Câu chuyện đầy tự hào sau hơn 50 năm về người Anh hùng liệt sỹ đặc công rừng Sác

Câu chuyện đầy tự hào sau hơn 50 năm về người Anh hùng liệt sỹ đặc công rừng Sác
7 giờ trướcBài gốc
Sau hơn 54 năm kể từ ngày Anh hùng LLVTND, liệt sỹ Trần Văn Dần (xã Đan Hải, Hà Tĩnh) hy sinh, mùa hè này, những kỷ vật đơn sơ, những nét bút mang khí chất của người lính đặc công rừng Sác ấy đã trở về với gia đình bằng một cách đầy bất ngờ và rất cảm động.
Làng quê xã Xuân Phổ cũ nay là xã Đan Hải thường lặng lẽ, yên bình bên bãi biển hoang sơ. Nhưng, những ngày tháng Bảy này, làng quê ấy trở nên nhộn nhịp bởi những bước chân của các cấp ngành và đông đảo ĐVTN tìm về tri ân người Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Dần - người con của quê hương thôn Hợp Thuận. Họ mang theo những di vật, kỷ vật của người anh hùng vừa được tìm thấy, sau hơn 50 năm “lưu lạc” ở bên kia bán cầu (Trường Đại học Công nghệ Texas, Hoa Kỳ) để trao lại cho người thân của anh.
Ngôi nhà và mảnh vườn nơi từng lưu dấu tuổi thơ nghèo của Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Dần.
Liệt sỹ Trần Văn Dần (SN 1948) sinh ra tại xã Xuân Phổ (cũ) trong một gia đình nông dân. Bố mất sớm, người mẹ trẻ lúc ấy một mình tảo tần nuôi 2 đứa con trai còn nhỏ. Cuộc sống của anh Trần Văn Dần và anh trai Trần Thanh Tân lớn lên trong gian khó nhưng đầy yêu thương.
Năm 1962, anh trai Trần Thanh Tân (SN 1944) lên đường nhập ngũ. 3 năm sau (tháng 7/1965) anh Dần lúc đó mới 17 tuổi đã viết đơn tình nguyện lên đường tham gia bảo vệ Tổ quốc.
Sinh ra từ làng chài, với dáng người cao khỏe và kỹ năng bơi lội giỏi, anh được được biên chế vào một đơn vị đặc công nước. Sau 8 tháng huấn luyện ở miền Bắc, anh cùng đồng đội hành quân vào đồng bằng Nam Bộ chiến đấu giải phóng miền Nam, biên chế vào Đại đội 5 Đặc công - Trung đoàn 10 đặc công rừng Sác - Phân khu 4 - Quân giải phóng miền Nam.
Tại đây, anh đã lập nhiều chiến công oanh liệt, được kết nạp Đảng tại đơn vị và đề bạt giữ chức Trung đội trưởng, Đại đội 5, Trung đoàn 10 đặc công. Trong đó, chỉ từ năm 1969 -1971, anh đã chỉ huy và cùng đồng đội đánh chìm 8 tàu hàng quân sự của địch; 23 lần một mình (thay cho 2 người) kéo đạn ngược sông Lòng Tàu; làm cháy 15 triệu lít xăng dầu; dùng mìn định hướng diệt 2 tiểu đội bộ binh địch, phá hủy 1 khẩu pháo 105 ly của địch.
Đặc biệt, trận đánh lịch sử của đặc công rừng Sác được ghi lại trong cuốn “Lịch sử Trung đoàn 10 rừng Sác anh hùng” (1966-2006) đã miêu tả về sự mưu trí và dũng cảm tuyệt vời của anh khi đối đầu với kẻ thù.
