Tân Giáo hoàng Leo XIV ra mắt các tín đồ tại ban công chính của Vương cung thánh đường Thánh Peter ngày 8/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Hồng y người Mỹ Robert Prevost, 69 tuổi, đã được bầu làm tân Giáo hoàng và người đứng đầu Giáo hội Công giáo Roma đã chọn tên là Giáo hoàng Leo XIV.
Giáo hoàng Leo XIV là Giáo hoàng thứ 267, có kinh nghiệm toàn cầu, nhiều năm làm việc tại Peru và Vatican. Giáo hoàng Leo XIV dự kiến sẽ tiếp tục các cải cách của Giáo hoàng Francis. Ngài là Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử là người từ Mỹ. Tân Giáo hoàng Leo XIV đã ra mắt tại ban công chính của Vương cung thánh đường Thánh Peter.
Theo tờ The Guardian, Giáo hoàng Leo XIV có thể không phải là một ẩn số Dòng Tên đến từ Mỹ Latinh như người tiền nhiệm là Giáo hoàng Francis, nhưng việc ông được bầu cũng mang tính lịch sử tương tự.
Ở tuổi 69, cựu lãnh đạo Dòng Thánh Augustinô (một dòng tu có mặt khắp thế giới) đã trở thành giáo hoàng người Mỹ đầu tiên của Giáo hội Công giáo Roma. Cho đến tối 8/5, việc chiếc nhẫn ngư phủ được trao cho một người Bắc Mỹ vẫn còn được xem là điều khó xảy ra. Sự phản đối lâu nay của Vatican đối với việc có một giáo hoàng người Mỹ chủ yếu xuất phát từ quan ngại về hình ảnh khi giáo hoàng đến từ một siêu cường chính trị có ảnh hưởng văn hóa và thế tục vượt trội toàn cầu.
Tuy nhiên, tất cả điều đó đã thay đổi sau một mật nghị ngắn, khi các hồng y chọn một người chỉ mới là hồng y hơn hai năm.
Mặc dù sinh ra tại Chicago vào ngày 14/9/1955, nhưng ông Prevost chưa bao giờ là một giáo sĩ Công giáo Mỹ điển hình, một phần vì ông còn có quốc tịch Peru. Sau khi khấn trọn đời vào năm 1981 và học tập tại Roma, ông được phái đến truyền giáo tại Peru. Tại đây, ông đã có nhiều năm làm chánh án giáo luật và giảng dạy giáo luật, thần học giáo phụ và luân lý học tại một chủng viện ở thành phố Trujillo – thành phố lớn thứ ba Peru. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm giám mục thành phố Chiclayo ở phía Bắc vào tháng 11/2014.
Ông từng chia sẻ rằng khoảng thời gian ở Peru là trải nghiệm sống có ảnh hưởng lớn nhất đến mình. Ông nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Italy thành thạo. Ông đã thể hiện cả hai ngôn ngữ này trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng tại Quảng trường Thánh Peter.
Những người từng biết ông ở Peru nhận xét ông một nhà lãnh đạo điềm tĩnh, vững vàng, luôn cùng các linh mục ăn sáng sau buổi cầu nguyện sáng.
Phát biểu với hãng tin AP, linh mục Fidel Purisaca Vigil – Giám đốc truyền thông giáo phận cũ của Prevost ở Chiclayo – nói: “Dù gặp nhiều vấn đề thế nào thì ông ấy vẫn hài hước và vui vẻ”.
Như một bài viết gần đây trên Crux ghi nhận, trong nhiều năm, ông Prevost là người làm việc chăm chỉ và là nhân tố dung hòa giữa các giám mục Peru có quan điểm đối lập về mặt ý thức hệ. Đây là một năng lực sẽ cực kỳ quan trọng trong vai trò giáo hoàng.
Vào tháng 1/2023, Giáo hoàng Francis đã phong ông Prevost làm hồng y. Cho đến tối 8/5, những vai trò nổi bật nhất của ông Prevost tại Vatican là Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Mỹ Latinh và Tổng trưởng Bộ Giám mục – nơi chịu trách nhiệm lựa chọn các giám mục mới trên toàn thế giới.
Mối liên hệ bền chặt của ông với Mỹ Latinh, cùng với những vị trí cấp cao gần đây trong Giáo hội, có thể đã giúp ông chiếm được cảm tình của những người vốn không dễ chấp nhận ý tưởng về một giáo hoàng người Mỹ.
Tuy việc ông được chọn làm Giáo hoàng có thể gây bất ngờ, nhưng nhờ mối liên hệ chặt chẽ với người tiền nhiệm và lập trường tương tự, ông được xem là người tiếp nối đường hướng cải cách của Giáo hoàng Francis.
Theo kênh CNN, cố Giáo hoàng Francis rất tôn trọng và đánh giá ông Prevost rất cao. Phóng viên CNN chuyên đưa tin về Vatican Christopher Lamb nói: “Rõ ràng Giáo hoàng Francis nhìn thấy ở ông ấy điều gì đó. Ngài coi ông Prevost là một nhà lãnh đạo có năng lực”.
