Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến điều chỉnh Chương trình Lập pháp năm 2025
Chế tài xử lý hành vi lãng phí chưa khả thi, thiếu nghiêm khắc
Trong phiên họp thứ 47, sáng qua (10/7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định điều chỉnh Chương trình Lập pháp năm 2025.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung 4 dự án, gồm Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Luật An ninh mạng (sửa đổi), Luật Thương mại điện tử, Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) vào Chương trình Lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ mười (tháng 10/2025).
Với Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nêu một số nội dung chính, như bổ sung các quy định để nhận diện rõ hơn hành vi gây lãng phí và chế tài xử lý theo Hướng dẫn số 63-HD/BCĐTW ngày 28/4/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Cùng với đó, bổ sung quy định về Chiến lược quốc gia về Phòng, chống lãng phí và sửa đổi quy định liên quan Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để xác định rõ vai trò, gia tăng tính chủ động cho các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nội dung quan trọng nữa là xác định đầy đủ, cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là người đứng đầu đối với công tác phòng, chống lãng phí.
“Dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc để đảm bảo phòng, chống lãng phí ngay từ khâu xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban và các cơ quan của Quốc hội tán thành với đề nghị bổ sung 4 dự án luật nêu trên vào Chương trình Lập pháp năm 2025.
Tham gia ý kiến, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, nhiều lĩnh vực chưa được quy định cụ thể, thiếu chế tài mang tính bắt buộc, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Luật hiện hành có phạm vi điều chỉnh rộng, chủ yếu mang tính nguyên tắc, nhưng lại thiếu các cơ chế ràng buộc trách nhiệm cụ thể, khiến việc triển khai thực hiện trên thực tế phần lớn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bên cạnh đó, còn tồn tại tình trạng chồng chéo, thiếu rõ ràng giữa các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với các luật chuyên ngành có liên quan, gây khó khăn trong việc xác định trách nhiệm pháp lý khi để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản, ngân sách nhà nước.
Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng chỉ ra, các chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn thiếu tính nghiêm khắc, chưa bảo đảm tính răn đe và khả năng thực thi trên thực tế. Việc xử lý hành vi gây lãng phí trong các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước còn mang tính hình thức, chưa cụ thể và thiếu nghiêm minh, rất ít trường hợp bị xử lý trách nhiệm tài chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như đối với các hành vi tham nhũng. Công tác đánh giá hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn thiếu các công cụ đo lường phù hợp, đặc biệt là hệ thống chỉ tiêu định lượng cụ thể cho từng lĩnh vực; chưa bảo đảm tính đồng bộ và khả thi trong tổ chức thực hiện.
Bao quát đầy đủ các lĩnh vực cần phòng, chống lãng phí
Khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành, lần sửa đổi này, Chính phủ dự kiến phạm vi điều chỉnh của Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) bao quát đầy đủ các lĩnh vực cần phòng, chống lãng phí. Theo đó, luật này quy định về tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực: quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, vốn đầu tư công, tài sản công, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, năng lượng; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính, phạm vi điều chỉnh của Luật cần được tiếp tục rà soát, bổ sung nội dung tiết kiệm, chống lãng phí về quản lý nợ công; quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách...
Đáng chú ý, lần sửa đổi này, Chính phủ dự kiến quy định cụ thể về các chế tài xử lý hành vi gây lãng phí, hành vi vi phạm về tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí, theo hướng tùy thuộc vào mức độ hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân thực hiện, có thể áp dụng các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý kỷ luật theo pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức tương ứng. Đồng thời, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng các hình thức kỷ luật trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có các “hành vi gây lãng phí” và “hành vi vi phạm trong tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí”.
Theo Chính phủ, việc xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức trong trường hợp có hành vi vi phạm về tiết kiệm, chống lãng phí quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP hiện quy định theo nguyên tắc chung như đối với trường hợp có các hành vi vi phạm khác. Quy định đó chưa thật sự rõ ràng, cụ thể đối với trường hợp có hành vi vi phạm trong tiết kiệm, chống lãng phí. Do vậy, cần có quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật theo từng hành vi vi phạm cụ thể để đảm bảo rõ ràng, công khai, minh bạch khi áp dụng trên thực tiễn.
Liên quan nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị nghiên cứu, quy định rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể có hành vi gây lãng phí; quy định rõ mức độ xử lý kỷ luật, hành chính, hình sự và trách nhiệm hoàn trả, bồi thường thiệt hại cho Nhà nước tương ứng với từng hành vi lãng phí gây ra, bảo đảm tính răn đe. Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện quy định về giám sát và báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ sở kiểm tra, đánh giá và phát hiện sớm các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư công, đất đai, tài nguyên khoáng sản…
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, Kỳ họp thứ mười là kỳ họp cuối của nhiệm kỳ 2021 - 2026. Như vậy, các dự án luật trình tại kỳ họp này nên được quyết định ngay trong Kỳ họp, tránh để kéo dài tới Quốc hội khóa XVI.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu các cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị thật kỹ, thật tốt, có chất lượng, thì sẽ trình tại một kỳ họp theo quy trình thủ tục rút gọn. Kinh nghiệm sửa Luật Đường sắt vừa qua cho thấy, khi đã làm tập trung cao, nội dung rõ, thì chất lượng sẽ cao và đạt được sự đồng thuận cao của Quốc hội. “Nếu mà hôm nay Chính phủ khẳng định là chuẩn bị tốt, kỹ lưỡng, thông qua tại một kỳ họp, thì quan điểm của chúng tôi là sẵn sàng”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Qua thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao và đồng ý với việc bổ sung 4 dự án luật nói trên vào Chương trình Kỳ họp thứ mười để thông qua. Trong đó, có 2 luật thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn như đề xuất của Chính phủ, gồm Dự án Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) và Luật An ninh mạng.
Miễn trừ trách nhiệm cho cán bộ dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Một trong những điểm mới đáng chú ý tại Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) là Chính phủ dự kiến đề xuất bổ sung các quy định về miễn trừ trách nhiệm trong một số trường hợp.
Dự kiến, các trường hợp miễn trừ bao gồm: cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Các trường hợp miễn trừ trách nhiệm khác theo quy định pháp luật chuyên ngành.
Theo giải thích của Chính phủ, việc bổ sung các quy định về miễn trừ trách nhiệm trong các trường hợp dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; rủi ro trong nghiên cứu khoa học là cần thiết, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám làm của một bộ phận cán bộ.
Nguyễn Lê