1/Mấy hôm nay đọc hàng trăm bài báo và mạng xã hội viết về Lê Thiết Cương họa sĩ vừa nằm xuống ở tuổi 63, không thấy ai nói đến cái biệt hiệu “Tiểu Sài Tiến” (Sài Tiến nhỏ) như một sự khen tặng của người đàn anh Nguyễn Huy Thiệp dành cho Lê Thiết Cương. Tôi thì hứa với Cương từ lâu, “sẽ đến lúc phát hành cái tên này”.
Ta biết Sài Tiến là nhân vật phong lưu hào phóng nhất trong các anh hùng Lương Sơn Bạc, “trăm ngàn đổ một trận cười như không”, hay khoản đãi anh em bằng hữu và những ai gia cảnh khó khăn. Cho nên khi nghe Nguyễn Huy Thiệp gọi Lê Thiết Cương như vậy với tôi (từ mười mấy năm trước), tôi liền tin ngay rằng Cương rộng tính như người ta đồn, nhất là đối với bạn bè thân thiết, mà anh thì thú nhận luôn “đói bạn”, “thèm bạn”. Ngày nào cũng phải một đôi cữ đối ẩm, đàm đạo với bạn bè, không là “vã” lắm.
Độ hai năm trước đã nghe Nguyễn Việt Hà (trùm tạp văn) kể, Cương ốm lắm đấy nhưng đừng hỏi thăm, nó không thích đâu. Mãi tận tháng Ba năm nay gặp ở triển lãm Gốm Thiệp tôi mới dám lại gần hỏi nhỏ: “Em nghe anh ốm mà không dám hỏi thăm, tiện gặp đây anh cho em được hỏi, anh đã hồi phục hoàn toàn chưa”. Cương sinh 1962 luôn sinh động và trẻ hơn tuổi mà nay gầy xanh hốc hác, tươi cười đáp: “Đang”. Sau đó thì nhắn tin kể hết khi tôi hỏi chữa trị có tốn kém lắm không. Kể đi Singapore mổ hết bao nhiêu, đi Nhật bao nhiêu, bệnh viện Việt Đức hết bao nhiêu, tất cả đều là tiền bán tranh không phải vay mượn ai. Và kể vì ốm nặng nên phải in gấp mấy cuốn sách kẻo không kịp. Giới họa được tiếng là khá toàn diện nhưng người nhiều chữ như Lê Thiết Cương hóa ra không bao nhiêu.
Họa sĩ Lê Thiết Cương (bìa phải) và bạn bè văn nghệ tại tư gia: Nguyễn Việt Hà, Đinh Công Đạt, Đào Hải Phong, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Thụy Kha. Ảnh tư liệu của Đỗ Hoàng Diệu.
Cách nói chuyện của Lê Thiết Cương có hơi quá nặng đô so với tôi, thỉnh thoảng văng một từ mặn chát nên tôi thường nhắn tin nhiều hơn đàm thoại, còn Cương nhạy cảm có thừa nên bao giờ cũng nhắn tin trước chứ không gọi điện ngay, nếu cần thì bên kia (là tôi) sẽ tự gọi. Nhắn tin thì Cương lúc nào cũng dịu dàng nhẹ nhàng và có kiểu xuống dòng liên tục như thể đang gõ bản thảo. Lâu rồi, cô em Nguyễn Quỳnh Hương đồng nghiệp, từng là cộng tác viên của tôi, kể lần đầu gặp Cương chết khiếp, bị anh chê tan nát từ manh quần tấm áo và văng một rổ. Về sau hai anh em thân thiết đến độ nào, mà rồi đêm hôm kia mất ngủ lướt FB thấy bài Hương viết hay và cảm động, hóa ra cô thuộc số anh em bạn bè túc trực bên Cương những giờ phút cuối.
