Châu Âu lao đao vì khủng hoảng dân số, Đông Âu đối mặt với thách thức kép

Châu Âu lao đao vì khủng hoảng dân số, Đông Âu đối mặt với thách thức kép
2 ngày trướcBài gốc
Theo The World Factbook, 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng dân số thấp nhất ở châu Âu năm 2024 gồm Latvia (-1,14%), Lithuania (-1,05%), Ba Lan (-1%), Romania (-0,94%), Estonia (-0,76%), Bulgaria (-0,66%), Serbia (-0,61%), Moldova (-0,58%), Croatia (-0,46%) và Montenegro (-0,44%).
Sự sụt giảm dân số này không chỉ đến từ chênh lệch giữa số ca sinh và tử mà còn do tình trạng di cư ra nước ngoài.
Ảnh minh họa: AI
Châu Âu đang đối mặt với tỷ lệ sinh thấp đáng báo động. Trong khi mức sinh tối thiểu để duy trì dân số là 2,1 con/phụ nữ thì trung bình phụ nữ châu Âu chỉ sinh 1,52 con.
Đông Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi người trẻ ồ ạt rời quê hương đến các quốc gia giàu có hơn để tìm kiếm cơ hội. Theo chuyên gia Tomas Sobotka, nguyên nhân chính khiến dân số tại các quốc gia này sụt giảm là di cư. Hầu hết họ đến từ các nước thuộc Liên Xô cũ, với thu nhập thấp hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn so với Tây Âu.
Poonam Muttreja, Giám đốc Quỹ Dân số Ấn Độ, nhận định rằng các nước như Latvia và Lithuania đang trải qua "thách thức nhân khẩu học kép" với tỷ lệ sinh cực thấp và làn sóng di cư ồ ạt.
Bà cho rằng sự bất ổn sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ đã làm gián đoạn chính sách dân số, khiến nhiều người trẻ di cư về phía Tây để tìm cơ hội tốt hơn, dẫn đến lực lượng lao động suy giảm và dân số già hóa nhanh.
Tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng chịu chung số phận. Một số nước như Anh, Áo và Thụy Điển đã ghi nhận sự gia tăng dân số nhờ nhập cư. Tây Ban Nha thậm chí chứng kiến tỷ lệ sinh tăng lần đầu tiên sau một thập kỷ, với số ca sinh năm 2024 cao hơn 1.378 ca so với năm trước.
Theo nhà nhân khẩu học Anne Goujon, điều này có thể đến từ làn sóng nhập cư từ Mỹ Latinh, nhóm dân số được cho là hòa nhập tốt hơn so với các cộng đồng di cư khác tại châu Âu.
Nhập cư có thể là giải pháp cho tình trạng dân số suy giảm, nhưng theo các chuyên gia, điều này không đủ để giải quyết hoàn toàn vấn đề. Bên cạnh thách thức nhân khẩu học, còn có yếu tố chính trị khi nhiều quốc gia châu Âu trở nên khắt khe hơn với người nhập cư.
Ngọc Ánh (theo Newsweek, Euronews)
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/chau-au-lao-dao-vi-khung-hoang-dan-so-dong-au-doi-mat-voi-thach-thuc-kep-post340739.html