Giá gạo xuất khẩu rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua là điểm đáng chú ý nhất những ngày qua. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng cốt yếu vẫn từ biến động của thị trường tiêu thụ dẫn đến giá xuất khẩu giảm rất sâu và điều đương nhiên là giá lúa gạo trong nước cũng diễn biến theo đà này. Cụ thể hơn, từ đỉnh cao vào giữa tháng 8-2023 với con số 700 USD/tấn, nhưng hiện giá gạo chỉ còn khoảng 440 USD/tấn.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do Ấn Độ đã quay lại thị trường xuất khẩu gạo sau hai năm hạn chế. Việc này làm tăng nguồn cung gạo trên thị trường quốc tế, tạo áp lực cạnh tranh cho các nước xuất khẩu khác, bao gồm Việt Nam. Ngoài ra, tồn kho lúa gạo thế giới hiện đang ở mức cao, đặc biệt là tại Ấn Độ, nơi có lượng gạo dự trữ kỷ lục.
Giá gạo xuất khẩu đang xuống thấp.
Giá xuất khẩu gạo xuống thấp đương nhiên sẽ tác động rất lớn đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, giá lúa gạo trong nước. Tiền Giang cũng được xem là một trong những trung tâm tiêu thụ lúa hàng hóa và cung ứng gạo lớn cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với sản lượng xay xát gạo hơn 2 triệu tấn/năm.
Bởi chỉ tính riêng khu vực Bà Đắc thuộc xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, đã có khoảng 80 doanh nghiệp chế biến gạo, chiếm gần 20% số lượng cơ sở chế biến gạo toàn tỉnh và là một trong những nơi cung cấp lúa gạo lớn nhất miền Tây Nam bộ, tập trung nhiều thương lái từ các tỉnh khác nhau đến mua bán gạo. Khu vực Bà Đắc đã trở thành trung tâm giao thương lúa gạo quan trọng, không chỉ cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà còn cho cả nước. Với diễn biến của thị trường gạo xuất khẩu thời gian qua cũng đã tác động không nhỏ đến tình hình kinh doanh của khu vực này.
Cùng với gạo, sầu riêng cũng là nhóm ngành hàng chứng kiến những biến động khá lớn trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán 2025 khi giá sầu riêng cũng rơi đi khá nhiều. Cụ thể, sầu riêng Monthong Thái loại A hiện có giá khoảng 100.000 đồng mỗi kg, loại B còn 80.000 đồng, giá đã giảm 60%-70%. Hiện sầu riêng gặp phải thách thức mới khi Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm định liên quan đến chất vàng O. Điều này là nguyên nhân khiến cho giá sầu riêng giảm sâu trong thời gian gần đây.
Sầu riêng cũng đang chứng kiến biến động của thị trường.
Sầu riêng là một trong những loại trái cây đặc sản, mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn, nên có diện tích tăng trưởng nóng trong thời gian gần đây không chỉ đối với Tiền Giang mà còn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thực tế cho thấy, từ tháng 7-2022, với việc ký Nghị định thư với Trung Quốc, sầu riêng trở thành nhóm ngành hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng nhanh nhất, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc. Với những biến động của thị trường thời gian gần đây cũng tác động lớn đến tình hình sản xuất, tiêu thụ sầu riêng của Tiền Giang nói riêng, cả nước nói chung.
Đi cùng với sầu riêng, bưởi da xanh cũng chứng kiến những biến động khó lường. Thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán năm 2025. Trái ngược với quy luật hằng năm, giá bưởi da xanh dịp Tết Nguyên đán năm 2025 duy trì ở mức khá thấp, dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg tại vườn đối với bưởi đẹp để chưng tết, còn lại dưới 20.000 đồng mỗi kg, thậm chí nhiều vườn rất khó tiêu thụ. Một trong những nguyên nhân chính được thương lái đưa ra là do lượng bưởi thu hoạch trong dịp tết năm nay rất lớn. Và đương nhiên, việc tiêu thụ khó khăn cũng là điều dễ hiểu.
Diễn biến thị trường rất khó đoán định, đặc biệt là đối với các nhóm ngành hàng nông sản. Thực tế đã cho thấy, ngành Nông nghiệp đã chứng kiến rất nhiều đợt biến động giá, tác động trực tiếp đến người nông dân. Nhưng suy cho cùng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là việc tăng lên quá lớn về sản lượng, thu hoạch vào cùng thời điểm trong khi chất lượng còn nhiều chuyện để bàn. Khi nhìn về góc độ thị trường tiêu thụ, giờ đây hầu hết các thị trường đều đặt ra tiêu chuẩn chất lượng khá cao. Trung Quốc, một trong những thị trường tiêu thụ nông sản rất lớn của Việt Nam, là một điển hình.
Nhìn từ thực tiễn mới thấy, sản xuất nông nghiệp giờ đây cần có một tư duy mới hơn, thích ứng hơn, kinh tế hơn. Bởi nếu cứ chạy theo số lượng cũng sẽ rất khó thích ứng với nhu cầu tiêu thụ của các nước, nên khó dẫn đến sự phát triển bền vững.
TT