Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây vải

Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây vải
5 giờ trướcBài gốc
Người dân xã Phan Sào Nam (Phù Cừ) thu dọn vệ sinh vườn vải
Huyện Phù Cừ có hơn 1,1 nghìn héc-ta trồng vải. Theo các nhà vườn giàu kinh nghiệm ở các địa phương trong huyện, để cây vải cho năng suất cao phải bảo đảm dinh dưỡng phù hợp cho cây, người trồng cần bón phân, tưới nước tùy thuộc vào độ tuổi, thực tế sinh trưởng, phát triển của cây để xác định liều lượng phân bón thích hợp. Cùng với đó, cần nắm chắc thông tin về diễn biến của thời tiết, thường xuyên theo dõi sát sao cây trồng, chủ động phun thuốc phòng, trừ các loại sâu bệnh hại theo hướng dẫn của ngành chuyên môn... Thời điểm này, người dân trong huyện tập trung vệ sinh vườn, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh để cây “đón” lộc thu, tích tụ phân hóa mầm hoa cho vụ vải năm sau.
Tại xã Phan Sào Nam (Phù Cừ), các nhà vườn đang chủ động theo dõi diễn biến của thời tiết và sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng, trừ hiệu quả. Bà Trần Vân Viễn, nông dân thôn Trà Bồ, xã Phan Sào Nam cho biết: Hiện nay, tôi thực hiện loại bỏ bớt cành yếu để cây phân hóa mầm nhanh, giảm sâu bệnh. Khi thời tiết thuận lợi, tôi tiến hành bón phân để giúp cây phục hồi, tạo đà tiếp sức cho vụ sau. Đây cũng là thời điểm cây vải dễ bị các loại sâu đo, sâu cuốn lá, nhện lông nhung, bệnh sùi cành… gây hại nên tôi chú trọng phun thuốc phòng, trừ.
Đồng chí Lê Xuân Mai, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Cừ cho biết: Hằng năm, huyện phối hợp với các địa phương thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây vải, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các biện pháp thâm canh tăng năng suất, chất lượng quả... Hiện nay, trên cây vải, sâu bệnh đang phát sinh, gây hại. Để đạt kết quả toàn diện, cán bộ chuyên môn, các nhà vườn cần thường xuyên kiểm tra ruộng vườn, dự tính, dự báo chính xác thời điểm phát sinh, mức độ gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại; phòng, trừ sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”...
Những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích vải tại các vùng trũng, thấp bị ngập úng cục bộ. Trên những diện tích bị ảnh hưởng bởi úng, ngập, người trồng cần dọn sạch tàn dư cành lá; khơi rãnh, đào rãnh dọc theo hàng cây phía ngoài tán để tăng cường khả năng hấp thụ oxy cho cây, nhanh giải phóng khí độc trong đất. Sau khi đất mặt vườn se, khô, cây hồi phục hẳn, tiến hành bón bổ sung thêm các loại phân bón vi sinh, phân bón qua lá có hàm lượng chất điều hòa sinh trưởng cao để cây nhanh hồi phục; cuốc toàn bộ xung quanh dưới tán cây trước khi bón phân để cây nhanh hấp thụ, tăng hiệu quả của phân bón. Đồng thời, vun gốc cho những cây bị long gốc, tưới thuốc trừ nấm hoặc các chế phẩm sinh học đối kháng nấm để hạn chế cây bị nấm bệnh xâm nhập... Các nhà vườn thường xuyên theo dõi và phòng, trừ sâu bệnh gây hại cho cây để bảo vệ lộc thu và giảm mật độ sâu bệnh hại qua đông.
Ông Đoàn Văn Hiểu, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) vải trứng Hưng Yên ở xã Đa Lộc (Ân Thi) cho biết: Trong thời gian mưa kéo dài, tôi và các hộ trồng vải tập trung tháo gạn nước, khơi rãnh, vun luống cao để hạn chế ngập úng. Giai đoạn này, tôi thuê hơn 10 lao động thực hiện cắt tỉa cành gẫy, cành mọc trong thân, vệ sinh vườn và bón phân cho cây, kích thích cây tái tạo bộ rễ và phát triển mầm mới. Khi cây bật lộc non, chúng tôi theo dõi để phòng, trừ sâu bệnh kịp thời. Cùng với kinh nghiệm và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong thâm canh vải, các thành viên của HTX đã chủ động được việc ra hoa, đậu quả của cây vải. Nhờ vậy, hằng năm các diện tích trồng vải đều sai quả, chất lượng tốt.
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1,3 nghìn héc-ta trồng vải. Để cây vải phát triển tốt, tạo tiền đề cho vụ vải năm sau, các đơn vị, cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của cây trồng để kịp thời hướng dẫn nông dân cách thức phòng, trừ sâu bệnh hiệu quả, an toàn. Đồng thời, khuyến cáo người trồng vải cần tập trung dọn dẹp, vệ sinh ruộng vườn tạo cho cây có bộ tán thông thoáng, giảm khả năng trú ngụ của sâu bệnh hại, tập trung dinh dưỡng nuôi cành lộc thu; phun phân bón lá kết hợp với các chất kích thích sinh trưởng để thúc đẩy mầm thu phát triển; loại bỏ các cành gầm, cành vượt, cành sâu bệnh... Đối với các cây khỏe, ra nhiều lộc thu, chỉ để lại trên mỗi cành từ 1 đến 2 lộc thu to, khỏe, còn lại cắt tỉa hết để tập trung dinh dưỡng nuôi lộc. Đối với những cây sinh trưởng, phát triển kém, người trồng bón thêm phân hữu cơ ủ mục hoặc nước phân chuồng ngâm, phân lân để tưới bổ sung cho cây...
Vân Anh
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/cham-soc-phong-tru-sau-benh-tren-cay-vai-3175675.html