Đó là trận đánh vào đêm 10/10/1969, anh Trần Văn Dần cùng đồng đội Nguyễn Chất Xê nhận nhiệm vụ đột nhập vào cảng Nhà Bè, trong hoàn cảnh địch phòng thủ nghiêm ngặt. Hai chiến sỹ đặc công bơi cách chốt địch chỉ 1m nước, gấp rút thời gian đến mục tiêu được định vị. Đến mục tiêu, anh Dần áp khối thuốc nổ có sức công phá lớn vào mạn tàu thì trời hừng đông. Trong khi chuẩn bị rút ra ngoài thì phát hiện 1 tàu lớn của địch chở đầy ắp hàng hóa đang đến.
Trước tình huống bất ngờ, 2 chiến sỹ đặc công hội ý nhanh và quyết định gỡ khối thuốc nổ 100 kg đang áp sát mục tiêu cũ chuyển sang mục tiêu mới đánh có hiệu suất cao hơn. Tình thế cực kỳ nguy hiểm khi ngòi kíp thuốc nổ sắp “khai hỏa” nhưng anh Trần Văn Dần vẫn quyết định cắt dây ngòi nổ, giữ chặt để tránh chấn động và bơi đến chiếc tàu vừa xuất hiện. Sau khi gắn khối thuốc nổ vào mục tiêu thì trời sáng rõ. Hai chiến sỹ đặc công vừa thoát ra xa khu vực tàu địch thì chiếc tàu hàng 10.000 tấn nổ tung…
Ông Trần Thanh Tân (anh trai Liệt sỹ Trần Văn Dần) trò chuyện với các ĐVTN về tuổi thơ của 2 anh em tại khu vườn gia đình.
Sau chiến công lẫy lừng, anh Dần được cấp ủy đã ghi nhận: “Chiến đấu dũng cảm, mưu trí linh hoạt, phát huy nhiều sáng kiến mới”. Từ việc lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu, anh Dần được tặng 2 Huân chương Chiến sĩ giải phóng (1 hạng nhì, 1 hạng ba). Ngoài ra anh còn được tặng 10 bằng khen, 12 giấy khen, 8 huy hiệu Dũng sĩ đánh giao thông, 2 huy hiệu Dũng sĩ Quyết thắng.
Mặc dù lập được nhiều thành tích, nhưng anh Dần luôn khiêm tốn và không ngừng nỗ lực. Bút tích mà anh để lại viết: “Tôi thấy thành tích lập được vẫn chưa thỏa mãn với bản thân… nên tôi càng ra sức rèn luyện kỹ chiến thuật thật điêu luyện để cấp ủy, BCH và đồng đội càng tin tưởng”.
Lãnh đạo tỉnh và Tỉnh đoàn thăm hỏi gia đình và dâng hương tại bàn thờ Liệt sỹ Trần Văn Dần trong nhà thờ dòng họ.
Ngày 30/6/1971, trong một trận chống càn, anh Trần Văn Dần đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh ở tuổi 23, sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Khi hy sinh, anh là đảng viên, Trung đội trưởng, Đại đội 5 đặc công, Đoàn 10, Bộ Tư lệnh Đặc công. Bằng sự mưu trí, dũng cảm, kiên cường chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng, liệt sỹ Trần Văn Dần đã cùng với các đồng đội làm nên huyền thoại lịch sử mang tên “Đặc công rừng Sác” - một đội quân tuy không hùng hậu, không có vũ khí, khí tài tối tân, nhưng đã lặng thầm chiến đấu, thoắt ẩn thoắt hiện, “xuất quỷ, nhập thần”, khiến kẻ thù khiếp sợ. Vũ khí của họ chính là “trái tim yêu nước nồng nàn, cộng với trí thông minh và trái bộc phá, con dao găm” (Theo lời của Anh hùng LLVT Nhân dân Lê Bá Ước - nguyên Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10).
Bộ đội đặc công rừng Sác lập nhiều chiến công huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu
Ngày 20/12/1973, liệt sỹ Trần Văn Dần được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân, là 1 trong 6 cá nhân của đặc công rừng Sác được tặng phần thưởng vinh dự này.
