Chị Đỗ Mai Hương (39 tuổi, phường Xuân Đỉnh, Hà Nội) vẫn nhớ như in lần đầu tiên cho con gái 7 tuổi tham gia trại hè kéo dài 7 ngày ở ngoại thành vào mùa hè năm ngoái, giá 8,5 triệu đồng. Trại hè này được đồng nghiệp giới thiệu, lại thấy ban tổ chức quảng bá chuyên nghiệp nên chị rất yên tâm khi quyết định cho con trải nghiệm.
Thế nhưng, ngày đón con trở về, chị bàng hoàng khi thấy con sụt cân thấy rõ, người chi chít vết muỗi cắn, gương mặt mệt mỏi, lặng lẽ không nói một lời. "Tôi gặng hỏi mãi, con chỉ nói đúng ba từ 'mệt, buồn, sợ' rồi òa khóc. Về nhà cháu sốt li bì hai hôm liền, phải nghỉ gần một tuần mới có sức quay lại lớp học thêm", chị Hương nhớ lại.
Xót con nhưng chị Hương chỉ nghĩ có thể do chưa quen môi trường mới, cộng với nắng nóng nên bị xuống tinh thần. Một phần khác chị cũng ngại phản ánh vì sợ bị nói khó tính, nuông chiều quá mức, con trẻ "khổ chút đã than vãn".
Vụ việc tại trại hè của Làng Háo Hức gây xôn xao. (Ảnh: Làng Háo Hức)
Mãi đến khi những câu chuyện tiêu cực về các trại hè, đặc biệt là vụ việc tại Làng Háo Hức được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội gần đây, chị Hương mới giật mình nhìn lại. Những dòng nhật ký trẻ thơ chất chứa ám ảnh, những vết muỗi đốt chi chít, bể bơi lởm chởm sỏi đá, hay chuyện các em phải nhịn đi vệ sinh vì nhà tắm quá bẩn... khiến chị không khỏi rùng mình.
"Đọc những dòng viết ấy mà tôi thấy như đang nghe chính con mình kể lại. Chỉ là lúc đó con bé còn quá nhỏ, chưa biết cách diễn đạt để mình hiểu hết những gì đã trải qua. Giờ nghĩ lại, tôi thấy sợ. Không biết con có từng bị bắt nạt không, có khóc vì sợ hãi trong đêm không, hay có ai để ý khi con sốt nhẹ và chỉ muốn được về nhà?”, chị Hương trầm giọng.
Thậm chí, nữ phụ huynh nghĩ đến việc sẽ không cho con tham gia bất kỳ trại hè nào nữa, để tránh thêm trải nghiệm có thể khiến con tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần.
Cách đây 2 tuần, anh Trần Đức Minh (41 tuổi, phường Ba Đình, Hà Nội) cũng từng gửi con trai lớn tham gia trại hè kéo dài 5 ngày tại một khu sinh thái, cách Thủ đô hơn 100 km với giá 9 triệu đồng. Khi ấy, con học lớp 5, tính cách nhút nhát và khá rụt rè, nên vợ chồng anh Minh kỳ vọng chuyến đi sẽ giúp con mạnh dạn hơn, học cách thích nghi và tự lập.
“Trại quảng bá rất chuyên nghiệp, có đội ngũ tư vấn riêng cho phụ huynh, video giới thiệu hoành tráng, nào là vượt thử thách, sống như chiến binh nhí giữa thiên nhiên... hình ảnh đẹp, chương trình bài bản, tôi hoàn toàn bị thuyết phục”, nam phụ huynh kể.
Chỉ hai ngày sau khi con gia nhập trại hè, vợ chồng anh nhận được cuộc gọi từ điều phối viên thông báo con bị mệt, ăn uống kém nhưng vẫn sinh hoạt bình thường. Lúc ấy, anh Minh chưa quá lo lắng, nghĩ con chỉ chưa quen nhịp mới.
Cho đến ngày đón con về, anh không khỏi xót xa. Con trai xanh xao, mặt mũi phờ phạc. Tay chân có vài vết trầy xước vẫn đỏ ửng, chưa được băng bó cẩn thận. Hỏi mãi, cậu bé mới lí nhí kể do bị ngã khi chơi trò vận động ngoài trời, đau nhưng "không ai nghe con nói".
