Chấm dứt tình trạng người thuê vườn cao su dự án xóa nghèo dùng hóa chất kích mủ

Chấm dứt tình trạng người thuê vườn cao su dự án xóa nghèo dùng hóa chất kích mủ
3 giờ trướcBài gốc
Mặc dù vào thời điểm thu hoạch rất hiệu quả, nhưng hiện nay đang xảy ra tình trạng các hộ được hưởng lợi từ dự án lại cho người khác từ bên ngoài vào thuê lại vườn, dùng hóa chất kích mủ làm cây suy kiệt, có nguy cơ làm thất bại 1 dự án sáng tạo này.
Khai thác mủ cao su. Ảnh minh họa: TT/Báo Tin tức
Trước đó, đã có 1 số bà con người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên ở xã Quốc Oai phản ánh họ được nhà nước giao khoán vườn cây cao su 10 năm nay. Tuy nhiên đến thời điểm này, các hộ được giao khoán vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời người thuê lại vườn cao su này không được khai thác mủ, mặc dù khi nhận khoán, không có văn bản nào nêu vấn đề này.
Trước các thông tin trên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết: Dự án trồng cao su tập trung do UBND huyện xây dựng và được UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt từ năm 2013. Dự án xây dựng trên đất lâm nghiệp, thực hiện mô hình giao khoán 50 năm cho 120 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên với diện tích 120 ha. Dự án hiện đang đi vào khai thác rất hiệu quả với mức thu nhập đạt 110 triệu đồng/ha/năm. Nhờ đó có tới gần 92% số hộ nhận khoán đã thoát nghèo từ chương trình này. Tuy nhiên, đây là dự án sử dụng đất lâm nghiệp do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh quản lý, nên chỉ có thể giao khoán vườn cao su chứ không thể cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng hộ dân.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, mặc dù cho đến nay, bà con cơ bản đã biết tự canh tác trên tất cả các khâu và tự biết tổ chức cạo mủ đem bán cho các doanh nghiệp thu mua. Nhưng thời gian gần đây, có một số người từ bên ngoài tới thuê lại diện tích cây cao su trên để khai thác mủ. Ngày 11/9/2024, UBND xã Quốc Oai và Trung tâm nông nghiệp huyện đi kiểm tra việc sản xuất cao su tập trung định kỳ, phát hiện những người thuê diện tích cao su tập trung để cạo mủ đã sử dụng hóa chất để kích cho mủ ra nhiều. Tiếp đó đến ngày 13/9, UBND xã Quốc Oai đi kiểm tra, phát hiện tiếp tục xảy ra tình trạng sử dụng hóa chất kích mủ, nên đã yêu cầu dừng khai thác và lập biên bản ghi nhận sự việc.
Theo cán bộ kỹ thuật Trung tâm nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, việc sử dụng hóa chất kích mủ, trong khi lại không bón phân đã khiến cho rừng cao su bị suy kiệt, xảy ra hiện tượng vàng lá hàng loạt và có nguy cơ chết cây. Qua xác minh, chính quyền địa phương đã làm rõ những người cạo mủ, người thuê nhân công và người thuê diện tích của bà con được giao khoán.
Ngày 16/9, UBND xã Quốc Oai đã mời những người thuê vườn cao su của bà con lên làm việc, thông báo việc dùng hóa chất kích mủ để khai thác là sai quy định, nếu kéo dài sẽ làm chết cây. Yêu cầu những người thuê đất dừng ngay việc cạo mủ để cây hồi phục. Đồng thời, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn huyện cũng đã tổ chức họp các hộ dân được giao khoán vườn cao su, tuyên truyền các quy định của dự án và thông tin tình trạng cây cao su có thể bị chết do dùng hóa chất kích mủ, đề nghị bà con thông báo cho bên thuê dừng việc cạo mủ để cây phục hồi. Tất cả các hộ được giao khoán đều đồng tình với ý kiến của chính quyền địa phương…
Ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết Dự án trồng cây cao su tập trung là các làm sáng tạo của huyện Đạ Tẻh nhằm tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho hàng trăm hộ dân người đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên ở huyện này. Trong khi cây cao su đang ở trong giai đoạn thu hoạch tốt, người dân có thể tự khai thác để thoát nghèo và có công ăn việc làm ổn định, thì bà con lại đem cho người khác thuê vườn cao su. Việc này là trái mới mục tiêu của dự án, chính quyền địa phương cần có giải pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật…
Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/cham-dut-tinh-trang-nguoi-thue-vuon-cao-su-du-an-xoa-ngheo-dung-hoa-chat-kich-mu-20241025100945564.htm