Đến bây giờ, 60 năm (1965-2025) kể từ ngày liệt sỹ Trần Văn Dần lên đường nhập ngũ, gia đình hầu như không có nhiều tin tức từ anh. Trong ký ức còn lại của ông Trần Thanh Tân (SN 1944) là lần gặp cuối cùng trước lúc em trai nhập ngũ và bức thư anh Dần báo tin đã vào bộ đội.
Ông Tân kể: “Tháng 8/1964, lúc ấy tôi đang cùng đơn vị là Đại đội 49, Pháo binh bờ biển tại Vịnh Mốc (Quảng Trị) di chuyển ra Quỳnh Lưu (Nghệ An) để chiến đấu. Trên đường đi, đơn vị dừng lại ở Cửa Lò thì em Dần và mợ Thu (vợ người chú ruột) có đến thăm. Hai anh em ở với nhau 3 ngày, Dần thường xuyên hỏi tôi về cuộc sống trong quân ngũ nhưng không bày tỏ việc em mong muốn đi bộ đội. Đến gần cuối năm 1965 thì tôi nhận được thư Dần, cho biết em đã nhập ngũ. Tôi nhớ mãi lời em viết: Anh về trước thì nhớ chăm sóc mẹ giùm em…”.
Ông Trần Thanh Tân trò chuyện với phóng viên về quá trình gian nan đi tìm thông tin mộ liệt sỹ Trần Văn Dần.
Kể từ đó, ông Tân không còn nhận được tin tức gì từ em hay gia đình. Cuối năm 1973, khi đang cùng đơn vị chiến đấu ở Quảng Trị, ông Tân chột dạ khi nghe thông tin từ một bản tin của đài Mặt trận Giải phóng miền Nam. “Bản tin phát trong lúc tôi đang nghỉ sau một trận đánh. Nghe danh sách 31 anh hùng liệt sỹ hy sinh, bất chợt tôi khựng lại, tim như nhói lên khi nghe phát thanh viên đọc liệt sỹ Trần Văn Dần quê ở Nghi Xuân – Hà Tĩnh. Lúc đó, tôi tin chắc em đã hy sinh rồi”- ông Trần Thanh Tân xúc động kể.
Năm 1976, ông Tân xuất ngũ trở về địa phương, lập gia đình và chăm sóc mẹ già. Thông tin về người em trai chỉ còn lại 1 giấy báo tử, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba và 1 Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Nhất của liệt sỹ Trần Văn Dần (đã được ông Tân trao tặng cho Bảo tàng Quân khu 4 cuối năm 2024). Mộ phần và các thông tin về người em trai hoàn toàn không có manh mối. Ông Tân chia sẻ: “Mong tìm được mộ em là niềm trăn trở, đau đáu trong lòng mẹ tôi lúc còn sống”.
Đến năm 2008, gia đình ông Tân bất ngờ nhận được cuốn sách lịch sử về Trung đoàn 10 đặc công rừng Sác. Căn cứ vào thông tin từ cuốn sách, năm 2011, ông Tân và con trai (hiện sống ở tỉnh Đắk Lắk) lần tìm về nghĩa trang đơn vị tại miền Nam. Tại đây, ông tìm thấy phần mộ của liệt sỹ Trần Văn Dần nhưng chỉ là “mộ gió”. Do đặc điểm địa hình nơi chiến đấu, thi thể liệt sỹ Trần Văn Dần cùng hàng trăm đồng đội đã hòa vào đất mẹ. Dẫu vậy, năm 2012, ông Tân vẫn quyết định xin phép đơn vị làm lễ di dời mộ em trai về Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Nghi Xuân (cũ). “Dù là một nắm đất nơi em hy sinh, tôi vẫn muốn đưa em về quê hương, thỏa nguyện niềm mong ước của mẹ khi còn sống”-ông Tân nghẹn ngào.
Thời gian trôi qua, dẫu chưa thực sự trọn vẹn nhưng tâm nguyện về việc tìm kiếm thông tin người em trai phần nào được xoa dịu trong ông Trần Thanh Tân thì một ngày giữa tháng 7/2025, ông nhận được thêm tin mới.
