Thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tốt nghiệp THPT 2025 sau hợp nhất Quảng Nam - Đà Nẵng

Thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tốt nghiệp THPT 2025 sau hợp nhất Quảng Nam - Đà Nẵng
3 giờ trướcBài gốc
Thí sinh Đà Nẵng làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT Phạm Phú Thứ.
Theo đó, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam rà soát quy trình tổ chức, bảo đảm các khâu còn lại của kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, liên tục theo nguyên tắc: một Hội đồng thi với nhiều Ban Thư ký, Ban Làm phách, Ban Chấm thi khác nhau, tương ứng với số lượng đã được thành lập trước khi sáp nhập. Nguyên tắc “4 tại chỗ” cũng được áp dụng: chỉ đạo tại chỗ; nhân sự thực hiện nhiệm vụ tại chỗ; cơ sở vật chất, thiết bị tại chỗ; hậu cần, tài chính tại chỗ.
Ngày 1-7, khi công bố sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, cả 4 lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam không còn tham gia vào các khâu của kỳ thi. Cụ thể, Giám đốc Sở GD-ĐT nghỉ hưu trước thời điểm theo quy định do sáp nhập tỉnh; 1 Phó Giám đốc nghỉ hưu từ ngày 1-5; 1 Phó Giám đốc có con dự thi và một Phó Giám đốc được điều động đến công tác tại cơ quan khác.
Trên cơ sở đó, sau sáp nhập, TP Đà Nẵng đã tiến hành hợp nhất, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Hội đồng thi và các ban chuyên môn thuộc Hội đồng thi. Ông Nguyễn Hoài Nam, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, nay là Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng sau hợp nhất cho biết: “Việc kiện toàn giúp đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành kỳ thi diễn ra liên tục, không có bất kỳ khoảng trống nào”.
Trước đó, cả Đà Nẵng và Quảng Nam đều thành lập Ban Chấm thi dựa trên đơn vị hành chính hiện hành, đồng thời đảm bảo kinh phí, xác định rõ mức chi cho hoạt động của các ban.
Theo đó, tỉnh Quảng Nam có 575 người tham gia chỉ đạo, tổ chức chấm thi, gồm: 10 người trong Hội đồng thi; 55 người thuộc Ban Thư ký; 25 người thuộc Ban Làm phách bài thi tự luận; 220 người trong Ban Chấm thi tự luận theo chương trình GDPT 2006; 23 người trong Ban Chấm thi trắc nghiệm theo chương trình GDPT 2006; và 242 người trong Ban Chấm thi theo chương trình GDPT 2018.
Tại Đà Nẵng, Ban Chấm thi tự luận chương trình GDPT 2006 gồm 1 Trưởng ban, 1 Trưởng môn chấm thi, 1 Tổ trưởng tổ chấm và 16 cán bộ chấm thi. Ban Chấm thi tự luận chương trình GDPT 2018 có 145 cán bộ, trong đó 4 Trưởng ban/Phó Trưởng ban, 1 Trưởng môn chấm thi, 4 Tổ trưởng tổ chấm và 136 cán bộ chấm thi. Ban Chấm thi trắc nghiệm gồm 30 cán bộ.
Tại điểm chấm thi ở số 154 Lê Lợi (Đà Nẵng), Ban Chấm thi bố trí 2 thùng thiếc ở cửa khu vực chấm để các thành viên gửi điện thoại và vật dụng cá nhân. Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng đã quán triệt, thông báo rõ những vật dụng không được mang vào khu vực chấm thi. Các thiết bị phòng cháy, chữa cháy được bố trí đầy đủ.
Ban Chấm thi tự luận có 4 tổ chấm và 1 tổ chấm kiểm tra. Mỗi tổ chấm được bố trí 2 phòng (phòng A và phòng B) với danh sách chia đôi, chấm độc lập và thống nhất điểm. Phòng chấm kiểm tra chấm ngẫu nhiên một số bài thi theo quy định. Việc bố trí chỗ ngồi cho cán bộ chấm thi đảm bảo đúng quy định.
Tại khu vực chấm thi tự luận ở Quảng Nam, công tác an ninh, an toàn được đảm bảo nghiêm ngặt với hệ thống phòng cháy, chữa cháy đầy đủ, lực lượng công an bảo vệ 24/24 giờ. Có 14 phòng chấm thi tự luận, mỗi phòng gắn 2 camera giám sát hoạt động liên tục suốt ngày đêm; phòng chấm kiểm tra bài thi tự luận cũng được bố trí 2 camera an ninh.
Phòng làm việc của Ban Thư ký Hội đồng thi và Tổ Thư ký Ban Chấm thi được trang bị 3 camera an ninh giám sát 24/24 giờ. Phòng làm việc của đoàn kiểm tra (Bộ GD-ĐT), thanh tra chấm thi (Sở GD-ĐT) và lãnh đạo Ban Chấm thi được bố trí hợp lý, đảm bảo điều kiện làm việc thuận lợi.
Khu vực chấm thi có bố trí 1 điện thoại cố định có loa ngoài, đặt tại phòng làm việc của thường trực lực lượng công an. Phòng chứa bài thi tự luận và tủ đựng túi bài thi được đảm bảo an toàn, chắc chắn, có hệ thống phòng chống cháy nổ, camera giám sát 24/24 giờ, có công an giám sát thường trực. Hệ thống camera được kết nối bằng hình thức hữu tuyến, tích hợp màn hình hiển thị và bộ lưu điện dự phòng để bảo đảm hoạt động liên tục kể cả khi mất điện lưới. Dung lượng lưu trữ dữ liệu tối thiểu là 21 ngày.
Trang thiết bị chấm thi trắc nghiệm như máy quét, máy chủ, máy trạm, hệ thống mạng LAN nội bộ, thiết bị chữa cháy… đều được trang bị đầy đủ. Quy trình làm phách, tổ chức tập huấn, phổ biến quy chế cho cán bộ chấm thi cũng được triển khai bài bản, nghiêm túc.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra từ 25 đến 27-6 được xem là kỳ thi đặc biệt khi tổ chức đồng thời cho thí sinh thi theo Chương trình GDPT 2018 và Chương trình GDPT 2006. Càng đặc biệt hơn khi thời điểm tổ chức thi tốt nghiệp THPT là chính quyền 3 cấp, nhưng khi chấm thi đã sang chính quyền 2 cấp. Điều này đã được ngành GD-ĐT lường trước. Nhờ chủ động cùng với tinh thần trách nhiệm cao, Đà Nẵng - Quảng Nam đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức, đảm bảo liền mạch, nghiêm túc quy trình chấm thi tốt nghiệp THPT 2025 sau hợp nhất.
Thanh Hoa
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/thuc-hien-chat-che-nghiem-tuc-quy-trinh-cham-thi-tot-nghiep-thpt-2025-sau-hop-nhat-quang-nam-da-nang-post315633.html