Cắt giảm, đơn giản hóa 9/24 nhóm thủ tục hành chính
Theo Bộ Xây dựng, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2014 có 24 nhóm thủ tục hành chính.
Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) cắt giảm, đơn giản hóa 9/24 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng (ảnh minh họa).
Trong khi đó, dự thảo Luật hiện nay được xây dựng theo hướng chỉ quy định những vấn đề khung mang tính nguyên tắc.
Các quy định cụ thể, thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ được quy định tại các văn bản dưới Luật.
Do đó, không còn quy định cụ thể tên thủ tục hành chính, quy trình, trình tự thủ tục hành chính ở nội dung dự thảo Luật.
Các thủ tục hành chính theo từng nhóm chính sách về an toàn hàng không, an ninh hàng không, vận chuyển hàng không... sẽ được Chính phủ quy định chi tiết tại các văn bản hướng dẫn dưới Luật.
Theo rà soát, sau khi dự thảo Luật được thông qua và các Nghị định quy định chi tiết Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) được ban hành, cơ quan soạn thảo dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 9/24 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng.
Cụ thể, dự thảo Luật bãi bỏ 1 thủ tục hành chính mở cảng hàng không, sân bay; 1 thủ tục hành chính đăng ký điều lệ vận chuyển; 1 nhóm thủ tục hành chính về cấp và cấp lại giấy phép thành lập văn phòng đại diện, văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài. Hoạt động quản lý này sẽ được chính quyền địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về thương mại.
Đồng thời, bãi bỏ 1 nhóm thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp; 1 nhóm thủ tục hành chính đăng ký cảng hàng không, sân bay; 1 nhóm thủ tục hành chính đăng ký cảng hàng không đang xây dựng; 3 thủ tục ở nhóm thủ tục hành chính nhân viên hàng không (cấp, cấp lại, bổ sung năng định giấy phép nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay).
Phương án phân cấp đảm bảo tính đặc thù của lĩnh vực hàng không
Trong quá trình xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế), Bộ đã bám sát các yêu cầu, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, theo tinh thần: “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, gắn với việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Việc phân cấp thủ tục hành chính đã được thể hiện rõ trong nội dung các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế).
Theo thẩm quyền được Luật giao, Chính phủ sẽ thực hiện các phương án phân cấp nhằm bảo đảm tính đặc thù của lĩnh vực hàng không; đồng thời khai thác, sử dụng linh hoạt, hiệu quả vùng trời thông qua các quy định về phân loại, khai thác vùng trời.
Cụ thể, phân cấp cho các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện các hoạt động quản lý, cấp phép trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Phân cấp cho UBND các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý Nhà nước đối với khu vực lân cận cảng hàng không; đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường cảng hàng không; phối hợp trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, điều tra sự cố, tai nạn tàu bay và quản lý chướng ngại vật hàng không.
Biển Ngọc