Giữ nghề truyền thống
Gần 80 tuổi, ông A Khunh vẫn giữ được đôi tay dẻo dai, thoăn thoắt chẻ từng thanh tre, uốn từng sợi mây để đan nên chiếc nia, chiếc gùi chắc chắn. Nghề đan lát đến với ông từ khi còn là cậu thiếu niên theo người lớn vào rừng. Ông Khunh kể lại, tôi học đan lát từ hồi mới mười mấy tuổi. Khi đó tôi thường theo người lớn vào rừng chặt tre, lấy dây mây. Về nhà tôi ngồi học đan từng chút một, làm nhiều rồi quen tay, rồi thành cái nghề luôn.
Theo ông Khunh, thuở ấy, đan lát là kỹ năng bắt buộc của thanh niên Xơ Đăng. Những chiếc gùi, nia, rổ, rá được làm ra không phải để bán mà để gùi sắn, gùi lúa, đựng ngô, khoai. “Hồi đó, ai mà khéo tay, biết đan gùi, rổ rá là được để ý lắm. Không biết đan thì chẳng ai gả con cho đâu!”, ông A Khunh nói, giọng pha chút hóm hỉnh. Từ một chàng trai học nghề để cưới vợ, ông trở thành nghệ nhân của thôn. Hàng trăm chiếc gùi, cái nia ông làm ra, mỗi chiếc đều cho thấy sự tỉ mỉ và tinh tế. Khi được hỏi về quá trình làm ra một sản phẩm, ông Khunh chỉ tay về phía mấy bó nan tre đã được chẻ sẵn, rồi bảo: Muốn đan đẹp phải biết chọn tre. Tre không được già quá, cũng không được non quá. Phải chẻ mỏng đều tay, chuốt nhẵn thì mới mềm, mới dễ đan.
Bà Y Khen giới thiệu về bộ khung kéo sợi do ông A Khunh tặng bà khi còn trẻ.
Một chiếc gùi hoàn chỉnh mất gần một tuần để làm. Nia, rổ, rá thì cũng mất ba, bốn ngày. Tất cả đều làm thủ công, không vội vàng, không công đoạn nào cẩu thả. Tờ mờ sáng, ông Khunh lại ngồi bên bếp lửa, khi Mặt Trời lên thì đi rẫy, chiều tối về tiếp tục đan. Đều đặn như thế, ông Khunh giữ nghề truyền thống suốt mấy chục năm qua.
Ngày còn khỏe, ông Khunh thường xuyên chở sản phẩm đi khắp các thôn, xã để bán. Nay tuổi cao sức yếu, ông chỉ ở nhà, người quen biết ai cần thì tự tìm đến đặt hàng. Sản phẩm của ông làm ra tùy vào từng loại và kích thước có giá từ 50 - 200 nghìn đồng đối với rổ, nia; 200 - 500 nghìn đồng đối với gùi. Có người mua để dùng, cũng có người mua để trưng bày.
Đam mê nghề dệt
Trong khi ông Khunh cần mẫn với nan tre, thì vợ ông là bà Y Khen thả hồn vào từng sợi chỉ, từng đường thoi. Ở tuổi 70, bà Khen vẫn ngồi thẳng lưng, đôi tay gầy guộc mà nhanh nhẹn luồn từng sợi chỉ, dệt nên những tấm thổ cẩm đầy màu sắc, hoa văn.
Giới thiệu từng tấm vải do chính tay mình dệt nên, bà Khen hồi tưởng về những ngày thơ bé, khi mới làm quen với nghề dệt. Bà Khen kể lại, khi tôi còn nhỏ, cứ mỗi buổi chiều là hai mẹ con lại ngồi dệt, còn tôi ngồi kế bên xem. Mẹ tôi dệt khéo lắm, từng sợi chỉ cứ thế nối tiếp nhau, hoa văn hiện ra như có phép màu. Tôi thích lắm, lớn hơn một chút, tôi bắt đầu học theo, đến năm 20 tuổi thì biết dệt thành thạo.
Ông A Khunh luôn tỉ mẩn, khéo léo khi đan để làm ra sản phẩm ưng ý.
