Chế tài nào cho hành vi chích điện bắt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè?

Chế tài nào cho hành vi chích điện bắt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè?
2 ngày trướcBài gốc
Như PLO thông tin, sáng 28-3, bốn người đàn ông điều khiển bốn ghe máy di chuyển trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, từ quận Tân Bình sang quận 3, TP.HCM, sử dụng phương pháp chích điện để bắt cá.
Mỗi ghe có một người điều khiển, sử dụng vợt nối với bộ kích điện đặt trên thuyền, sau đó nhúng xuống nước để phóng điện. Khi vợt chích điện được nhúng xuống, cá giãy mạnh, một số con chết ngay lập tức...
Hành vi này đã gây lo lắng cho nhiều người, bởi không chỉ tận diệt nguồn lợi thủy sản mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; ngoài ra còn có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người.
Dụng cụ kích điện khiến cá quẫy, nhảy lên khỏi mặt nước. Ảnh: NT
Bạn đọc Thanhhien...@gmail.com bình luận: “Họ chích điện bắt cá như vậy thì còn gì cá tôm nữa! Cá lớn cá bé, thậm chí cả những loài sinh vật khác trong nước cũng bị giật chết hết. Thật sự rất xót xa!".
Bạn đọc Nguyenminh...@gmail.com bình luận: “Kênh Nhiêu Lộc bây giờ trong xanh, từng đàn cá tung tăng vui đùa. Thật đáng tiếc là lại xuất hiện kiểu tận diệt và phá hoại môi trường này. Chúng tôi mong cơ quan chức năng xử lý nghiêm để hành vi vi phạm pháp luật này không tái diễn".
Trao đổi với PV, Luật sư Trịnh Thị Hạnh, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định hành vi dùng chích điện (xung điện) hoặc các công cụ sử dụng điện để khai thác thủy sản là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật Thủy sản 2017 và phải chịu trách nhiệm khi bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự tùy mức độ hành vi và hậu quả từng trường hợp.
Về xử phạt hành chính, Điều 28 Nghị định 38/2024 quy định mức phạt từ 3 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, tùy theo phương tiện và quy mô hoạt động. Nếu là tổ chức, mức phạt có thể lên đến 80 triệu đồng. Ngoài ra, các công cụ kích điện, máy phát điện, ngư cụ vi phạm sẽ bị tịch thu.
Về xử lý hình sự, nếu hành vi chích điện bắt cá rơi vào các trường hợp quy định tại Điều 242 BLHS hiện hành (quy định về chế tài đối với tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản) thì người vi phạm có thể nhận các mức hình phạt như phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội có thể phải chịu hình phạt tiền đến 5 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm; ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
Việc sử dụng xung điện để đánh bắt cá không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái mà còn có thể gây ra hậu quả khó lường về an toàn con người. Người dân cần nâng cao ý thức, tuân thủ các quy định pháp luật để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Việc sử dụng xung điện (chích điện) để đánh bắt thủy sản gây nhiều tác hại lớn như:
- Hủy hoại hệ sinh thái: Xung điện không chỉ làm chết cá lớn mà còn giết chết cá con, vi sinh vật, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
- Gây nguy hiểm cho con người: Nếu người dân vô tình rơi xuống nước tại khu vực này, có nguy cơ bị điện giật.
- Gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm: Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là tuyến kênh quan trọng ở TP.HCM. Việc đánh bắt trái phép gây mất trật tự, ô nhiễm môi trường.
- Xâm phạm quyền lợi của người dân đánh bắt hợp pháp: Những người đánh bắt cá bằng lưới, câu… có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nguồn cá bị tận diệt.
Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng để những hành vi sai phạm này được xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Luật sư TRỊNH THỊ HẠNH, Đoàn Luật sư TP.HCM
TRẦN MINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/che-tai-nao-cho-hanh-vi-chich-dien-bat-ca-tren-kenh-nhieu-loc-thi-nghe-post841452.html