Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN
Thị trường tiêu dùng dành cho người theo Hồi giáo có quy mô ngày càng lớn, là điểm đến xuất khẩu tiềm năng cho nhiều ngành hàng như nông sản, thực phẩm, mỹ phẩm, dệt may… Tuy nhiên, để khai thác được thị trường này đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm rõ các tiêu chuẩn, tập quán tiêu dùng cũng như phương thức giao dịch…
Đây là nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo "Thị trường Halal tại khu vực GCC và Nam Á – Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp" do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh phối hợp Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương tổ chức chiều 14/7.
Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương cho biết: Trong xu hướng đa dạng hóa thị trường, nhu cầu tiếp cận, mở rộng các thị trường mới như Halal (hàng hóa hợp pháp dành cho người theo Hồi giáo) cho doanh nghiệp Việt Nam là rất cần thiết. Thị trường Halal toàn cầu hiện có quy mô lên đến hàng nghìn tỷ USD mỗi năm, với lượng người tiêu dùng hiện hơn 2 tỷ người, chiếm gần 25% dân số thế giới.
Riêng khu vực Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) có 6 quốc gia gồm Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait, Bahrain và Oman đóng vai trò trung tâm của chuỗi cung ứng Halal khu vực Trung Đông và toàn cầu với thu nhập bình quân đầu người rất cao, nhu cầu tiêu dùng hành nhập khẩu lớn; nhất là các sản phẩm như thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm.
Năm 2024, thương mại song phương Việt Nam và khu vực GCC đã đạt 18 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam đạt 7,5 tỷ USD. Điều này cho thấy tiềm năng gia tăng xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn rất lớn; đặc biệt, khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam và UAE (CEPA) sẽ có hiệp lực trong thời gian tới.
Đối với khu vực Nam Á, thị trường Halal dành cho người Hồi giáo có quy mô khoảng 600 triệu dân; các thị trường tiềm năng đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam là Pakistan và Bangladesh. Đây cũng là những quốc gia có lợi thế hợp tác sản xuất gia công trong chuỗi cung ứng Halal… Tuy nhiên, để tiếp cận được thị trường này, doanh nghiệp Việt cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt, đặc biệt là chứng nhận Halal cũng như các rào cản kỹ thuật liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng và chuỗi cung ứng.
Thông tin chi tiết về thị trường các quốc gia khu vực GCC, bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Phòng Tây Á – châu Phi, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài cho biết, các quốc gia khu vực Vùng vịnh với dân số khoảng 60 triệu người, có thu nhập bình quân cao từ 40.000 – 80.000 USD/người/năm. Nhu cầu tiêu dùng của người dân ở đây rất lớn nhưng hoạt động sản xuất và nông nghiệp khá hạn chế, 90% thực phẩm được nhập khẩu. GCC cũng là khu vực kết nối Trung Đông với thế giới thông qua hệ thống cảng biển, logistics phát triển và lưu lượng hàng hóa lưu thông rất lớn.
Đại diện doanh nghiệp chia sẻ nhu cầu xuất khẩu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN
Theo bà Nguyễn Minh Phương, nhờ thu nhập cao, người dân các quốc gia Vùng vịnh có xu hướng lựa chọn sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, do đó giá cả không phải là vấn đề lớn nhất. Các nhóm sản phẩm đượcquan tâm nhiều là thực phẩm chế biến, đồ hộp, thủy sản, mì ăn liền; nông sản gạo, cà phê, hạt điều; mỹ phẩm tự nhiên, hàng dệt may thân thiện môi trường; dược phẩm và đồ gia dụng Halal. Ngoài người bản địa, khu vực GCC còn có người nhập cư từ Nam Á, Đông Nam Á có tập quán tiêu dùng gần với người Việt Nam và đó là lợi thế để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường.