Phóng viên Lamb đã gặp Giáo hoàng Leo XIV khi ông còn là hồng y và nhận xét ông là một người rất sâu sắc, rất điềm tĩnh, là một người khiêm nhường.
Khi xuất hiện trước thế giới từ ban công Vương cung thánh đường Peter vào ngày 8/5, lời đầu tiên của Giáo hoàng Leo XIV là: “Bình an ở cùng anh chị em”.
Tân Giáo hoàng Leo XIV (thứ 2, trái) phát biểu trước các tín đồ tại ban công chính của Vương cung thánh đường Thánh Peter ngày 8/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Thông điệp tiếp theo của ông nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, đối thoại và truyền giáo. Thông điệp này rất phù hợp với một cựu lãnh đạo của dòng tu hành khất vốn dấn thân vì nghèo khó, phục vụ và chăm sóc mục vụ. Nhưng trong lời kêu gọi hòa bình đó, ông cũng nói: “Hãy bước vào tâm hồn anh chị em, đến với gia đình anh chị em và mọi người, ở bất cứ đâu họ đang hiện diện”. Lời nói này có một phần sâu sắc hình bóng người tiền nhiệm được yêu mến và tiếc thương.
Giáo hoàng gần đây nhất chọn tên Leo là Giáo hoàng Leo XIII – một giáo hoàng đứng về phía người nghèo và đấu tranh cho quyền lợi người lao động. Giáo hoàng Leo XIII, người trị vì từ năm 1878 đến 1903, luôn nhấn mạnh đến quyền của người lao động và giáo huấn xã hội Công giáo. Do đó, việc Giáo hoàng mới chọn tên này mang ý nghĩa tuyên bố rõ ràng về định hướng.
Ông Art Purcaro, linh mục Dòng Augustinô và Phó chủ tịch phụ trách sứ vụ và mục vụ tại Đại học Villanova, nhận định rằng Giáo hoàng Leo XIV nhiều khả năng sẽ tiếp tục di sản của người tiền nhiệm trong kêu gọi bảo vệ môi trường và phục vụ những cộng đồng nghèo khổ, chịu nhiều đau thương trên thế giới.
Ông Art Purcaro nói: “Giáo hoàng Leo XIV sẽ tiếp tục khuyến khích tất cả chúng ta nhận thức và làm những gì có thể để biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn cho mọi người. Điều đó có nghĩa là chăm sóc những gì chúng ta có và những gì đã được trao cho chúng ta – được trao để chúng ta cùng chia sẻ”.
Linh mục Purcaro cũng tiết lộ rằng tân Giáo hoàng là người có đời sống tâm linh sâu sắc và đức tin rất vững chắc, không phải là người tham vọng và sống kín đáo.
Linh mục Purcaro tin rằng Giáo hoàng Leo XIV sẽ sống khiêm nhường như cố Giáo hoàng Francis, tránh xa sự phô trương và xa hoa đôi khi đi kèm với vị trí giáo hoàng. Ông nói: “Khi nhìn ông trong bộ lễ phục hiện nay, có thể chúng ta nghĩ tới hàng giáo sĩ, phẩm trật, sự cách biệt, đặc quyền, nhưng tôi không thấy những điều đó thuộc về bản chất của ông chút nào. Điều tự nhiên với Giáo hoàng Leo, cũng như khi ông còn dùng cái tên Bob Prevost, là sống khiêm nhường, giản dị, chân thành và đích thực”.
Tân Giáo hoàng Leo XIV. Ảnh: THX/TTXVN
Về sở thích cá nhân, trong một cuộc phỏng vấn với dòng Augustinô sau khi được phong làm hồng y, ông Prevost nói: “Tôi tự xem mình là một tay chơi quần vợt nghiệp dư khá ổn. Kể từ khi rời Peru, tôi ít có cơ hội luyện tập, nên tôi đang mong được trở lại sân đấu”. Ông cũng chia sẻ rằng lúc rảnh rỗi ông thích đọc sách, đi dạo và du lịch đến những nơi mới mẻ và đa dạng.
Tân Giáo hoàng được bầu chọn vào ngày thứ hai của mật nghị Hồng y. Trước kia, Giáo hoàng Benedict XVI được bầu sau 4 vòng bỏ phiếu, còn Giáo hoàng Francis đã được bầu sau 5 vòng.
Hàng chục nghìn người ở quảng trường chính của Vatican đã vỗ tay vang dội khi khói trắng bốc ra từ ống khói của Nhà nguyện Sistine và chờ chào đón Giáo hoàng mới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi sự kiện thế giới có giáo hoàng người Mỹ đầu tiên là “vinh dự to lớn cho đất nước chúng ta”.
Tổng thống Peru Dina Boluarte gọi việc ông được bầu làm giáo hoàng là một thời khắc lịch sử đối với Peru và cả thế giới.
Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc