Chia tài sản cho con rồi thành kẻ ăn bám, cha mẹ già tự đưa mình vào tuyệt cảnh

Chia tài sản cho con rồi thành kẻ ăn bám, cha mẹ già tự đưa mình vào tuyệt cảnh
6 giờ trướcBài gốc
Gia đình tôi từng coi bác là người tốt số nhất trong dòng họ: Làm ăn phát đạt, có 3 con trai học hành tử tế. Thế nhưng hậu vận của ông rất tệ, cứ dần dần rơi vào cảnh bị con cái ghẻ lạnh, thậm chí bị coi là ăn bám trong gia đình sau khi chia tài sản sớm cho các con.
Bác tôi là con trai cả trong gia đình có 4 anh em. Thời trẻ, bác đi xuất khẩu lao động rồi về mở xưởng gỗ, làm ăn thuận lợi. Khi tích lũy đủ tài sản, bác xây một căn nhà 3 tầng khang trang ở quê, mua thêm hai mảnh đất gần trung tâm thị xã cho hai con trai lớn. Con út được hứa tiếp quản xưởng gỗ và căn nhà đang ở.
Bác nghĩ: "Đất để đó cũng chẳng mang theo được, thôi thì chia sớm cho các con yên tâm làm ăn, cha mẹ cũng nhẹ lòng". Năm 65 tuổi, ông làm giấy tặng hai lô đất cho hai con trai, mỗi người một mảnh. 3 năm sau khi cậu con trai út lấy vợ, bác cũng sang tên ngôi nhà và xưởng gỗ.
Con trai lớn sau khi được đất thì đem thế chấp ngân hàng để làm ăn, sau bán luôn. Hiện anh sống ở Hà Nội, ít khi về thăm bố mẹ. Trong khi đó, người con trai thứ hai vốn hiền lành, ít nói thì bán đất để lấy tiền vào Sài Gòn làm ăn, mỗi năm về chơi một lần.
Vợ chồng bác tôi sống với vợ chồng con trai út, nhưng lại rơi vào cảnh ăn nhờ ở đậu trong chính ngồi nhà mình xây nên. Anh út điều hành xưởng gỗ không hiệu quả, làm ăn càng ngày càng lụn bại, sinh ra tính khí hay gắt gỏng và dường như cảm thấy cha mẹ già đang ăn bám mình.
Rồi anh bắt bác tôi chia tiền điện, đóng tiền ăn mỗi tháng. Lý do anh đưa ra là hai bác vẫn có thu nhập từ tiền lãi gửi tiết kiệm ở ngân hàng, chẳng có lý do gì mà không phụ giúp con cái một phần chi phí.
Lâu nay hai người anh ở xa mỗi người chu cấp cho cha mẹ 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, không ít lần anh út gọi điện bắt họ san sẻ trách nghiệm phụng dưỡng. Đỉnh điểm là lần hai bác bị đuổi lên Hà Nội cả tháng liền vì con út xích mích với anh cả.
Mỗi khi nói về chuyện đón cha mẹ đến ở cùng, hai người anh lớn cũng luôn từ chối, viện lý do cơ ngơi bạc tỷ đã trao hết cho cơn út, cớ gì người ở xa lại phải nhận trách nghiệm nặng nề này.
Chia tài sản sớm, hai bác phải sống trong cảnh ăn nhờ ở đợ tại chính ngôi nhà do mình dựng xây. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Mỗi lần tôi về quê đến thăm, hai bác, nay đã ngoài 70, đều rất mừng vì có người hỏi han trò chuyện. Họ thường bày tỏ sự hối hận vì đã chia tài sản cho các con quá sớm. Bác dặn tôi sau này nếu có của thì chớ vội chia, cứ giữ lại phòng thân; nếu con cái ngoan ngoãn hiếu thảo thì cho thừa kế.
