Chính phủ đề xuất loạt chính sách đặc thù xây dựng metro tại Hà Nội và TP.HCM

Chính phủ đề xuất loạt chính sách đặc thù xây dựng metro tại Hà Nội và TP.HCM
8 giờ trướcBài gốc
Chiều tối 10-2, tại phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đến năm 2035.
TP được đề xuất quyết định việc phân chia dự án thành các dự án thành phần
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ gồm 6 nhóm chính sách đặc thù, gồm: huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; Các quy định áp dụng riêng cho TPHCM.
Các nhóm chính sách đã được đề cập trong Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM kế thừa các chính sách trong Luật Thủ đô, các chính sách tại Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Cụ thể, với nhóm chính sách về huy động nguồn vốn quy định, Chính phủ đề xuất Thủ tướng được quyết định bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm cho địa phương, tối đa 215.350 nghìn tỷ đồng cho Hà Nội và 209.500 nghìn tỷ đồng cho TP.HCM; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác mà không phải theo thứ tự ưu tiên; huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà không phải lập đề xuất dự án.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đến năm 2035. Ảnh: NGHĨA ĐỨC
Trong nhóm chính sách về trình tự, thủ tục quy định, Chính phủ đề xuất dự án đường sắt đô thị không phải lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư mà thực hiện ngay thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư.
UBND thành phố được đề xuất quyết định việc phân chia dự án thành các dự án thành phần, tiểu dự án khi phê duyệt dự án; quyết định gia hạn thời gian thực hiện khi tổng mức đầu tư không tăng mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án; quyết định công trình không phải thi tuyển phương án kiến trúc; chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, phí tư vấn, xây lắp và nhà đầu tư…
Nhóm chính sách về phát triển đô thị theo mô hình TOD quy định khi lập, điều chỉnh quy hoạch TOD được quyết định các chỉ tiêu khác với quy chuẩn để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất. UBND TP được quyết định chuyển nhượng chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch trong khu vực TOD…
Ngoài ra, Chính phủ còn đề xuất các nhóm chính sách đặc thù về phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; về vật liệu xây dựng và bãi đổ thải và nhóm quy định áp dụng riêng cho TP.HCM.
Để bảo đảm tiến độ, Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng, ban hành Nghị quyết và trình Quốc hội theo trình tự thủ tục rút gọn để thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Cân nhắc thực hiện chỉ định thầu với các dự án theo mô hình TOD
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ trong trường hợp giảm hoặc bổ sung thêm dự án so với danh mục dự án kèm theo Nghị quyết thì số vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để thực hiện dự án sẽ được xác định như thế nào để tránh khoảng trống pháp lý trong quá trình triển khai, thực hiện.
Ngoài ra cơ quan thẩm tra nhận thấy Nghị quyết quy định các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD được chỉ định thầu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các dự án. Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, đối với việc chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án đường sắt đô thị là phù hợp.
Tuy nhiên đối với các dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc thực hiện công tác chỉ định thầu để bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả trong việc khai thác, phát triển khu vực TOD.
Về tổ chức thực hiện, dự thảo Nghị quyết quy định Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc ban hành Nghị định để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết cũng quy định HĐND TP có trách nhiệm ban hành Nghị quyết để quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền để thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM.
Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định rõ chính sách nào sẽ được Chính phủ hướng dẫn, chính sách nào sẽ được HĐND hướng dẫn, để bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật và tránh vướng mắc, chồng chéo trong quá trình triển khai, thực hiện.
Về điều khoản thi hành, Nghị quyết quy định có hiệu lực đến khi hoàn thành việc đầu tư các dự án đường sắt đô thị của hai thành phố, tuy nhiên cơ quan thẩm tra lo ngại quy định nêu trên sẽ khó xác định được thời điểm kết thúc thí điểm, gây khó khăn trong việc giám sát, tổng kết, đánh giá thực hiện Nghị quyết.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ xác định chính xác hơn thời điểm kết thúc thực hiện Nghị quyết.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ các dự án tại danh mục dự án kèm theo được thực hiện chuyển tiếp và quy định cụ thể hơn đối với các trường hợp chuyển tiếp để tránh vướng mắc trong quá trình áp dụng.
Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hệ thống đường sắt đô thị có tổng chiều dài khoảng 413 km. Còn theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. HCM, hệ thống đường sắt đô thị có tổng chiều dài 173 km.
Sau khi hoàn thành, mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội có khả năng đảm nhận 35-40% thị phần; TP.HCM đảm nhận 30-40% thị phần vận tải hành khách công cộng.
Liên quan đến kinh phí, theo Bộ GTVT, với tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội và TP.HCM, kinh phí dự kiến khoảng hơn 3 triệu tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho hai thành phố khoảng 424.850 tỷ đồng, ngân sách TP Hà Nội cân đối bố trí khoảng hơn 1,1 triệu tỷ đồng và ngân sách TP.HCM cân đối bố trí khoảng 1,4 triệu tỷ đồng.
MINH TRÚC
Nguồn PLO : https://plo.vn/chinh-phu-de-xuat-loat-chinh-sach-dac-thu-xay-dung-metro-tai-ha-noi-va-tphcm-post833672.html