“Nắn dòng” cứng nhắc
TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cơ điện Hà Nội cho biết, mỗi năm, nhà trường dành khoảng 10% chỉ tiêu tuyển sinh đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS. Năm nay, có thêm 10 trường trung cấp, cao đẳng sáp nhập theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nên chỉ tiêu này được điều chỉnh tăng lên.
TS Ngọc cho rằng, dù học hệ 9+ (hệ đào tạo dành cho học sinh chưa tốt nghiệp THPT, vừa học nghề vừa học văn hóa, tốt nghiệp có bằng trung cấp và bằng THPT) hay hệ nào, mục đích cuối cùng là nhà nước phải đảm bảo cơ hội, điều kiện để người dân có thể học tập suốt đời.
Theo ông Ngọc, chỉ tiêu 40% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề mang tính chất số học. Đào tạo nhân lực cho đất nước phải đáp ứng yêu cầu học tập của người dân. Người học tốt có thể học tập lên đại học để có trình độ cao hơn.
Sự đồng hành của phụ huynh luôn là động lực, nguồn động viên tinh thần đối với mỗi sĩ tử. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC
“Tôi cho rằng không nên định hướng, phân luồng theo số học. Cần đi vào thực chất hơn. Những khu vực có chất lượng giáo dục phổ thông tốt như Hà Nội, TPHCM tại sao lại định hướng học sinh đi học nghề”, ông Ngọc bày tỏ băn khoăn. Ông cho hay, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội tuyển sinh một số địa phương như Cao Bằng, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề lên tới 60-70%. Hay như tại Bắc Ninh, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, tỉ lệ học sinh rẽ nhánh sang học nghề rất lớn. Do đó, không nên áp đặt một con số chung cho tất cả các địa phương.
Ông Ngọc cho rằng, cách phân luồng tốt nhất là làm thế nào tỉnh/thành phố có cơ sở dữ liệu vị trí việc làm, nhu cầu việc làm nhằm phát triển kinh tế xã hội tại địa phương một cách công khai (để định hướng cho học sinh).
Cùng với đó, chủ trương phát triển kinh tế của từng địa phương, từng vùng miền sẽ đưa ra dữ liệu nhân lực tin cậy trước mắt, lâu dài để định hướng phát triển nhân lực. Như thế sẽ thực tế hơn con số tỉ lệ 40% hay bằng một con số nào đó.
“Không nên “nắn dòng” bằng các con số cụ thể. Cần truyền thông việc lựa chọn cách học, cấp học như thế nào phù hợp nhất với năng lực, điều kiện kinh tế gia đình của học sinh; không chạy đua theo chỉ số, chỉ tiêu. Nhà nước có vai trò định hướng theo nhu cầu nhân lực của địa phương và xã hội”, TS Đồng Văn Ngọc nói.
TS Lê Viết Khuyến đặt câu hỏi, từ số liệu Bộ GD&ĐT cung cấp, tại sao có 70 - 80% học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT, mà không vào trung cấp nghề? Bởi người học đã thấy rõ, việc rẽ nhánh học sinh sau THCS để đi vào trung cấp nghề là lối đi vào “ngõ cụt”.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội đánh giá, cần thiết phải phân luồng cho học sinh từ sớm. Nhưng rất khiên cưỡng khi đưa ra các con số cụ thể như 30% hay 40%.
Ông Lâm cho rằng, học sinh có quyền lựa chọn nghề nghiệp, bậc học dựa trên nhu cầu của bản thân và gia đình.
Ngành giáo dục, cơ quan quản lí phải tôn trọng điều này, không được định hướng, tư vấn theo hướng áp đặt. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng xác định, THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản và THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, nhu cầu tìm hiểu nghề nghiệp và lựa chọn nghề nào, thời điểm nào trong đời là quyền của học sinh.
Duy ý chí, đậm dấu ấn cảm tính
Trong phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tại kì họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc cũ) chia sẻ, mỗi năm cả nước có khoảng 15% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề bỏ học, trực tiếp tham gia vào thị trường lao động và không có việc làm ổn định.
Thực tế, ông Mạnh đánh giá chất lượng đào tạo nghề đối với học sinh tốt nghiệp THCS còn thấp và tỉ lệ có việc không cao. Ông Mạnh đề nghị Chính phủ tổng kết đánh giá thực hiện Quyết định 522 (về phân luồng sau THCS, THPT) và có giải pháp.
Ông đề xuất giảm tỉ lệ phân luồng sau THCS đi học nghề (theo Quyết định 522, mục tiêu đến năm 2025, có 40% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề; vùng đặc biệt khó khăn là 30%).
Điều này nhằm tạo điều kiện cho học sinh được bình đẳng về quyền được giáo dục, học tập trong nhà trường để phát triển toàn diện tư duy, thể chất, tránh gây áp lực, giảm tệ nạn xã hội do các em gây ra vì không được giáo dục đầy đủ trong môi trường sư phạm.
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận, việc quy hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực (khâu quyết định sự thành bại của chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo ở cả tầm quốc gia lẫn tầm địa phương) đang được thiết kế giản đơn, duy ý chí, cứng nhắc, mang đậm dấu ấn cảm tính, thiếu kinh nghiệm, không chuyên nghiệp.
Ở phần lớn các quy hoạch đó từ tầm quốc gia đến địa phương; các nhà hoạch định thường không hình dung được nhu cầu nhân lực, cơ cấu nhân lực trong từng giai đoạn của tiến trình công nghệ hóa, hiện đại hóa đất nước.
Khi bài toán quy hoạch phát triển nhân lực không rõ ràng, cho “nghiệm” kiểu “bốc thuốc” sẽ không có được một chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo phù hợp . Nói tóm lại, sẽ rơi vào tình trạng “mạnh ai nấy vẽ”, “mạnh ai nấy chạy”.
NGHIÊM HUÊ