Cảnh kết phim 'Địa đạo' rực rỡ trong đại lễ 30/4

Cảnh kết phim 'Địa đạo' rực rỡ trong đại lễ 30/4
8 giờ trướcBài gốc
Từ bóng tối địa đạo đến ánh sáng hòa bình
Kết thúc của một bộ phim không phải lúc nào cũng nằm ở cảnh cuối cùng trên màn ảnh và "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" - tác phẩm điện ảnh đang tạo nên một "cơn sốt" của dòng phim chiến tranh Việt Nam chính là một ví dụ như thế.
Cái kết của "Địa đạo" không có cao trào, không có một đại cảnh chiến thắng, không cờ hoa, không tiếng cười hân hoan. Một cái kết lặng lẽ, bỏ ngỏ, thậm chí khiến người xem có phần hụt hẫng…. Nhưng rồi khi bước ra khỏi rạp, hít thở bầu không khí yên bình giữa phố phường, khán giả bỗng nhận ra chính hòa bình hôm nay mới là cái kết trọn vẹn nhất mà bộ phim muốn để lại.
Hình ảnh rạng rỡ của diễn viên Quang Tuấn (vào vai nhân vật Tư Đạp) và Hồ Thu Anh (vào vai nhân vật Ba Hương) trong đoàn diễu hành sáng 30/4. Ảnh: VGP
Và thật xúc động thay, tại buổi lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), khán giả đã được chứng kiến "cái kết" hân hoan ấy.
Trên đại lộ rợp cờ hoa, giữa 48 khối diễu binh nghiêm trang, dàn diễn viên phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" xuất hiện trong tạo hình nhân vật du kích, mặc áo bà ba, khăn rằn, dáng đi kiêu hãnh mang nhiều tầng ý nghĩa.
Không một lời thoại, không cần ánh đèn sân khấu, nhưng khoảnh khắc ấy khiến ranh giới giữa nghệ thuật và hiện thực như được xóa nhòa. Khi những nhân vật bước ra khỏi màn ảnh, hòa vào dòng người, họ không chỉ tái hiện lịch sử, họ trở thành một phần sống động của ký ức dân tộc.
Sống xứng đáng với lịch sử
Ra đời sau hơn 10 năm ấp ủ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, "Địa đạo" là bộ phim chiến tranh được đầu tư nghiêm túc, kỹ lưỡng, tái hiện trận chiến sinh tồn dưới lòng đất Củ Chi năm 1967 - nơi những du kích miền Nam sống và chiến đấu trong bóng tối của hệ thống địa đạo.
Họ không có vũ khí tối tân, không được huấn luyện chuyên nghiệp, nhưng họ có thứ "vũ khí tối thượng", đó là niềm tin sắt đá vào ngày Tổ quốc thống nhất, niềm tin vào lý tưởng Đảng dẫn đường và lòng quả cảm đến tột cùng.
Phim không xây dựng những tượng đài anh hùng hoàn mỹ, thay vào đó là hình ảnh những con người biết sợ hãi, biết yếu đuối, biết yêu thương. Chính những con người bình dị ấy, trong bóng tối địa đạo đã chiến đấu bằng ý chí và lòng yêu nước, để giữ từng tấc đất quê hương, để viết nên một trang sử khiến cả một dân tộc ngẩng cao đầu tự hào.
Có những cái chết đến bất ngờ, có những trận đánh không cân sức, có những xác người cháy xém vì bom đạn… tất cả hiện lên không phải để giật gân mà để người xem thấu hiểu rằng lịch sử không chỉ viết bằng chiến thắng mà còn bằng những hy sinh lặng thầm.
Hình ảnh trong phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối"
"Địa đạo" không chỉ để thế hệ trước hoài niệm, đó còn là lời nhắc cho thế hệ hôm nay rằng máu thịt và ý chí của ông cha đã xây đắp nên hòa bình hiện tại. Một bộ phim chiến tranh không nhất thiết phải kể về chiến thắng và điều đẹp đẽ nhất mà "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" để lại không nằm ở cái kết trên phim mà chính là cái kết trong lòng mỗi người, khi lịch sử trở thành "ngọn đuốc" thắp sáng tinh thần dân tộc.
Để chúng ta biết ơn một thế hệ cúi lưng trong bóng tối cho hậu thế hôm nay được ngẩng cao đầu giữa ánh sáng hòa bình. Biết ơn vì được sống trong những ngày tháng yên bình được đánh đổi bằng cả tuổi trẻ và xương máu của cha ông.
Từ những bóng hình bước ra khỏi màn ảnh, sải bước kiêu hãnh trên đại lộ trong lễ diễu binh ngày 30/4 hào hùng, vang lên lời nhắc nhở: Lịch sử không chỉ để ghi nhớ, lịch sử là điểm tựa để sống xứng đáng hơn. Để từ đó, mỗi thế hệ hôm nay biết soi lại chính mình, sống không thờ ơ với quá khứ, hành động có trách nhiệm trong hiện tại và nuôi dưỡng khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, kiêu hãnh giữa trời bình yên.
Bởi nếu quá khứ là địa đạo tăm tối mà bền gan, vững chí thì tương lai nhất định phải là mặt trời tỏa sáng kiêu hãnh và rực rỡ.
Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh 69km về hướng Tây Bắc. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất, dài khoảng 250km và có các hệ thống thông hơi tại vị trí các bụi cây. Địa đạo Củ Chi được xây dựng ở điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh, trên vùng đất được mệnh danh là "đất thép" để ca ngợi ý chí phòng thủ kiên cường của quân dân nơi đây.
Nguyên Thảo
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/canh-ket-phim-dia-dao-ruc-ro-trong-dai-le-304-385645.html