Anh Minh thừa nhận hiện tại bản thân thấy bất an hơn bao giờ hết. “Lúc đầu tôi nghĩ đó chỉ là trải nghiệm không trọn vẹn, con chưa quen nên mệt mỏi cũng là bình thường. Nhưng sau khi theo dõi vụ việc ở trại hè Làng Háo Hức, tôi mới giật mình nhận ra có thể vấn đề không nằm ở con, mà nằm ở cách tổ chức”, nam phụ huynh nói.
Nếu đơn vị không đủ chu đáo, không đủ năng lực giám sát và chăm sóc trẻ, thì trải nghiệm ấy rất dễ trở thành ký ức mà con chỉ muốn quên đi, còn cha mẹ thì day dứt mãi không thôi.
Sau vụ trại hè Làng Háo Hức, nhiều phụ huynh giật mình nhận ra những dấu hiệu bất thường trước đây ở con có thể là dấu vết của trải nghiệm tệ chưa từng được nói ra. (Ảnh: Làng Háo Hức)
Theo ThS Nguyễn Thu Hương, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục tại một trường đại học ở Hà Nội, trại hè có thể mang lại giá trị rất lớn nếu được tổ chức bài bản, an toàn và phù hợp với độ tuổi tâm sinh lý của trẻ. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều chương trình hiện nay lại biến trại hè thành “cuộc thử lửa” thiếu kiểm soát, khiến trẻ bị quá tải cả về thể chất lẫn tinh thần.
“Trẻ em, đặc biệt ở lứa tuổi tiểu học luôn cần có người hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố. Các em chưa có đủ kỹ năng để xử lý khi bị thương, bị bắt nạt, hoặc đơn giản khi thấy sợ hãi, nhớ nhà. Nếu thiếu đội ngũ quan sát, thiếu cơ chế phản hồi rõ ràng, trẻ rất dễ bị tổn thương", bà Hương phân tích.
Chuyên gia này khuyến nghị phụ huynh cần theo sát phản ứng của con sau mỗi trải nghiệm tập thể. Những biểu hiện như mất ngủ, thay đổi hành vi, hay né tránh các cuộc trò chuyện liên quan đến chuyến đi có thể là tín hiệu cho thấy con từng trải qua điều không ổn.
Đồng thời, các đơn vị tổ chức trại hè cũng cần xây dựng cơ chế giám sát và hỗ trợ tâm lý rõ ràng, bởi với trẻ em, một ký ức không lành mạnh có thể để lại vết sẹo âm thầm hơn người lớn tưởng.
Bà Hương cũng nhấn mạnh, trách nhiệm không chỉ nằm ở đơn vị tổ chức mà còn ở các phụ huynh. Cha mẹ cần hiểu rõ tính cách, thể trạng, mức độ tự lập của con để chọn chương trình phù hợp. Đừng chạy theo lời quảng cáo hấp dẫn mà quên rằng sự an toàn cả thể chất và tinh thần của con là yếu tố không thể thỏa hiệp.
Vụ việc tại trại hè của Làng Háo Hức gây xôn xao mạng xã hội khi một phụ huynh đăng tải bài viết thể hiện sự buồn bực sau khi cho con trai 10 tuổi tham gia trại hè 8 ngày, 7 đêm tại Làng Háo Hức (Thái Nguyên).
Vị phụ huynh này cho biết, con gặp nhiều vấn đề sức khỏe da liễu như mẩn ngứa, viêm da, đồng thời tiết lộ con trai bị ảnh hưởng tâm lý do bạn bắt nạt. Nhiều phụ huynh khác cũng đồng loạt lên tiếng sau bài đăng của chị L., chia sẻ khi con trở về nhà, có dấu hiệu bị côn trùng cắn với lưng nổi sần, mặt xuất hiện các vết sưng đỏ. Số khác phản ánh tình trạng cơ sở vật chất và điều kiện vệ sinh tại trại rất kém: nhà vệ sinh không sạch sẽ, bể bơi có bọ gậy, nhiều muỗi, màn bị thủng, chỗ ngủ không đệm, chăn mỏng không đủ dùng.
Kim Anh