Theo lời kể của bà Khen, ngày đó, muốn có sợi chỉ để dệt, người phụ nữ phải tự tay thu hái bông, kéo sợi rồi lên rừng tìm rễ cây, lá cây để nhuộm màu. Màu đỏ lấy từ rễ cây, màu đen từ vỏ cây rừng, màu xanh thẫm từ lá cây, còn màu trắng là màu nguyên bản của bông. “Váy áo thổ cẩm ngày xưa chỉ có bốn màu đơn giản vậy thôi nhưng mặc vào đẹp lắm, thấy tự hào vô cùng”, bà Khen nói.
Quy trình nhuộm sợi và dệt vải của người Xơ Đăng ngày xưa rất công phu. Trước tiên, bông sau khi thu hái về sẽ được phơi khô, tách hạt, kéo sợi mảnh rồi nhuộm bằng nguyên liệu tự nhiên. Rễ cây rừng, vỏ cây, lá cây được hái về, đun sôi nhiều giờ để chiết xuất màu. Tiếp theo, sợi bông được ngâm trong nước màu, khuấy đều và phơi nắng để màu sắc thấm đều và bền hơn. Công đoạn này phải lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi sợi bông đạt màu ưng ý. Sau khi nhuộm xong, sợi sẽ được căng phơi, tránh bị rối. Khi sợi đã khô hoàn toàn, người phụ nữ sẽ bắt đầu công đoạn mắc sợi lên khung dệt, tạo hoa văn theo những mẫu đã định. Cả quá trình này đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì và óc sáng tạo, vì thế mà ngày trước, biết dệt thổ cẩm là tiêu chí quan trọng của một cô gái Xơ Đăng. Nhìn về phía chồng mình, bà Khen mỉm cười: “Thấy tôi dệt giỏi, ông ấy mới cưới đó. Còn làm tặng tôi một bộ khung dệt riêng nữa!”.
Ngôi nhà giữ hồn văn hóa
Với người dân ở thôn Đăk Niêng, nhà ông A Khunh và bà Y Khen là “ngôi nhà giữ hồn văn hóa”. Bởi họ không chỉ làm nghề, mà còn truyền nghề. Ông Khunh luôn sẵn sàng dạy đan lát cho thanh niên trong thôn. Còn bà Khen thì luôn tận tình chỉ bảo từng chị em trẻ cách phối màu, tạo hoa văn trên khung dệt. Trưởng thôn Đăk Niêng A Chơn chia sẻ, cả ông Khunh và bà Khen đều là những nghệ nhân quý của thôn. Họ vừa giỏi nghề lại còn rất tâm huyết truyền dạy nghề truyền thống. Chúng tôi cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động thanh niên trong thôn tham gia học hỏi các nghề truyền thống từ hai ông bà, vừa để bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa là cơ hội phát triển du lịch cộng đồng sau này.
Chỉ tay vào bộ khung kéo sợi trong góc nhà, bà Khen bỗng trở nên trầm ngâm: Bộ khung kéo sợi này cũng là ông ấy làm tặng cho tôi, bây giờ thì sợi chỉ có thể mua được ở chợ rồi, không còn kéo sợi như xưa nên không dùng đến nữa. Tôi giữ lại bộ này thỉnh thoảng lấy ra nhìn để nhớ về những ngày còn trẻ.
Trước hiên nhà, có một lò rèn cũ nằm im lìm. Dù không đang đỏ lửa, nhưng dấu vết của những lần rèn vẫn còn rõ. Ông Khunh bảo, giờ tôi già rồi, không rèn được như xưa nữa. Nhưng ai mang đồ hư đến thì tôi vẫn nhận sửa. Bỏ nghề thì tiếc lắm. Nghề rèn là bố vợ truyền lại cho tôi. Làm nghề này cần sức khỏe, nhưng cũng cần phải khéo léo và sáng tạo.
Rời căn nhà sàn mộc mạc, trong tâm trí tôi vẫn đọng lại hình ảnh ông Khunh ngồi lặng lẽ bên bếp lửa, tỉ mẩn đan từng chiếc nia, cái gùi. Bên kia, bà Khen thoăn thoắt luồn sợi, chiếc thoi lách cách trên khung dệt. Trên giàn phơi, những tấm thổ cẩm đung đưa theo gió, cạnh đó là mấy chiếc gùi, nia mới đan xong. Bếp lửa vẫn cháy, sưởi ấm căn nhà, cũng như tình yêu của họ dành cho nghề truyền thống, cách họ gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Bài, ảnh: Y ĐÔ