Vào cuối tháng 5/2025, khi đồng chí Trần Nhật Tân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nhận được thông tin từ một người quen ở Hà Nội, báo về việc tìm thấy di vật, tư liệu về một liệt sỹ quê Hà Tĩnh có tên Trần Văn Dần. Đây là tư liệu mật do tình báo Hoa Kỳ thu thập năm 1971 trong một trận càn, sau 50 năm đã được giải mã và hiện lưu trữ tại Đại học Công nghệ Texas. Ngay sau đó, đồng chí Trần Nhật Tân đã liên hệ với ông Lâm Hồng Tiên (TP Hà Nội) để tiếp nhận bộ hồ sơ. Bằng sự trăn trở, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao, đồng chí đã chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiến hành xác minh, phục dựng tư liệu một cách bài bản để kịp thời trao cho thân nhân gia đình. Nhận nhiệm vụ, các cán bộ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã nhanh chóng bắt tay vào tìm hiểu thông tin, khai thác và phục dựng di vật, tư liệu, phục chế ảnh màu chân dung liệt sỹ Trần Văn Dần.
Quá trình tiếp nhận, nghiên cứu các bản phim chụp lại cuốn sổ, trang viết tay của liệt sỹ Trần Văn Dần là hành trình đầy xúc động với cán bộ Tỉnh đoàn. Từng con chữ khắc họa lại những thời khắc chiến đấu cam go, những chiến công vang dội và cả khát vọng cống hiến mãnh liệt của người lính đặc công.
“Không chỉ là kỷ vật, đó thực sự là một di sản tinh thần quý giá. Trong từng trang viết tay, từng dòng nhật ký của liệt sỹ Trần Văn Dần – người anh hùng, đảng viên, đoàn viên thanh niên năm xưa – vẫn cháy rực ngọn lửa cách mạng, tinh thần kiên cường, lý tưởng sống cao đẹp. Những tư liệu được lưu lại không đơn thuần là bằng chứng lịch sử, mà còn là ánh sáng soi đường cho thế hệ trẻ hôm nay.
Chúng tôi xem việc thực hiện ấn phẩm về anh là một hành trình tri ân, là cách để hiểu sâu hơn về lịch sử, và cũng là dịp để bồi đắp thêm ý chí, nghị lực cho mỗi đoàn viên, thanh niên. Từ đó, thế hệ trẻ thêm tự hào, thêm trân quý truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc – truyền thống được đánh đổi bằng máu, bằng tuổi xuân và lý tưởng sống cao đẹp của lớp lớp cha anh vì độc lập, tự do của Tổ quốc” – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Ny Hương chia sẻ.
Những nét bút của liệt sỹ Trần Văn Dần được tìm thấy sau gần 60 năm lưu lạc.
Sau 1 tháng nỗ lực thực hiện, với sự giúp đỡ của Ủy ban MTTQ tỉnh cùng một số cá nhân tâm huyết, các cán bộ, ĐVTN Tỉnh đoàn đã hoàn thành ấn phẩm “Tìm lại ký ức” và bức chân dung màu Anh hùng LLVT Nhân dân Trần Văn Dần. Ấn phẩm gồm 49 trang được in màu, có bìa cứng “vẽ lại” chân dung liệt sỹ với các thông tin về cuộc đời từ người lính ra đi từ mái tranh nghèo đến những chiến công oanh liệt, kèm đó là hàng chục bản ảnh chụp lại các trang viết gốc, kỷ vật của liệt sỹ Trần Văn Dần.
Chiều 24/7, Ủy ban MTTQ tỉnh, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III và UBND xã Đan Hải đã tổ chức buổi lễ trang trọng trao lại di vật, tài liệu lịch sử (ấn phẩm) cho gia đình Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Dần. Chương trình diễn ra trang nghiêm xúc động, có sự chứng kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng gần 1.000 người dân và các ĐVTN tại địa phương.