"Đừng như bác, hối hận cũng muộn rồi, không có con cái hiếu thảo, chỉ có cha mẹ dại dột"; bác trai chua chát nói. Bác gái an ủi chồng rằng ông không sai, trong xóm có bà lão cũng sớm trao hết tài sản cho con nhưng vẫn được phụng dưỡng tử tế, rồi bà đưa tay quệt nước mắt.
Bác tôi nói, may mà ông vẫn còn một khoản tiết kiệm để lo cho bản thân lúc về già, nhưng trong tình cảnh suốt ngày bị con trai út nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tôi nghĩ sớm muộn số tiền này cũng hết. Viễn cảnh vợ chồng già sẽ phải ra đường làm lụng kiếm ăn thật xót xa.
Bản thân tôi và anh em, cô chú trong họ nhiều lần khuyên giải 3 con trai của bác, nhưng đều bị gạt đi, nói thẳng rằng đừng can thiệp, mỗi nhà mỗi cảnh. Mọi người đành thôi vì nghĩ đến nỗi khổ của bố mẹ ruột mà họ còn không quan tâm, vài lời khuyên của người khác có là gì... Ngoài việc tặng lọ thuốc bổ hay lén dúi cho hai ông bà già chút tiền nhỏ mỗi khi đến thăm, chẳng ai làm được gì hơn.
Cảnh sống cuối đời của bác ám ảnh tôi, khiến tôi xác định từ đầu về tương lai tài chính của bản thân, sau này giúp được các con cái gì thì giúp, nhưng không sang tên nhà cửa, tài sản. Đành rằng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không phải con nào cũng bất hiếu, làm cha mẹ ai chẳng yêu và tin con mình, nhưng không nên đẩy mình vào thế lệ thuộc.
Nhiều người vẫn nghĩ, có của thì sớm chia cho các con để chúng có vốn làm ăn, cho lúc chúng còn khó khăn, còn cần mình giúp đỡ mới quý. Nhiều người khác coi việc chia tài sản sớm là một cách lấy lòng con cái để chúng lấy đó mà hiếu thuận. Nhưng không phải, con có hiếu thì dù cha mẹ không cho đồng nào cũng phụng dưỡng hết lòng.
Còn chuyện làm ăn thì đời cua cua máy, đời cáy cáy đào, không có chỗ dựa vốn liếng từ cha mẹ thì phải tự nỗ lực vươn lên, đồng vốn mình khổ cực làm ra mới không bị phung phí. Nhiều bậc cha mẹ chia đất chia vàng cho con làm ăn, chúng nướng hết vào việc ăn chơi hoặc quyết định nông nổi, thiếu cân nhắc, rốt cuộc vẫn trắng tay.
Bên cạnh đó, nếu con cái không có tài cán gì, lại thêm bản tính ngông ngênh như cậu út trong gia đình bác tôi, thì có cho cả ngôi nhà và cơ ngơi làm ăn cũng chẳng làm nên chuyện. Bố mẹ phải biết "chất" con mình để có sự giúp đỡ phù hợp. Thương con, muốn trao cho con những gì mình có để chúng được thuận lợi là tấm lòng của mọi bậc cha mẹ, nhưng hãy luôn để lại đường lui cho mình.
Thay vì chia tài sản sớm, tốt nhất là lập di chúc, ghi rõ con nào được hưởng cái gì sau khi bố mẹ qua đời. Có tài sản trong tay, dù con cái có hiếu hay bất hiếu, người già đều làm chủ được cuộc sống của mình.
Đừng sợ con oán trách, vì những đứa con hiếu thảo, biết nghĩ sẽ không bao giờ nhìn chằm chằm vào tài sản của cha mẹ và đối xử với cha mẹ theo kiểu "cho nhiều thì mới tử tế". Còn với con cái bất hiếu, dù cha mẹ có cho bao nhiêu cũng không đủ, khi không còn gì để bòn rút nữa thì chúng vẫn trở mặt trách móc, hắt hủi mà thôi.
Hàn Dương
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/chia-tai-san-cho-con-roi-thanh-ke-an-bam-cha-me-gia-tu-dua-minh-vao-tuyet-canh-ar940722.html