Chị Yến

Chị Yến
2 tháng trướcBài gốc
Năm 1953, các trường trung học kháng chiến đưa học sinh đi tính thuế nông nghiệp. Chị Yến trong đoàn học sinh Bạc Liêu đến xã Tân Phú, huyện Hồng Dân làm nhiệm vụ. Thuế nông nghiệp tính theo 3 bậc: “lãnh canh”, “trực canh”, “phát canh”; ưu tiên cho nghèo làm đất mướn (lãnh canh) và có đất tự làm (trực canh) và tăng 25% đối với điền chủ cho mướn đất thu tô (phát canh). Do đó, phải có trình độ bút toán khá mới tính thuế nông nghiệp được.
Tôi ở Văn phòng Ủy ban xã Tân Phú, các chú Lê Văn Mới, Tô Hữu Bình (Chủ tịch, Phó chủ tịch xã) bảo tôi tiến dẫn các anh chị học sinh đi hết địa bàn Kinh Năm, rồi sang vùng ruột Tapasa và khu Tràm Thẻ - Cạnh Ðền, trở về Chợ Hội báo cáo.
Chị Yến nhìn tôi, người đồng hương Bến Tre, chỉ tôi cách tính thuế theo phép tam suất. Với người yếu toán thì có bản số lập thành để khỏi phải làm toán vẫn biết được số lúa mỗi hộ phải đóng nuôi quân. Trong chuyến đi dài hạn, chị nhờ tôi về xã lấy thư của anh Ch, chị cho tôi đọc thư nên biết anh chị đã được gia đình cho phép hứa hôn. “Chờ chị học xong, tuyên bố theo kiểu đời sống mới, rồi hai người lại tiếp tục chia tay nhau để công tác”, chị vui vẻ nói.
Minh họa: KIỀU LOAN
Ðêm mừng chiến thắng Bàu Thúi - An Xuyên, tổ chức tại bờ xáng Kinh Năm - Cống Ðá, do Tỉnh đội Bạc Liêu và Tiểu đoàn 307 phối hợp tổ chức, chị Yến giới thiệu anh Ch với tôi. Anh cao lớn, dáng khỏe đẹp, nói chung là hấp dẫn lắm. Chị tôi yêu quý anh là phải, vì anh rất chân thành. Anh chị mua khóm cho tôi ăn, rồi lấy rơm lót cùng ngồi nghe anh Quốc Hương hát những bài sở trường vô cùng hào hứng. Bài “Chiến thắng Bàu Thúi - An Xuyên” mới toanh được chính tác giả trình bày.
Hơn 70 tù binh nhốt trong nhà chứa mía lò đường cũng lắng tai nghe quân dân ta ca hát về chiến công Bàu Thúi. Dù tên thiếu tá Nhã gian ác chỉ huy họ liên tục càn quét, cướp của giết người, và quyết đối đầu với Tiểu đoàn 307 lừng danh, nhưng khi ta bắt làm tù binh, binh sĩ ngụy vẫn được hưởng chính sách khoan hồng. Bộ đội và Nhân dân cho tù binh ăn uống tử tế. Giờ nghe anh Quốc Hương hát vang bài “Bàu Thúi - An Xuyên”, họ cùng hưởng ứng và nhất loạt vỗ tay!
Anh Ch từ giã tôi, chị Yến đưa anh xuống bến xuồng. Sáng hôm sau đoàn học sinh trung học Bạc Liêu cũng lên đường về Trí Phải. Chúng tôi bặt tin nhau từ đó.
Ðến năm 1966, cuộc chiến tranh do Mỹ phát động lên đỉnh cao ác liệt, hàng trăm ngàn binh lính Mỹ ào ạt xuống tàu từ bên kia bờ Thái Bình Dương, nhân danh “thế giới tự do”, mặc áo giáp và trang bị vũ khí, mặt nạ tràn sang nước ta cùng với mật độ bom pháo dày đặc. Ðây cũng là năm tôi lại gặp người chị đồng hương xưa. Chị với Nhà thơ Chim Trắng từ Bến Tre qua Trà Vinh để dự cuộc tập huấn sáng tác văn học, do Nhà văn Nguyễn Văn Bổng từ “R” xuống hướng dẫn. Quanh nơi ở là bãi lửa du kích và hầm trú ẩn đào sẵn.
Lớp tập huấn được tổ chức tại vườn dừa xanh mát, thuộc xã Nhị Long, huyện Càng Long. Học viên vài mươi người, đều là các tay bút nổi tiếng trong miền. Anh Út Triều, Phó tiểu ban Văn nghệ Khu Tây Nam Bộ, là người phụ trách tổ chức, kết hợp với Ban Tuyên huấn Trà Vinh.
Tôi làm quen Chim Trắng, vì đọc thơ, nghe thơ nhau trên Ðài Tiếng nói Việt Nam, Ðài Giải phóng, quý mến nhau mà chưa gặp lần nào. Chị Yến hỏi tôi có phải là “cậu bé” ở xã Tân Phú năm xưa, vậy là chị em mừng rỡ nhận nhau. Tôi xót xa nhìn thấy chị gầy mòn, khác xa cô Yến xinh đẹp, thu hút các chàng trai trang lứa hôm nào. Tôi giấu sự ngạc nhiên nhưng chị đọc được điều đó. Và khi tôi hỏi “ông anh rể” Ðường Vĩnh Ch thì chị bùi ngùi đưa ra một xấp thư đã cũ (gởi qua đường bưu thiếp Bắc - Nam từ những năm 56, 57... lúc Mỹ Diệm còn vướng Hiệp định Giơ-nơ-vơ). Ðó là những lá thư anh Ch từ hôn do hoàn cảnh đất nước chia đôi và an ủi chị. Anh chúc chị an vui, mạnh khỏe và có chồng khác, đừng đợi chờ anh.
Có phải vì những lá thư này làm cho chị héo hon, thoạt trông không sao nhìn ra chị. Qua thư, anh cho biết anh vào đơn vị không quân và đã có bạn gái, tìm hiểu nhau để xây dựng hạnh phúc. Anh cho đây là hoàn cảnh, vì lúc nào anh cũng thương nhớ chị như thương nhớ cả miền Nam trung kiên bất khuất. Anh luôn tơ tưởng hình ảnh chị trong đoàn quân tóc dài, tiến công thị xã Bến Tre.
Tôi xếp những lá thư của anh Ch đưa vào bọc ni lon trả lại cho người chị đau khổ. Chị cho tôi biết, chị sẽ ở vậy trọn đời để giữ mãi những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thanh xuân trong chiến khu Cà Mau; giữ trọn cho nhau những lời ước hẹn trên bến sông tập kết. Tôi viết tặng chị câu thơ:
Ðất nước dẫu hai miền xa cách
Tình yêu không thể chia đôi.
Chúng tôi cảm phục chị, nhưng ai cũng khuyên chị thông cảm cho anh Ch. Trước hoàn cảnh đất nước chia cắt lâu dài, không còn cách nào khác hơn là chia tay nhau để sống vui và chiến đấu. Chị lẳng lặng nhận lại xấp thư như một kỷ vật duy nhất của tình yêu, và cười trong nắng mai như để quên mất mát.
Tôi từ giã chị và các đồng nghiệp trại viết ở đó, đi thực tế miệt Cầu Kè, Tiểu Cần để làm thơ. Mãi đến ngày ta toàn thắng tôi mới được tin chị có gia đình, và người anh rể đến sau của tôi cũng là một người cầm viết./.
Nguyễn Bá
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/chi-yen-a35339.html