Buổi lễ trao di vật, tài liệu lịch sử về Anh hùng LLVT Nhân dân Trần Văn Dần tại UBND xã Đan Hải, chiều 24/7/2025.
Thương binh Nguyễn Văn Tiến (85 tuổi, xã Đan Hải) bày tỏ: “Là người lính từng tham gia chiến đấu, chứng kiến sự hy sinh của các đồng đội, bản thân cũng là một thương binh, tôi rất xúc động khi chứng kiến buổi lễ. Những việc làm tri ân của các cấp chính quyền, tuổi trẻ hôm nay giúp chúng tôi ấm lòng, bởi những hy sinh của thế hệ chúng tôi luôn được khắc ghi trong lòng đất nước”.
Là một trong những ĐVTN tham dự chương trình, em Nguyễn Xuân Đức (học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Du) bày tỏ: “Những di vật của liệt sỹ Trần Văn Dần khiến em cảm thấy vô cùng tự hào về truyền thống cách mạng quê hương. Đó cũng là động lực để mỗi ĐVTN như chúng em tự thấy phải có trách nhiệm nỗ lực học tập để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với những hy sinh to lớn của thế hệ đi trước”.
Lắng lại sau những giây phút trang trọng thiêng liêng của buổi lễ, ông Trần Thanh Tân ôm di ảnh và kỷ vật về người em trai vào lòng, ánh mắt rơm rớm dòng lệ. Người cựu binh từng vào nơi bom đạn khốc liệt ắt hẳn hiểu hơn ai hết sự anh dũng của người em trai. Và càng xúc động hơn khi 60 năm đi một vòng trái đất, những kỷ vật của người thân lại trở về.
“Giờ phút này, tôi thấy em thực sự đã trở về với gia đình, với quê hương. Tôi không biết nói gì ngoài sự cảm ơn lãnh đạo các cấp, ngành, ông Lâm Hồng Tiên, ông Trần Nhật Tân và nhất là các cháu ĐVTN. Việc làm này, không chỉ khiến gia đình tôi ấm áp mà tôi tin ở thế giới bên kia, mẹ tôi cũng đã an lòng khi em Dần đã đoàn tụ”- ông Trần Thanh Tân xúc động.
Ông Trần Thanh Tân xúc động phát biểu tại chương trình, trò chuyện với Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Ny Hương, các bạn ĐVTN.
Tạm biệt Đan Hải, làng quê Hợp Thuận, nơi có người lính ra đi dưới mái tranh nghèo đang nghiêng mình trong nắng hạ. Những mái nhà tranh xưa nay đã thay thế bằng những ngôi nhà mái ngói khang trang, con đường nông thôn mới tươi xanh hoa lá. Và, tôi hiểu rằng để đất nước được hòa bình, độc lập, ngày càng phát triển như hôm nay, đã có biết bao anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và những người chiến sỹ như Anh hùng LLVT Nhân dân Trần Văn Dần đã cống hiến tuổi xuân, ngã xuống, hy sinh xương máu... cho Tổ quốc mãi thắm tươi.
BÀI, ẢNH: THIÊN VỸ
THIẾT KẾ: HUY TÙNG
Liệt sỹ Nguyễn Hoàng Lưu - người khắc tên mình vào lịch sử pháo binh Việt Nam
Ở tuổi 14, Nguyễn Hoàng Lưu (quê Quảng Bình cũ, cùng gia đình tản cư ra Hà Tĩnh sinh sống) đã lặng lẽ trốn gia đình để đi theo bộ đội. Từ ấy, cuộc đời ông bước vào hành trình của một người lính – gan dạ, kiên cường và kiêu hãnh với một sáng kiến kỹ thuật mang giá trị vượt thời gian.
Thiên Vỹ
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/cau-chuyen-day-tu-hao-sau-54-nam-ve-nguoi-anh-hung-liet-sy-dac-cong-rung-sac-post292501.html