Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, lạm dụng thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng sinh, hoặc tự ý phối hợp nhiều loại thuốc mà không lường trước hậu quả.
Nhiều lý do ngộ độc thuốc
Tối 10-7, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất tiếp nhận cấp cứu nữ bệnh nhân N.T.K.T. (20 tuổi, ngụ xã Bình Minh) vì ngộ độc thuốc tân dược.
Nằm trên giường bệnh với vẻ mặt buồn bã, T. cho biết, do thường xuyên cãi vã với chồng vì những chuyện vặt vãnh, bị chồng đánh nên T. cảm thấy ức chế tâm lý. Dù đang có con nhỏ 15 tháng tuổi nhưng tối hôm đó, T. uống cùng lúc hơn 20 viên thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc tái tạo da với mục đích tự tử. Uống thuốc xong, T. thấy đau bụng, nôn ói, người lâng lâng, chóng mặt rồi thiếp đi. Hàng xóm phát hiện đã nhanh chóng đưa T. vào bệnh viện. Trong vòng 3 giờ, bệnh nhân được súc rửa dạ dày và chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực chống độc để theo dõi.
Bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Việt Bắc (Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất) cho biết, bác sĩ đã thực hiện các xét nghiệm để đánh giá chức năng gan, thận, đo điện tim, đo khí máu… cho bệnh nhân. Rất may, trường hợp này được đưa vào viện sớm nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Còn có những trường hợp tự độc vào viện trong tình trạng rất nặng. Như trường hợp bệnh nhân nữ 56 tuổi uống cùng lúc nhiều thuốc chẹn kênh canxi trong điều trị bệnh cao huyết áp, kèm theo thuốc trừ sâu. Bệnh nhân sau đó bị tụt huyết áp rất sâu, điều trị nội khoa không hiệu quả. Sau nhiều cố gắng, các bác sĩ ổn định bệnh nhân và chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) để dùng đến liệu pháp cuối cùng là ECMO.
Người bị ngộ độc thuốc tân dược có thể xuất hiện các dấu hiệu như: buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt, co giật, rối loạn ý thức, khó thở, tím tái… Trường hợp nặng có thể bị tổn thương gan, suy thận cấp, trụy tim mạch hoặc tử vong.
Cách đây không lâu, Bệnh viện Thuận Mỹ ITO Đồng Nai đã tiếp nhận nam bệnh nhân T.H. (26 tuổi, ngụ phường Trấn Biên) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị và gan, nôn ói nhiều lần. Người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng 11 tiếng trước khi nhập viện, bệnh nhân đã uống gần 50 viên thuốc giảm đau Ibuprofen.
Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bệnh nhân đã bị suy thận, viêm tụy cấp, rối loạn điện giải và hạ kali máu. Đây là những biến chứng nguy hiểm thường gặp trong ngộ độc Ibuprofen liều cao.
Trước đó nữa, do bị sang chấn tâm lý liên quan đến bệnh lý về mắt không thể chữa được, bà L.T.M.N. (52 tuổi, ngụ xã Dầu Giây) đã tự tử bằng cách uống cùng lúc 113 viên thuốc an thần.
Bác sĩ Trần Đức Chuyên, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, cho hay bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, huyết áp tụt, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân ngay lập tức được đặt nội khí quản, bù dịch, sử dụng thuốc vận mạch để nâng huyết áp. Sau khi được điều trị hồi sức ban đầu, bệnh nhân được lọc máu hấp phụ để lọc bớt chất độc trong cơ thể. May mắn, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và bình phục.
Đáng báo động
ThS-BS Phạm Thị Kiều Trang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, chia sẻ tình trạng trẻ (chủ yếu từ 11-15 tuổi) tự tử bằng thuốc rất đáng báo động. Bởi ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, tâm lý có nhiều bất ổn, suy nghĩ bồng bột, các em rất dễ làm những chuyện dại dột chỉ vì những lý do rất đơn giản như giận cha mẹ, chia tay người yêu, điểm thấp. Do đó, rất cần sự quan tâm sát sao từ nhiều phía, đặc biệt là từ phía gia đình các em.
Lý giải nguyên nhân tình trạng ngộ độc thuốc tân dược ngày càng nhiều, bác sĩ Việt Bắc cho rằng, trước hết là do vấn đề mua bán thuốc hiện nay tràn lan và không có kiểm soát. Người dân có thể mua thuốc trị bệnh rất dễ dàng, đơn giản nhất phải kể đến như thuốc giảm đau Paracetamol, Panadol, Aspirin, cho đến những thuốc cần có toa của bác sĩ như thuốc huyết áp, thuốc hướng thần…
Bên cạnh đó là do nhận thức của một bộ phận người dân, đặc biệt là nhóm trẻ tuổi tâm lý chưa vững vàng, chỉ cần có một lý do nào đó không vừa ý, không hài lòng là rất dễ tìm đến thuốc tân dược với ý định tự tử.
Việc sử dụng thuốc tân dược quá liều, chẳng hạn như Paracetamol, sẽ gây tổn thương gan dẫn đến suy gan cấp hoặc tối cấp, tỷ lệ tử vong cao. Hay thuốc trị mất ngủ Amitriptyline nếu uống quá liều sẽ khiến bệnh nhân rơi vào hôn mê, sau đó nhanh chóng rối loạn nhịp tim, có thể tử vong tại nhà. Còn những thuốc hạ huyết áp, chẹn kênh canxi như Amlodipine, Felodipine nếu uống quá liều sẽ gây tụt huyết áp rất sâu, phải giải độc đặc hiệu, thời gian điều trị kéo dài và rất tốn kém tiền bạc.
Để tránh ngộ độc thuốc tân dược, các bác sĩ khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau, thuốc an thần, thuốc hạ huyết áp hay tim mạch, bởi dùng sai liều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Việc dùng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ.
“Một lưu ý khác cũng rất quan trọng đối với những bệnh nhân tự tử bằng thuốc đó là vấn đề tâm lý. Vì thế, chúng ta cần quan tâm đến nhau hơn, mở lòng mình ra nhiều hơn. Nếu chẳng may có khúc mắc gì, hãy chia sẻ với một người nào đó mình cảm thấy tin tưởng để tháo được “nút thắt” trong lòng. Khi đó, chúng ta sẽ có những quyết định sáng suốt hơn” - bác sĩ Bắc khuyến cáo.
Hạnh Dung