50 năm Giải phóng Trường Sa - Bài 1: 'Lá chắn' vững chắc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc

50 năm Giải phóng Trường Sa - Bài 1: 'Lá chắn' vững chắc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
5 giờ trướcBài gốc
Sau 50 năm giải phóng (29/4/1975-29/4/2025), Trường Sa hôm nay không chỉ là “pháo đài thép giữa lòng Biển Đông”, là lá chắn vững chắc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc mà còn là một địa phương phát triển mạnh mẽ gắn liền với sự phát triển chung của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung.
Phóng viên TTXVN đã có loạt bài ghi chép những trải nghiệm, phản ánh những nỗ lực bám biển, giữ biển của quân và dân nơi đây.
Bài 1: Trường Sa - Lá chắn vững chắc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
Được giải phóng ngày 29/4/1975, ngay trước mốc son lịch sử của đất nước -30/4/1975, Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chiến thắng của Trường Sa như một “lời minh chứng: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những con người góp mặt trong chiến thắng của Trường Sa ngày đó không bao giờ quên những ngày tháng hào hùng, nhờ đó mới có một Trường Sa ngày nay.
“Tàu không số” và mối duyên của người lính trẻ
Cùng với đường Hồ Chí Minh trên bộ qua dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển gắn liền với những “Đoàn tàu không số” là tuyến chi viện chiến lược góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giải phóng Trường Sa. Con đường ấy đã đi vào lịch sử như một “huyền thoại”. Trong suốt 14 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961-1975), “Đoàn tàu không số́” đã thực hiện 2.047 chuyến đi, vận chuyển gần 153.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ ra Bắc, vào Nam.
Đại tá Trần Phong, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hậu cần Hải quân, kể lại từng chặng đường chiến đấu mà ông là chỉ huy trưởng con tàu không số trên Bản đồ lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN
Còn vẹn nguyên cảm xúc của những ngày tháng 4/1975 lịch sử, Đại tá Trần Phong, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hậu cần Hải quân, người từng giữ trọng trách Đoàn trưởng Đoàn tàu 125 (tiền thân của Tàu không số) nhớ lại: "Như bao thanh niên khác, khi vừa lớn lên, tôi đã tự nguyện rời quê hương Quảng Nam tập kết ra Bắc. Năm 1955, lúc tròn 20 tuổi, tôi được cử đi học thuyền trưởng, bồi dưỡng lý luận chính trị ở Trung Quốc. Về nước, tôi đảm đương nhiều chức vụ trước khi trở thành thuyền trưởng con tàu chiến đấu nổi danh mang tên 175".
Nhắc đến tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, vị quân nhân đã ở tuổi 90, đi lại khó khăn nở nụ cười tự hào: “Tôi gia nhập Đoàn tàu không số để thực hiện sứ mệnh vận chuyển vũ khí, lương thực… từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Và từ chuyến tàu định mệnh đó, tôi đã gặp và nên duyên với vợ tôi, nữ công nhân quốc phòng Trần Thị Tường ở Căn cứ II Hải quân Cửa Hội, nay thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An”.
Đại tá Trần Phong cho biết, chuyến hàng đầu tiên của tàu không số do ông làm thuyền trưởng chở 62 tấn vũ khí đến Bến Tre vào tháng 7/1963; chuyến hàng tiếp theo vào tháng 10/1963. Thế nhưng, lần đi này, tàu gặp không ít khó khăn, phải nhiều ngày lênh đênh trên biển, thậm chí đối diện cái chết khi bị địch bao vây… Quen dần với sóng gió Trường Sa và những giây phút kề cận cái chết, Đại tá Trần Phong và đồng đội đã được hun đúc thêm tình thần quả cảm, ý chí sắt đá trước hiểm nguy. Sau khi tham gia nhiều chuyến vận chuyển vũ khí trên cương vị thuyền trưởng tàu không số, năm 1979, Đại tá Trần Phong về làm Đoàn trưởng Đoàn tàu 125 (còn gọi là Đoàn tàu không số). Từ năm 1979-1984, ông là Lữ đoàn phó, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 125, sau đó là Phó Cục trưởng Cục Hậu cần Hải quân trước khi nghỉ công tác.
Nối tiếp truyền thống anh hùng
Lễ chào cờ của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa. Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN
Việc giải phóng Trường Sa có ý nghĩa chiến lược, ý nghĩa lịch sử sâu sắc; góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, làm cho thắng lợi ấy mang đúng ý nghĩa trọn vẹn là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm (1954 - 1975). Đó là dấu mốc khẳng định rõ chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Trường Sa, mảnh đất thiêng của Tổ quốc Việt Nam từ bao đời. Đó còn là tầm nhìn sáng suốt, sự chỉ đạo chiến lược chính xác, kịp thời của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương; cho thấy rõ hơn vai trò của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam kết hợp với các lực lượng vũ trang hình thành nên một lực lượng tổng hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
50 năm sau ngày Giải phóng, Đại tá Trần Phong vẫn nhớ như in những hình ảnh cuộc chiến đấu giải phóng Trường Sa, ông xúc động nói: “Tôi cùng đồng đội đã chủ động phối hợp các lực lượng tác chiến tại chiến trường và hoàn thành nhiệm vụ vào đúng 9 giờ 30 phút sáng 29/4/1975. Chúng tôi tự hào khi được trực tiếp tham gia và chỉ huy giải phóng Trường Sa".
Chia sẻ về quá trình hành quân giải phóng Trường Sa, Đại tá Trần Phong cho biết, chính ông là người đưa tàu về Đà Nẵng nhận quân, tham mưu, xây dựng kế hoạch thực hiện việc chở quân giải phóng Trường Sa. Quá trình thông qua, Bộ Tư lệnh Hải quân đã nêu ý kiến giải phóng Trường Sa, trong đó có ý kiến giải phóng Song Tử Tây trước và có ý kiến giải phóng Nam Yết trước. Cuối cùng, Bộ Tư lệnh nhất trí phương án giải phóng Song Tử Tây trước và quyết định đó của Bộ Tư lệnh đã hoàn toàn chính xác để có được chiến thắng Trường Sa, non sông liền một dải, đất liền và biển đảo mãi là một thể thống nhất của Tổ quốc.
Vui mừng khi thế hệ trẻ ngày nay hào hứng phong trào "Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước", Đại tá Trần Phong cho rằng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam và trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay. Đảng và Nhà nước cần xác định bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần sức mạnh tổng hợp quốc gia, của khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bảo vệ biển đảo quê hương là sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại cùng sức mạnh của các lực lượng, trong đó sức mạnh quốc phòng, an ninh giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Bài 2: Tự hào là thành đồng nơi phên giậu Tổ quốc
Diệu Thúy (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/bao-ve-chu-quyen/50-nam-giai-phong-truong-sa-bai-1-la-chan-vung-chac-bao-ve-chu-quyen-to-quoc-20250430143452359.htm