Nếu như GCC là cửa ngõ kết nối Trung Đông với thế giới thì Việt Nam cũng có vị trí đặc biệt thuận lợi ở Đông Nam Á, dễ dàng kết nối thương mại ở nhiều khu vực khác nhau, trong đó có các thị trường Halal như Malaysia, Indonesia, UAE. Thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp Việt Nam đạt chứng nhận Halal cho xuất khẩu như thủy sản Vĩnh Hoàn, thực phẩm chế biến Cầu Tre, cà phê Trung Nguyên… Dù dư địa phát triển lớn nhưng thị trường Halal cũng có những thách thức mang tính đặc thù. Bà Nguyễn Minh Phương cho biết, hệ thống chứng nhận Halal bao gồm rất nhiều yêu cầu phức tạp và không có một tiêu chuẩn thống nhất cho toàn khu vực mà mỗi quốc gia có một cơ quan chứng nhận riêng. Việc kiểm soát và thủ tục thông quan hàng hóa vào các nước Hồi giáo mất khá nhiều thời gian, phương thức thanh toán chậm cũng là trở ngại cho nhiều doanh nghiệp. Với thị trường Nam Á, bà Lê Thị Mai Anh, Trường phòng Phòng Đông Nam Á, Nam Á và Hợp tác khu vực, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài cho biết, đây là khu vực tập trung đông dân số với 600 triệu người. Chi tiêu thực phẩm Halal Nam Á ước tính khoảng 70 -100 tỷ USD/năm với hai thị trường lớn nhất là Pakistan, Bangladesh. Xu hướng tiêu dùng của khu vực này đang có sự thay đổi từ thực phẩm tươi sống sang chế biến sâu, ngoài ra, tiêu thụ mỹ phẩm và thực phẩm chức năng cũng tăng nhanh. Tnaga lớp trung lưu trẻ tăng mạnh, thúc đẩy quy mô tiêu dùng tăng 5 -7%/năm. Người tiêu dùng Halal Nam Á vẫn khá nhạy cảm về giá nhưng chuộng sản phẩm tự nhiên, hữu cơ, thích bao bì nhỏ, mua hàng online tăng mạnh. Ngoài nông sản, thực phẩm, mỹ phẩm, khu vực này có nhu cầu lớn nguyên liệu công nghiệp nhẹ như sợi, vải, hương liệu… Để khai thác hiệu quả thị trường Halal nói chung, khu vực GCC và Nam Á nói riêng, các chuyên gia khuyến nghị, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần tận dụng những sản phẩm đặc trưng của mình đồng thời đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn chứng nhận Halal. Doanh nghiệp nên tận dụng các kênh thông tin như mạng lưới thương vụ, tham gia các hội chợ triển lãm; hợp tác với doanh nghiệp địa phương, bản địa để thường xuyên cập được nhu cầu, xu hướng tiêu dùng cũng như các yêu cầu về mặt kỹ thuật của nước nhập khẩu. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc Marketing Văn phòng chứng nhận Halal (HCA Việt Nam) chia sẻ, thị trường Halal có quy mô lớn và tăng trưởng nhanh qua từng năm, không chỉ có thực phẩm, hàng tiêu dùng mà còn bao gồm rất nhiều lĩnh vực khác từ dịch vụ, du lịch, tài chính…Thách thức lớn nhất với doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường này là chứng nhận Halal không chỉ đánh giá sản phẩm cuối cùng mà yêu cầu toàn bộ chuỗi ung ứng từ nguyên liệu, quy trình sản xuất, vận chuyển, lưu trữ đều phải tuân thủ tiêu chuẩn của Hồi giáo. Chứng nhận Halal cũng không cấp cho doanh nghiệp, nhóm sản phẩm mà cho từng sản phẩm cụ thể. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải thật sự kiên trì, có thị trường mục tiêu và chiến lược chính phục rõ ràng mới có thể đạt được. Song, nếu đạt được tiêu chuẩn của thị trường Halal, doanh nghiệp sẽ không chỉ tiếp cận được người tiêu dùng Hồi giáo mà sẽ mở rộng sang phân khúc tiêu dùng cao cấp ở nhiều quốc gia khác bởi ngày càng nhiều người quan tâm đến chất lượng, sự an toàn của sản phẩm Halal.
Xuân Anh/vnanet.vn