Tối 27-4, Cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn đã diễn ra tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Quảng Trị và TP.HCM.
Tại điểm cầu Hà Nội, có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng…
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: THÚY HẰNG.
Tại điểm cầu Quảng Trị, có sự tham dự của: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết. Các ủy viên Trung ương Đảng: Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và đông đảo các tầng lớp nhân dân đến dự.
Đông đảo khán giả theo dõi chương trình ở điểm cầu Quảng Trị. Ảnh: NGUYỄN DO
Tại điểm cầu TP.HCM, có sự tham gia của Chủ tịch nước Lương Cường; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính; Phó Chủ tịch Quốc hội nước Nguyễn Thị Thanh…
Chủ tịch nước Lương Cường cùng cùng các lãnh đạo dự cầu truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn". Ảnh: VOV
Trong chương trình, khán giả đã được gặp gỡ cựu chiến binh Trần Văn Thanh (76 tuổi, Nghệ An). Dù đã cao tuổi nhưng ông vẫn một mình đi xe máy từ Vinh vào TP.HCM để xem Lễ diễu binh.
Trong suốt những ngày qua, hình ảnh ông rong ruổi trên những con đường đất nước để đến với TP.HCM trong thời khắc lịch sử của đất nước đã khiến nhiều người rất xúc động. Ảnh: VÕ TÙNG
Chương trình cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn đã kể lại câu chuyện của một bức thư đặc biệt. Đó là bức thư của 3 chiến sĩ giải phóng quân trước khi hi sinh đã để lại cho hậu thế.
Họ là Lê Hoàng Vũ (quê Thái Bình), Nguyễn Chí (quê Quảng Ngãi); Trần Viết Dũng (quê thành phố Sài Gòn), chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội "Ký Con", Trung đoàn Bình Giã, Quân giải phóng miền Nam.
Bức thư gửi người đang sống.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bị thương và đói khát, họ đã chọn cho mình một địa điểm là cánh rừng nguyên sinh ở thượng nguồn sông Đồng Nai làm nơi chốn cuối cùng của mình. Trước khi chết, họ đã để lại một bức thư để gửi lại cho những người còn sống.
Nội dung bức thư có đoạn viết: "Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn.
Còn như chúng tôi được phát hiện muộn hơn sau 5 năm – 10 năm – tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi – gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa.
Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng.
Hay trong trường hợp đến 50-100 năm sau, thư này mới tới những người, có thể gọi là thế hệ mai sau, thì cho phép chúng tôi gửi lời chào xã hội chủ nghĩa, cho phép chúng tôi bày tỏ vui mừng tuyệt diệu vì hạnh phúc và hòa bình đang tràn ngập hành tinh chúng ta mà chúng tôi trở thành những hạt bụi có ích.
Và hơn thế nữa nếu được, cho chúng tôi gửi lời chào niềm nở nhất đến những con người ở những vì sao xa xôi, những người bạn mới giữa các hành tinh"- Bức thư đã khiến nhiều khán giả có mặt tại các điểm cầu không khỏi xúc động.
Trong Vang mãi khúc khải hoàn, một kỷ vật đặc biệt của người cựu binh Mỹ đã được trao lại cho gia đình liệt sĩ Kha Văn Việt ngay tại sân khấu của cầu truyền hình.
Người anh họ nhận lại hộp kỷ vật của liệt sĩ Kha Văn Việt. ẢNH: THUẬN VĂN
Ông Adolph Novello là cựu binh Mỹ ở Đại đội E, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Thủy quân lục chiến, quân đội Hoa Kỳ. Trước đây, ông từng tham chiến tại Việt Nam giai đoạn 1967 – 1968.
Với ông, sự tàn khốc của chiến tranh vẫn như những đoạn phim đen trắng lặp đi lặp lại trong ký ức mà ông luôn tìm cách tránh né. Tất cả được ông giữ kín trong tim và đóng chặt trong một chiếc hộp.
Tiết mục IMAGINE do nghệ sĩ Violin Jmi Ko nhà thiếu nhi TP.HCM biểu diễn. ẢNH: THUẬN VĂN
Điểm nhấn đặc biệt của chương trình là sự tham gia của Bộ Ngoại giao Việt Nam, các đại sứ, phu nhân/phu quân nước ngoài.
Cạnh đó, là sự hòa giọng của 50 gương mặt tiêu biểu từ nhiều lĩnh vực trong MV Con đường ta chọn; cùng hơn 1.200 nghệ sĩ, với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Hồng Liên, NSƯT Quỳnh Hương, Tùng Dương, Phạm Thu Hà, Khánh Linh, Hà Lê, Suboi… và các diễn viên quần chúng tại 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Tổ khúc múa "Giải phóng miền Nam" ở điểm cầu TP.HCM. ẢNH: THUẬN VĂN
Ca khúc "Một vòng Việt Nam", "Nối vòng tay lớn" do Hồ Trung Dũng và các nghệ sĩ biểu diễn. ẢNH: THUẬN VĂN
NSND Tạ Minh Tâm, NSUT Phạm Thế Vĩ và Anh Bằng thể hiện ca khúc Ta tự hào đi lên, Ôi Việt Nam. ẢNH: THUẬN VĂN
TP.HCM bắn pháo hoa sau khi cầu truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn" khép lại. ẢNH: THUẬN VĂN
Một số hình ảnh tại chương trình tại đầu cầu Hà Nội:
Cầu truyền hình đặc biệt kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước là hành trình trở về với quá khứ hào hùng, nơi những chiến công rực rỡ và khát vọng hòa bình hòa quyện trong từng giai điệu và hình ảnh. Ảnh: THÚY HẰNG.
Đông đảo người dân Thủ đô có mặt để trực tiếp theo dõi chương trình. Ảnh: THÚY HẰNG.
Những hình ảnh khiến khán giả xúc động. Ảnh: THÚY HẰNG.
Tái hiện không khí ra trận. Ảnh: THÚY HẰNG.
Cầu truyền hình quy mô và hoành tráng, chuyển tải thông điệp tự hào về khát vọng thống nhất, tinh thần đoàn kết, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Ảnh: THÚY HẰNG.
THÚY HẰNG- VIẾT THỊNH - THUẬN VĂN - VĂN HÀ