Câu chuyện về giải phóng Côn Đảo

Câu chuyện về giải phóng Côn Đảo
5 giờ trướcBài gốc
Ký ức ngày giải phóng Côn Đảo
Ông Nguyễn Tấn Bình - nguyên Phó Chủ tịch Hội Tù yêu nước tỉnh Quảng Ngãi bị địch bắt năm 1963 và đày đi Côn Đảo cho đến ngày miền Nam được giải phóng. Theo ông Bình, tháng 3/1975, khi Chiến dịch Tây Nguyên mở màn cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 thì Mỹ - ngụy tăng cường phòng thủ Côn Đảo. Tháng 4/1975, nhà tù Côn Đảo có hơn 7.400 tù nhân, trong đó có hơn 4.200 tù chính trị, còn lại là tù thường phạm, quân phạm. Trong số hơn 4.200 tù chính trị thì có 2.400 người đang chịu chế độ cấm cố ở trại 1, trại 5, trại 6 và trại 7. Đây là những người chống chào cờ ngụy, chống học tố Cộng, chống nội quy nhà tù từ nhiều năm trước, bị địch tra tấn dã man.
Du khách tham quan Chuồng Cọp, Trại Phú Tường, huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: PV
Ngày 29/4/1975, tên chúa đảo, cố vấn Mỹ và cai ngục trốn chạy bằng ca nô và trực thăng để đến những chiến hạm Mỹ đang chờ chực ngoài khơi, tạo nên cảnh hỗn loạn khắp đảo. Bên trong các trại, những người tù không hề hay biết bên ngoài có biến động. Sáng 30/4/1975, bọn chỉ huy trên đảo cho khóa chặt tất cả các phòng giam, bố phòng nghiêm ngặt trong và ngoài lao, đồng thời chúng tổ chức di tản ra tàu bằng mọi phương tiện trên đảo, âm mưu thủ tiêu toàn bộ tù chính trị bằng lựu đạn vào giờ chót.
Bằng nhiều nguồn tin, anh em tù nhân phán đoán trong đất liền có biến động lớn, nhưng chưa biết là Sài Gòn đã được giải phóng. Ban lãnh đạo các khu của trại 7 quyết định tổ chức kỷ niệm trọng thể Ngày Quốc tế Lao động (1/5) để phát huy uy thế của tù chính trị, đồng thời thăm dò phản ứng của địch. Các trại khác cũng chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm. Theo lời ông Nguyễn Tấn Bình, lúc 11 giờ đêm 30/4/1975 tại trại 7 (khu H) - nơi chúng giam giữ ông và nhiều tù nhân chính trị khác, đang khẩn trương chuẩn bị khẩu hiệu, bài trí nơi làm lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, thì tên đại úy Kiều Văn Dậu, Trưởng Ty Thanh niên Nguyễn Văn Đồng và Nguyễn Văn Sơn - nhân viên hợp tác xã tiêu thụ Côn Đảo, vào báo tin Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn giải phóng. Nghe thế, bọn ác ôn trên đảo tháo chạy tán loạn. Lúc đó, anh em tù còn nghi ngờ, nên đã yêu cầu bọn chúng cho mượn radio để nghe tin tức, đồng thời anh em tù cử người ra ngoài trại để nắm tình hình. Khi radio được mang tới, mọi người hồi hộp lắng nghe thông tin của Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn được giải phóng.
Ngay sau đó, những người tù ở khu H quyết định hành động. Họ thu hồi chùm chìa khóa các phòng giam và khẩu súng mà nhóm nhân viên của địch đến báo tin. Người mở cửa, người phát loa thông báo cho các khu. Tiếng reo hò từ khu H lan ra các khu của trại 7. Lúc ấy là 1 giờ sáng 1/5/1975, đến 3 giờ sáng, cả 8 khu của trại 7 hoàn toàn được giải phóng. "Nghe tin Sài Gòn được giải phóng, chúng tôi vui mừng đến nghẹn ngào. Côn Đảo như bừng tỉnh, người tù đồng loạt nổi dậy tiến về dinh chúa đảo và nhà ở của bọn cai ngục, nhưng chúng đã rút đi gần hết", ông Bình kể.
Niềm vui khi có Bác
Chớp thời cơ giải phóng Côn Đảo, các đồng chí có trách nhiệm ở trại 7 triệu tập ngay một cuộc họp và quyết định thành lập Đảo ủy lâm thời (gồm 7 người) để lãnh đạo cuộc nổi dậy.
