Bước tiến chiến lược trong chính sách an sinh giáo dục

Bước tiến chiến lược trong chính sách an sinh giáo dục
7 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh lớp học mẫu giáo trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: TRẦN LONG)
Không chỉ mở rộng cơ hội học tập cho hàng trăm nghìn trẻ nhỏ, đặc biệt ở những vùng khó khăn, các quyết sách này còn thể hiện sâu sắc sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc đặt con người, nhất là thế hệ tương lai, ở vị trí trung tâm của phát triển.
Cơ hội để không ai bị bỏ lại phía sau
Khi nghe tin Quốc hội thông qua Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi, cô Tống Thị Khuyên - Hiệu trưởng một trường mầm non ở địa bàn biên giới tỉnh Điện Biên bày tỏ niềm vui, phấn khởi. Suốt nhiều năm công tác ở vùng cao, cô đã không ít lần đi vận động từng bao gạo, từng chiếc áo ấm ủng hộ học sinh, chỉ mong các em đủ ăn, đủ mặc để đến lớp đều đặn. Với những người làm giáo dục nơi vùng sâu, vùng xa, phổ cập mầm non không chỉ là một chủ trương lớn, mà còn là khát vọng nhiều năm được hiện thực hóa.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Việc ban hành Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi là yêu cầu cấp bách, vừa thực hiện chủ trương của Trung ương, vừa đáp ứng đòi hỏi thực tiễn. Dù Việt Nam đã phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi từ năm 2010, nhưng hiện vẫn còn gần 300.000 trẻ 3-4 tuổi chưa được đến lớp (phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn), dẫn đến sự bất công trong tiếp cận giáo dục.
Tháng 6 vừa qua, Quốc hội chính thức thông qua hai nghị quyết mang tính chiến lược: Một là Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi, đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt chuẩn phổ cập toàn quốc, với trọng tâm là nhóm trẻ yếu thế, vùng khó khăn, khu công nghiệp. Hai là Nghị quyết về miễn và hỗ trợ học phí trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó trẻ học mầm non công lập được miễn học phí, trẻ học ngoài công lập có thể được hỗ trợ tùy theo quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Vinh, Giám đốc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định: “Đây là bước đi chiến lược để xây dựng công bằng giáo dục ngay từ gốc”. Quan điểm này đã nhận được đồng thuận từ nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế như UNICEF, Ngân hàng Thế giới - những đơn vị luôn nhấn mạnh vai trò của giáo dục mầm non trong phát triển con người và bình đẳng xã hội.
Nỗ lực chăm lo thế hệ trẻ
Một trong những điểm nghẽn lớn nhất của giáo dục hiện nay chính là đội ngũ giáo viên. Dù Chính phủ đã ban hành chủ trương bổ sung biên chế, nhưng tính đến tháng 5/2025, cả nước vẫn còn thiếu gần 120.000 giáo viên các cấp, trong đó riêng bậc mầm non thiếu khoảng 45.000 người. Nỗ lực tuyển dụng còn gặp nhiều khó khăn: Trong ba năm qua, trên tổng số 66.000 chỉ tiêu biên chế được giao mới, các địa phương mới chỉ tuyển được chưa đến 6.000 giáo viên. Dự báo đến năm 2030, để đáp ứng yêu cầu phổ cập, cần tuyển thêm gần 48.000 giáo viên mầm non, trong đó giai đoạn 2026-2030 cần bổ sung khoảng 21.400 biên chế.
Chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ đang chịu sức ép không nhỏ. Gần như toàn bộ trẻ mầm non được học hai buổi/ngày và ăn bán trú. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, đặc biệt tại các điểm trường lẻ, điều kiện để trẻ được phát triển toàn diện còn thiếu thốn: Thiếu sân chơi, phòng chức năng, đồ dùng học tập, thậm chí giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều vai trò từ chăm sóc đến nấu ăn, vệ sinh. Tình trạng quá tải và thiếu đầu tư đồng đều đang ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mầm non.
