Đó là yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tại phiên họp chiều 10.2.
Đánh giá tổng thể hiệu quả các dự án đường sắt
Theo đánh giá của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là Dự án hết sức quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, góp phần thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối các trung tâm đô thị, khu công nghiệp lớn, cửa khẩu, cảng biển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng và vận tải hàng hóa từ khu vực Tây Nam Trung Quốc đến cảng biển quốc tế.
Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước đang triển khai nhiều dự án hạ tầng cần thiết, cấp bách trên nhiều lĩnh vực giao thông, năng lượng, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị phải hết sức quan tâm, tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của Dự án.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Theo đề xuất của Chính phủ, tổng mức đầu tư Dự án sơ bộ khoảng 8,3 tỷ USD. Tuy nhiên, Tờ trình chưa cụ thể được cơ cấu nguồn vốn theo từng nguồn vốn, mới tính định hướng chung về các nguồn vốn và đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành xây dựng Dự án. Cũng theo Tờ trình, dự kiến trong 5 năm đầu tiên khai thác Dự án, doanh thu chỉ bù đắp chi phí vận hành, bảo trì, phương tiện; Nhà nước cần hỗ trợ sơ bộ khoảng 109,36 triệu USD trong 5 năm chi phí bảo trì kết cấu hạ tầng từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế bố trí cho hệ thống đường sắt.
Cùng với đó, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dự kiến trong 4 năm đầu khai thác cũng sẽ phải bù lỗ khoảng 778 triệu USD.
"Như vậy, riêng 2 dự án này Nhà nước cần hỗ trợ sơ bộ khoảng 887,36 triệu USD. Do đó, cần đánh giá tổng thể hiệu quả của các dự án đường sắt dự kiến sẽ đầu tư và đánh giá kỹ lưỡng phương án tài chính, các tác động trong quá trình vận hành, khai thác của các dự án để giảm thiểu các rủi ro về sau”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Dành sự quan tâm đặc biệt đối với hình thức đầu tư và khả năng cân đối vốn của Dự án, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ cân đối nguồn vốn trình Quốc hội để quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm bảo đảm các cân đối vĩ mô và an toàn nợ công quốc gia. “Chúng ta phải bảo đảm nguyên tắc này xuyên suốt Dự án. Tất nhiên chúng ta phải đầu tư, có nợ cũng phải chấp nhận, nhưng phải tính toán mang lại hiệu quả”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, tổng mức đầu tư Dự án phải tính toán rất kỹ. “Hiện nay, chúng ta mới khái toán nhưng phải sát với tính chính thức. Các bước tiếp theo cần tiếp tục cập nhật định mức đơn giá hiện hành theo quy định. Trong đó, lưu ý chi phí bồi thường, tái định cư, thu hồi đất sẽ tăng so với dự kiến hiện nay do áp dụng Luật Đất đai năm 2024".
Nêu kinh nghiệm quốc tế cho thấy các dự án có quy mô tương tự thời điểm thông qua chủ trương đầu tư đến khởi công là khoảng 36 tháng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tính toán thời gian thực hiện Dự án dưới 4 năm. “Nếu 36 tháng thì chúng ta bảo đảm không phát sinh chi phí vượt dự toán. Dự án kéo dài là lãng phí. Vấn đề này chúng ta phải tính toán. Chính phủ cần nghiên cứu bảo đảm thời gian khảo sát, thiết kế thi công phù hợp với năng lực của Việt Nam. Việc chuẩn bị kỹ sẽ rút ngắn được thời gian xây dựng”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị sau khi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư cần phải tiếp tục đánh giá kỹ tác động của dự án, trong đó có tác động môi trường và có phương án phòng ngừa, khắc phục phù hợp, đặc biệt là tác động đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân do Dự án đi qua 9 địa phương, dự kiến tác động đến khoảng 19.000 người.
Có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm giảm tác động tiêu cực
Để thực hiện Dự án, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt. Trong đó, trên cơ sở rà soát các chính sách đặc thù, đặc biệt của Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và đặc điểm của Dự án, Chính phủ đề xuất cho phép áp dụng 15 chính sách tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 và đề xuất 4 chính sách bổ sung so với Nghị quyết này gồm: Chính sách 16 về điều chỉnh các quy hoạch có liên quan, Chính sách 17 về triển khai đồng thời lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu và Chính sách 18 về chỉ định thầu; Chính sách 19 về loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức tham gia, thực hiện Dự án.
Theo Ủy ban Kinh tế, để đáp ứng yêu cầu về tiến độ cấp bách của Dự án thì các đề xuất của Chính phủ tại Chính sách 16, 17, 18 là có cơ sở. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị trong quá trình triển khai thực hiện cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể gây ra khi áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đồng thời việc chỉ định thầu cần giám sát chặt chẽ để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Riêng với chính sách 19, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc quy định “Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện Dự án được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu trong quá trình thực hiện Dự án xảy ra các hành vi, tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí” là chưa rõ phạm vi, mức độ, hình thức, quy trình được quyền áp dụng và có thể tạo ra tiền lệ, không công bằng, thống nhất với các dự án khác. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có chính sách về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Do đó, cần cân nhắc kỹ lưỡng đối với chính sách này và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần có những chính sách vượt trội, đặc biệt là các chính sách để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả huy động, tham gia của doanh nghiệp trong nước thực hiện dự án và trong phát triển công nghiệp đường sắt. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và tăng tính thuyết phục, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần rà soát lại các chính sách, thuyết minh cụ thể hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng của các chính sách trên nguyên tắc chỉ đưa vào Nghị quyết những chính sách thực sự cần thiết, bảo đảm được cơ chế kiểm tra, giám sát, phân công, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, đơn vị, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Nguyễn Bình