Châu Á bị rút vốn ồ ạt trong tháng 6

Châu Á bị rút vốn ồ ạt trong tháng 6
4 giờ trướcBài gốc
Dòng vốn đầu tư ồ ạt rút khỏi các thị trường châu Á trong tháng 6/2025, chủ yếu do đồng USD mạnh và lãi suất cao tại Mỹ. Ảnh: Hoàng Nam (sản xuất bằng AI)
Theo dữ liệu mới công bố từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tháng 6/2025 ghi nhận mức rút vốn danh mục (portfolio outflows) khỏi các nền kinh tế mới nổi châu Á cao nhất kể từ đầu năm.
Xu hướng này diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa đưa ra tín hiệu rõ ràng về việc hạ lãi suất trong năm nay, trong khi triển vọng tăng trưởng toàn cầu vẫn nhiều bất định.
Tại Hàn Quốc, lượng vốn rút ròng khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu trong tháng 6 ước đạt 3,2 tỷ USD. Đồng won giảm hơn 1,5% so với USD chỉ trong vòng ba tuần đầu tháng.
Giới đầu tư phản ứng mạnh với đà giảm tăng trưởng xuất khẩu và áp lực từ đồng USD mạnh khiến chi phí vay nợ quốc tế của doanh nghiệp Hàn tăng lên rõ rệt. Một số công ty niêm yết lớn đã buộc phải hoãn kế hoạch phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế do chi phí vốn tăng mạnh.
Thị trường Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng lớn với lượng vốn rút ròng khoảng 1,4 tỷ USD. Chỉ số SET Index liên tục điều chỉnh, phản ánh lo ngại về môi trường chính trị trong nước và hiệu quả thực thi chính sách tài khóa.
Đồng baht mất giá gần 2% so với USD, làm gia tăng áp lực nhập khẩu nguyên liệu trong khi xuất khẩu chưa có dấu hiệu phục hồi bền vững. Giới phân tích nội địa lo ngại nếu xu hướng này tiếp tục, Ngân hàng Trung ương Thái Lan có thể buộc phải nâng lãi suất thêm dù tăng trưởng vẫn yếu.
Tại Philippines và Malaysia, dòng vốn rút ra không lớn nhưng cũng gây biến động cục bộ. Đồng peso và ringgit đều mất giá so với USD. Các dòng vốn ngắn hạn đang chuyển hướng sang thị trường tiền tệ hoặc các tài sản phòng thủ như vàng, khiến lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ. Một số doanh nghiệp khối xuất khẩu tại Malaysia đã kiến nghị Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ tỷ giá nhằm đảm bảo ổn định chi phí đầu vào.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nền kinh tế châu Á đều nằm trong vòng xoáy tiêu cực. Ấn Độ tiếp tục là điểm sáng hiếm hoi khi duy trì được dòng vốn ròng dương trong tháng 6. Sau kỳ bầu cử thành công và ổn định chính trị được củng cố, giới đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào khả năng tăng trưởng tiêu dùng và cải cách kinh tế.
Chỉ số Sensex và Nifty đều tăng nhẹ, củng cố vị thế của Ấn Độ trong danh mục ưu tiên của các quỹ đầu tư toàn cầu. Một số quỹ lớn như BlackRock và Vanguard đã tuyên bố tăng tỷ trọng đầu tư vào thị trường chứng khoán Ấn Độ trong quý III.
Tại Indonesia, dòng vốn rút khỏi trái phiếu chính phủ không ảnh hướng quá nhiều khi thị trường chứng khoán vẫn tương đối ổn định. Ngân hàng Trung ương nước này đã chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, đồng thời tận dụng các biện pháp kiểm soát dòng vốn ngắn hạn để giảm thiểu biến động. Đồng rupiah chỉ giảm nhẹ 0,6% trong tháng, cho thấy hiệu quả của chính sách can thiệp mềm và phối hợp tốt giữa các cơ quan tài chính – tiền tệ.
Báo cáo cập nhật ngày 30/6 của Tập đoàn tài chính JP Morgan (Mỹ) cho biết họ đã hạ mức xếp hạng thị trường cổ phiếu châu Á (trừ Nhật Bản) từ "tăng trưởng" xuống "trung lập". Tổ chức này cảnh báo định giá thị trường hiện đang ở mức cao so với mức sinh lời dự báo, trong khi những rủi ro liên quan đến lãi suất và chiến lược tiền tệ toàn cầu vẫn chưa được kiểm soát rõ ràng.
Chuyên gia chiến lược thị trường toàn cầu của JP Morgan, ông David Kelly, nhận định: "Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục hấp dẫn hơn khiến dòng tiền toàn cầu có xu hướng dịch chuyển khỏi các tài sản rủi ro, trong đó châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng đầu tiên."
Nhiều ngân hàng trung ương châu Á đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, họ phải tăng lãi suất để bảo vệ tỷ giá và kiểm soát lạm phát nhập khẩu; mặt khác, việc duy trì mặt bằng lãi suất cao có thể kìm hãm tiêu dùng và đầu tư nội địa.
Theo phân tích của giới chuyên gia tại Ngân hàng Standard Chartered, thị trường nội địa tại nhiều quốc gia ghi nhận sức mua yếu đi rõ rệt trong tháng 6, đặc biệt ở nhóm hàng điện tử, ô tô và hàng xa xỉ.
Theo JP Morgan, trong ngắn hạn, xu hướng chuyển dịch dòng vốn này nhiều khả năng vẫn tiếp diễn, đặc biệt nếu FED giữ quan điểm "diều hâu" đến cuối năm. Các nhà phân tích của Morgan Stanley cũng cho rằng tâm lý nhà đầu tư quốc tế hiện đang ưa chuộng các tài sản an toàn, bao gồm trái phiếu chính phủ Mỹ ngắn hạn, vàng và một phần bất động sản cao cấp tại các thị trường phát triển.
Nhiều báo cáo chiến lược từ các định chế tài chính lớn như HSBC, Nomura đều nhận định đây là thời điểm then chốt buộc các nền kinh tế châu Á phải điều chỉnh lại chiến lược tài chính và tỷ giá một cách chủ động hơn. Việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là kiểm soát cán cân thanh toán và tỷ lệ nợ nước ngoài, sẽ là yếu tố then chốt để giữ chân dòng vốn đầu tư quốc tế trong nửa cuối năm 2025.
Hoàng Nam
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/chau-a-bi-rut-von-o-at-trong-thang-6.754478.html