thể, người dùng có thể nhận hỗ trợ lên tới 20.000 nhân dân tệ nếu loại bỏ xe cũ và tối đa 16.000 nhân dân tệ nếu đổi xe cũ lấy xe mới.
Ngoài ra, các địa phương như Quảng Đông, Trùng Khánh đang xây dựng cụm công nghiệp xe năng lượng mới kết nối mạng thông minh, hỗ trợ triển khai các trạm sạc và phát triển hệ sinh thái xe tự hành.
Nhiều địa phương như Nội Mông, Hắc Long Giang, An Huy cũng đưa ra chính sách phát hành phiếu mua hàng, giảm lãi vay, đơn giản hóa quy trình đăng ký trợ cấp nhằm khuyến khích tiêu dùng.
Một hệ thống trạm sạc V2G tại Trung Quốc
Phát triển hạ tầng và công nghệ mới
Trung Quốc đang mở rộng mạng lưới trạm sạc về khu vực nông thôn để bảo đảm tiếp cận đồng đều. Tỉnh Chiết Giang đặt mục tiêu xây dựng 20.000 trạm sạc công cộng mới, một nửa trong số đó ở khu vực nông thôn. Quý Châu dự kiến xây dựng 660 trạm sạc và đổi nguồn.
Bên cạnh đó, Trung Quốc thúc đẩy các công nghệ tích hợp như "lưu trữ và sạc quang điện", V2G (xe – lưới điện) cho phép xe điện có thể trao đổi năng lượng với lưới điện thông qua các trạm sạc, biến phương tiện thành các đơn vị lưu trữ năng lượng.
Thí điểm mạng thông minh và năng lượng hydro
Hiện có 20 thành phố trên toàn quốc đang triển khai thí điểm hệ thống "tích hợp xe – hạ tầng – đám mây", tập trung vào kiểm chứng công nghệ lái xe tự động và tích hợp dữ liệu giao thông.
Ngoài ra, ứng dụng năng lượng hydro đang được mở rộng sang các lĩnh vực như xe tải hạng nặng và luyện kim. Các địa phương như Nội Mông và Sơn Tây đã xây dựng chuỗi công nghiệp hydro xanh hoàn chỉnh.
Chiến lược kép này đang góp phần tái định hình hệ sinh thái giao thông tại Trung Quốc. Với tốc độ và quy mô triển khai, Trung Quốc không chỉ hướng đến mục tiêu môi trường mà còn dẫn đầu thế giới về chuyển đổi hạ tầng giao thông trong đô thị hóa.
Tuấn Dũng/Phòng Quốc tế-Đối ngoại