Du khách xem Bia tưởng niệm những người tù chính trị hy sinh tại Trại 6B (Trại Phú Bình) thuộc hệ thống Nhà tù Côn Đảo. Ảnh: PV
Đến 8 giờ sáng ngày 1/5/1975, lực lượng tù nhân đã hoàn toàn làm chủ Côn Đảo. Khoảng 10 giờ, đài truyền thanh phát đi “Bản thông báo số 1”, tin Côn Đảo hoàn toàn giải phóng do lực lượng tù chính trị làm chủ và lãnh đạo; đồng thời công bố danh sách các thành viên trong chính quyền cách mạng. Chính quyền cách mạng được thành lập, lãnh đạo và quản lý toàn bộ mọi hoạt động trên đảo. Các đội vũ trang nhanh chóng được thành lập và triển khai nhiệm vụ tuần tra, canh gác, đào công sự sẵn sàng chiến đấu, đề phòng địch quay lại. Côn Đảo nhộn nhịp, tưng bừng như ngày hội, chấm dứt chuỗi ngày đau thương dài dằng dặc.
Vui sao nước mắt lại trào
Ông Nguyễn Tấn Bình xúc động kể, đêm ở trên tàu về đất liền, nhìn quanh anh em ngủ, thấy ai nấy cũng đều xanh xao, vàng vọt, gầy gò, ốm yếu, áo quần rách tả tơi, thương quá. Thân xác tôi lúc đó cũng chỉ còn da bọc xương. Tôi không sao ngủ được, cứ nghĩ đến giờ phút gặp lại bạn bè, đồng chí, đồng đội, cha mẹ, người thân mà nước mắt trào ra, nhiều lúc trong tù cứ nghĩ không bao giờ gặp lại họ. Đất nước hòa bình, giải phóng mà tôi ngỡ như đang mơ!
Ngày 2/5/1975, đài vô tuyến điện Côn Đảo phát sóng liên tục, chuyển bức điện của chính quyền cách mạng ở Côn Đảo về đất liền: "Ủy ban Hòa giải hòa hợp dân tộc ở Côn Sơn đã thành lập 7 giờ sáng ngày 1/5/1975. Chúng tôi nhiệt liệt chào mừng thành phố Sài Gòn đã được giải phóng. Sẵn sàng thi hành mệnh lệnh của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam". Đài phát sóng liên tục, đến 15 giờ ngày 3/5/1975 thì bắt liên lạc được với Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Khi được hỏi Côn Đảo cần gì để đất liền chi viện ngay thì đồng chí đại diện cho Đảo ủy lâm thời đã nghẹn ngào trả lời: "Chúng tôi chỉ cần ảnh Bác Hồ".
Rạng sáng 4/5/1975, khi tàu V. 609 và tàu V. 683 Hải quân chở bộ đội ra đến nơi thì tù chính trị Côn Đảo đã hoàn toàn làm chủ và ổn định tình hình trên đảo. Buổi lễ rước ảnh Bác Hồ cực kỳ trang nghiêm, long trọng được tổ chức tại cầu tàu lịch sử 914. Khoảnh khắc và hình ảnh những người tù chính trị ôm ảnh Bác để mừng ngày trở về, mừng ngày đất nước thống nhất, dân tộc được tự do thật quá đỗi thiêng liêng, trang nghiêm và hùng tráng. Đó là một trong những khoảnh khắc xúc động, thể hiện niềm tin, niềm tự hào khi có Đảng, có Bác Hồ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ai cũng xúc động rơi nước mắt. 500 tấm ảnh Bác Hồ được tù nhân giải phóng rước về các phòng, các trại. Cuộc đấu tranh của những người tù chính trị ở Côn Đảo đã giành được thắng lợi trọn vẹn, trải qua biết bao thử thách nghiệt ngã, gian khổ, hy sinh. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 1.500 người bị địch bắt giam cầm ở Côn Đảo, trong số đó có nhiều người hy sinh anh dũng và họ mãi mãi nằm lại ở Nghĩa trang Hàng Dương.
Chiều 4/5/1975, chuyến tàu đầu tiên chở 594 anh chị em tù đau ốm, bệnh tật và tử tù về đất liền. Sau đó, từ ngày 8/5 đến ngày 24/5/1975 có thêm 4 chuyến tàu lần lượt cập bến đưa các cựu tù về đất liền để chữa trị, an dưỡng và đoàn tụ với gia đình.
Để giữ đảo, mảnh đất thiêng liêng nơi trùng khơi, theo yêu cầu của nhiệm vụ chính trị đặc biệt, đã có 150 người tù yêu nước xung phong ở lại để quản lý và xây dựng Côn Đảo, trong số có 7 đồng chí là người Quảng Ngãi. "Chiến tranh đã lùi xa 50 năm, nhưng vẫn còn đó những nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai. Nỗi đau khắc sâu vào ký ức những người tù Côn Đảo", ông Lê Quang Ba - nguyên Chủ tịch Hội Tù yêu nước tỉnh Quảng Ngãi, tâm sự.
THANH HIẾU
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202504/cau-chuyen-ve-giai-phong-con-dao-35c027f/