Cảnh báo: Không chỉ hút thuốc, trẻ tiểu học có thể làm nhiều điều khiến người lớn bất ngờ

Cảnh báo: Không chỉ hút thuốc, trẻ tiểu học có thể làm nhiều điều khiến người lớn bất ngờ
2 ngày trướcBài gốc
Sự việc được cho là xảy ra tại một trường tiểu học tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Đoạn video chỉ kéo dài gần 1 phút ghi lại cảnh nhóm học sinh tiểu học mặc đồng phục hút thuốc lá hút ngay trong sân trường. Điều đáng nói, trong nhóm khoảng 5-6 học sinh, có tới 3 em tay cầm thuốc lá đã được châm lửa để hút. Video lan truyền mạng xã hội khiến nhiều người hoang mang.
Ngày 31/3, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin đã đề nghị các đơn vị liên quan rà soát, xác minh.
Thạc sĩ Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội tâm lý giáo dục học Hà Nội cho rằng, nhiều người sẽ bất ngờ, thậm chí sốc trước hình ảnh học sinh tiểu học hút thuốc.
Cảnh nhóm học sinh tiểu học mặc đồng phục hút thuốc lá hút ngay trong sân trường. (ảnh cắt từ video)
Tuy nhiên, theo ông Sơn, điều này không khó lý giải bởi ngày nay, học sinh được giao điện thoại, máy tính và tiếp cận internet, mạng xã hội rất sớm trong đó có nhiều thông tin, trào lưu xấu, độc không được kiểm soát sẽ tác động đến các em. Bên cạnh đó, trẻ em cũng dậy thì sớm hơn trước. Có những em lớp 3, lớp 4 đã có những biểu hiện của tuổi dậy thì. Cùng với môi trường gia đình, thực tế xã hội có những hành vi lệch chuẩn đã tác động đến tâm sinh lý, hành vi của trẻ.
“Các em thích thể hiện, khẳng định mình bằng những hành động khác lạ, nổi trội mà những bạn đồng trang lứa chưa làm được như hút thuốc lá, đánh nhau, kéo bè kết phái,.... Trong khi đó, thầy cô, cha mẹ vẫn thường nghĩ rằng, trẻ tiểu học chưa biết gì”, ông Sơn nói.
Cảnh báo chuỗi hành vi "không ngờ"
Cũng theo ông Sơn, tác hại của việc hút thuốc lá đã khá rõ ràng do đó, các trường học thường có quy định cấm học sinh sử dụng. Tuy nhiên, có lẽ, trong trường hợp này, trường tiểu học cũng chưa lường đến được tình huống, học sinh mang thuốc vào trường.
“Học sinh sử dụng thuốc lá không chỉ dừng lại ở một hành động cụ thể là hút thuốc mà là chỉ dấu cho phụ huynh, thầy cô giáo thấy rằng, các em có thể làm những việc không ngờ như sử dụng chất gây nghiện khác, tìm kiếm clip người lớn, gây gổ đánh nhau”, ông nói.
Quá trình tìm hiểu, tiếp xúc và điều trị cho học sinh, có những em thừa nhận đã giấu phụ huynh thực hành những hành vi khó nói. Có những em rất băn khoăn về “chuyện người lớn” nhưng không có nơi giải đáp cuối cùng tìm đến các nền tảng mạng xã hội. Không biết cách tiếp cận, các em lại tiếp xúc với những nguồn thông tin lệch lạc, tác động đến tâm lý, hành vi. Do đó, học sinh rất cần có nơi có thể đặt hàng vạn câu hỏi vì sao và được giải đáp một cách thân thiện, gần gũi nhất.
Trong khi đó, tư vấn tâm lý trường học hiện nay đang có nhiều hạn chế. Những người làm tư vấn vẫn bị bó hẹp trong hàng rào khuôn khổ lý thuyết giáo điều, răn đe và chưa tạo được sự tin tưởng để trẻ chia sẻ.
“Quá trình trưởng thành của trẻ khó tránh sự tò mò, khám phá do đó các em rất cần được dẫn dắt, dạy cách và rèn luyện dẫn đến nhận thức đúng mới có hành vi đúng”, ông Sơn nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, cha mẹ và thầy cô giáo cần phải hiểu, nắm bắt tâm sinh lý lứa tuổi mới có thể đồng hành với trẻ. Thực tế, nhiều cha mẹ khi phát hiện con phạm lỗi thường đánh, mắng, trách phạt, cắt không cho xem ti vi, điện thoại trong vài tuần. Những phương pháp xử lý như vậy thường không hiệu quả mà cần có quá trình “gieo hạt” nhận thức để “gặt” hành vi. Điều đó, có nghĩa là, bên cạnh đưa ra những thông báo, quy định mang tính chất lý thuyết, tuyên truyền, nhà trường cần thiết cho học sinh tham gia vào các phong trào phòng chống thuốc lá, phòng chống bạo lực học đường… làm sao để các em tự nói lên tiếng nói của mình.
Những học sinh tiểu học hút thuốc có thể nghĩ rằng, các em làm như vậy là rất hay, khiến các bạn nể phục. Nhưng nếu, trong nhà trường đã có hoạt động, phong trào cho chính các em học sinh nói rằng, những hành vi như đánh nhau, tẩy chay, hút thuốc lá, chửi tục… là lố bịch, không được chấp nhận sẽ khiến các em phải suy nghĩ.
Ngoài ra, những thành viên trong gia đình, những người lớn xung quanh môi trường sống cũng cần có ý thức làm gương. Vì trẻ thường có thói quen bắt chước người lớn. Thấy ông bà, cha mẹ hút thuốc trẻ dễ học theo, nghe người lớn chửi bậy, trẻ cũng chửi theo. Do đó, sự gương mẫu của người lớn có vai trò rất quan trọng.
Đối với phụ huynh, chuyên gia tâm lý cho rằng, cần phải hiểu để nắm bắt được tâm sinh lý lứa tuổi của con ngày nay là có thể dậy thì sớm. Khi đó, các em có những biểu hiện tâm lý muốn nổi loạn, khám phá bản thân, bước qua mọi giới hạn của nhà trường, gia đình. Hiểu được điều đó, cha mẹ sẽ đồng hành, chia sẻ và hướng dẫn để các em có hành vi không lạc lối.
Hà Linh
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/canh-bao-khong-chi-hut-thuoc-tre-tieu-hoc-co-the-lam-nhieu-dieu-khien-nguoi-lon-bat-ngo-post1729803.tpo