Đối với nhóm trẻ yếu thế, thách thức lại càng lớn. Con em công nhân khu công nghiệp phần lớn học tại các nhóm lớp tư thục nhỏ, chi phí cao và điều kiện hạn chế. Vẫn còn nhiều trẻ khuyết tật chưa được đến các lớp học mầm non hòa nhập. Sự chênh lệch này không thể khắc phục bằng nỗ lực riêng lẻ của từng cơ sở, mà cần có cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách.
Trong bối cảnh đó, các chính sách như miễn học phí, hỗ trợ ăn trưa, … không chỉ là nguồn lực quan trọng, mà còn là sự khẳng định trách nhiệm và cam kết của Nhà nước đối với công bằng giáo dục. Song, để những chủ trương này phát huy hiệu quả thiết thực, cần một hệ thống tổ chức vận hành đồng bộ, hiệu lực và lộ trình triển khai rõ ràng, từ đó từng chính sách mới thật sự đến được với mọi lớp học, mọi trẻ em, dù ở nơi xa nhất.
Bước ngoặt chính sách mang tính hệ thống
Từ thực tiễn địa phương, nhiều tỉnh miền núi ghi nhận hai nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua không chỉ là sự tiếp sức tức thời, mà còn là bước ngoặt chính sách mang tính hệ thống. Đây là lần đầu tiên mầm non được đặt vào một khuôn khổ pháp lý và tài chính đủ mạnh để tiến tới phổ cập toàn diện.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn Hồ Công Liêm cho rằng: “Chính sách phổ cập và hỗ trợ học phí không chỉ tạo động lực, mà còn là cơ sở pháp lý và tài chính để địa phương đẩy nhanh đầu tư trường lớp, ổn định đội ngũ”.
Tại tỉnh Điện Biên, bà Trần Thị Tố Uyên, Trưởng phòng Giáo dục mầm non-tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên) cũng khẳng định: “Nghị quyết như một cú huých quan trọng, giúp tỉnh mạnh dạn đề xuất chỉ tiêu, giải pháp cụ thể để phổ cập giáo dục cho trẻ 3-4 tuổi, củng cố đội ngũ giáo viên tại vùng đặc biệt khó khăn”.
Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành phổ cập toàn quốc đối với trẻ từ 3 đến 5 tuổi, trong đó tập trung ưu tiên trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, khu công nghiệp và các nhóm yếu thế.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Nghị quyết đề ra hệ thống giải pháp đồng bộ từ mở rộng mạng lưới trường lớp, tăng cường tuyển dụng và nâng chuẩn đội ngũ giáo viên đến các chính sách hỗ trợ ăn trưa, học phí và học phẩm cho trẻ em. Đáng chú ý, Nghị quyết trao quyền cho địa phương linh hoạt xây dựng kế hoạch và lộ trình phù hợp, đồng thời khuyến khích xã hội hóa.
Song hành với đó, Nghị quyết về miễn và hỗ trợ học phí trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có giáo dục mầm non, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc mở rộng tiếp cận giáo dục sớm, đặc biệt trong bối cảnh trẻ em theo học tại các cơ sở ngoài công lập ngày càng tăng tại các khu đô thị và khu công nghiệp.
Theo quy định, trẻ em học tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập được miễn học phí. Đối với trẻ em học tại cơ sở ngoài công lập, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định hỗ trợ học phí, tùy vào điều kiện và khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Ngân sách Trung ương sẽ xem xét hỗ trợ một phần kinh phí cho các địa phương chưa tự cân đối được, theo nguyên tắc phân bổ phù hợp quy định hiện hành.
Điểm đáng chú ý là cả hai nghị quyết đều được xây dựng với tư duy tiếp cận toàn diện và linh hoạt, vừa bảo đảm nguyên tắc công bằng, vừa phù hợp điều kiện thực tiễn. Chính sách không chỉ hướng tới trẻ em – người thụ hưởng trực tiếp, mà còn từng bước tháo gỡ khó khăn trong tuyển dụng giáo viên, nâng cấp cơ sở vật chất, giảm gánh nặng chi phí cho các gia đình. Với lộ trình cụ thể, đối tượng ưu tiên rõ ràng và cơ chế tài chính minh bạch, các chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để địa phương chủ động triển khai từ cơ sở.
THU TRANG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/buoc-tien-chien-luoc-trong-chinh-sach-an-sinh-giao-duc-post891791.html