Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha (giữa). Ảnh: IAEA
Ukraine đã chấm dứt việc vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ của mình vào ngày 1-1. Kiev nhiều lần cảnh báo rằng nước này sẽ không gia hạn thỏa thuận vận chuyển để tránh tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga.
"Ukraine không chỉ cắt đứt việc vận chuyển khí đốt của Nga mà đã cắt đứt một số đòn bẩy còn lại của Tổng thống V.Putin đối với châu Âu khi ông sử dụng năng lượng như một vũ khí", Bộ trưởng Sybiha viết trên mạng xã hội X, đồng thời cho rằng châu Âu và thế giới sẽ an toàn hơn nếu không phụ thuộc vào năng lượng của Nga .
Quyết định của Ukraine được đưa ra trong bối cảnh sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Mátxcơva đã giảm đáng kể sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát năm 2022.
Tuy nhiên, hiện Slovakia và Hungary vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã phản đối quyết định của Ukraine.
Ngày 2-1, giá khí đốt châu Âu tăng 4,3% lên gần 51 euro mỗi megawatt vào ngày giao dịch đầu tiên sau khi Kiev ngừng vận chuyển khí đốt của Nga đến trung tâm châu Âu.
Giá khí đốt tăng lên 51 euro là mức cao nhất kể từ tháng 10-2023 và diễn ra trước thời điểm nhiệt độ được dự báo xuống mức thấp trên khắp châu Âu.
Theo các chuyên gia, tình trạng này sẽ được châu Âu khắc phục bằng cách khai thác nguồn dự trữ trong mùa đông năm nay, nhưng nhu cầu khí đốt tự nhiên (LNG) dự kiến sẽ cao hơn để bổ sung vào kho dự trữ trong suốt năm 2025.
LNG chỉ có thể thay thế một phần nguồn khí đốt của Nga do thiếu cơ sở hạ tầng vận chuyển và giá thành cao.
Phát biểu trên kênh Telegram, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, hầu hết các nước châu Âu "đã thích nghi" với việc chấm dứt vận chuyển khí đốt của Nga và lưu ý rằng nhiệm vụ chung của các đồng minh hiện nay là hỗ trợ Moldova, quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga, trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trong diễn biến liên quan cùng ngày, dữ liệu giám sát điện của công ty tư vấn ExPro cho thấy, lượng điện nhập khẩu của Ukraine đã tăng hơn năm lần vào năm 2024 lên 4,4 triệu megawatt (MWh).
Nga đã tiến hành các chiến dịch tấn công trên không quy mô lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine kể từ cuối năm 2022. Thiệt hại từ các cuộc tấn công đã gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng và đòi hỏi Kiev phải áp dụng tình trạng mất điện luân phiên trên toàn quốc, đôi khi kéo dài tới 20 giờ.
Nga cũng kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Đỉnh điểm của hoạt động nhập khẩu điện trong năm nay là vào tháng 6-2024, khi Ukraine nhận được hơn 850.000 MWh. Quốc gia Đông Âu này đã trở thành nước nhập khẩu điện ròng, chỉ xuất khẩu 366.000 MWh vào năm 2024.
Nga cũng nhắm vào các trạm biến áp quan trọng cho hoạt động của ba nhà máy điện hạt nhân còn lại do Ukraine điều hành: Rivne, Khmelnytskyi và Nam Ukraine, làm gia tăng thêm áp lực cho các nhà máy điện hạt nhân của nước này, nơi cung cấp 2/3 lượng điện năng của quốc gia. Các chuyên gia cảnh báo rằng việc gián đoạn cung cấp điện cho các cơ sở này có thể dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng về an toàn.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính thiệt hại cho lưới điện của Ukraine do các cuộc tấn công của Nga có thể lên tới 56,5 tỷ USD vào giữa năm 2024.
Kim Phượng