Triển lãm Gốm Thiệp bày ở ba miền đất nước, gồm tranh gốm của 41 họa sĩ, cả tranh gốm của Nguyễn Huy Thiệp. Lê Thiết Cương làm giám tuyển, đương nhiên. Các họa sĩ lấy cảm hứng sáng tác từ tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Một triển lãm thú vị. Đi cuộc ở Hàng Buồm về, tôi có ý định viết bài Xem gốm Thiệp, nhớ người cho nên hỏi Cương, câu anh Đạt (họa sĩ Đinh Công Đạt) vẽ trên gốm “nói khẽ thôi không Hà Nội nó nghe thấy đấy” có phải trong tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu không, anh mà không nhớ rõ thì em phải hỏi anh Đạt. Cương đáp ngay: “Đúng, Tuổi hai mươi yêu dấu. Chính anh bảo Đạt vẽ chứ nó đã đọc truyện đấy đ. đâu”.
Cũng là một pho từ điển sống như Nguyễn Thụy Kha vậy. Một họa sĩ chịu khó đọc loại nhất, nên là hỏi gì đáp nấy, động vào chuyện gì cũng có thể có câu trả lời. Nếu chưa biết thì sẽ bỏ công tìm hiểu ngay để có lời giải, đương nhiên phải là chuyện là việc đáng bỏ công.
2/Thập kỷ 90 thế kỷ trước tôi viết về Phùng Quán (hồi đó mỗi lần bọn chúng tôi rủ nhau lên nhà ông chơi, hay đùa: đến chòi ngắm sóng của The Pub đê): “Một người thật nồng hậu thật phóng khoáng. Một của hiếm trong làng thơ”. Thuở ấy mọi người nghèo còn nay khác rồi, nhất là giới họa khá giả hơn cả. Nhưng phóng khoáng ở làng nho nói chung, thì vẫn “của hiếm” như xưa thôi.
Bức ảnh quý chụp tháng 8/1969 có thần đồng Trần Đăng Khoa 11 tuổi (bìa phải), Lê Thiết Cương má bầu 7 tuổi và nhạc sĩ Trần Thị Duyên tác giả bài "Bông hoa mừng cô": Mùng tám tháng ba em ra thăm vườn... Ảnh chụp trước cổng nhà Cương, người bấm máy là nhà thơ Lê Nguyên bố của họa sĩ. Ảnh tư liệu của Trần Đăng Khoa. Anh Khoa cho biết nữ nhạc sĩ cũng qua đời từ 1976.
Lê Thiết Cương đói bạn thèm bạn nên chiều bạn. Và tôi đoán người hẫng hụt nhất bây giờ ngoài gia đình thì có lẽ là giai phố cổ Nguyễn Việt Hà, bạn đồng niên, tâm giao và hàng xóm “đổ rác chung” với Lê Thiết Cương. (Một người ở Lý Quốc Sư một người Nhà Chung nhưng vẫn đổ rác chung. Chả là thời bao cấp mỗi khi nghe tiếng kẻng thì cả hàng phố mang chậu rác ra cùng đổ).
Nhiều năm, báo Tết nào tôi cũng đặt Nguyễn Việt Hà viết tạp văn, chỉ hơn nghìn chữ nhưng đố ai bắt chước được kiểu nghĩ đấy kiểu cười đấy. Đi kèm là minh họa của Lê Thiết Cương. Nhưng rồi nhuận bút minh họa ngày càng thấp, tôi chuyển sang đặt người khác mà không nói gì với Cương cả, cho đến một hôm tình cờ gặp bèn giải thích - thanh minh thì anh nói anh không cần nhuận bút, em cứ cho anh minh họa để anh có kỷ niệm với Việt Hà. Ông Việt Hà ra sách, ông Cương mua còn nhiều hơn tác giả, chất đống ở Galerry 39, ai cần là tặng, ông Việt Hà chỉ cần hạ cố ghé qua ký phát. Bạn thế mới là bạn chứ.
Nguyễn Việt Hà là boy phố chính hiệu, rất Hà Nội, Lê Thiết Cương cũng thế. Tôi từ bé chỉ ở phố lớn và phố tây nhưng vẫn không hoàn toàn hiểu hết về phố cổ mạn rốn rùa, có lần hỏi Cương: “Cảm giác ở phố cổ thế nào?’. Đáp gọn lỏn: “Đ. ở nơi khác được!”.
Nơi khác, thì sẽ kém xa phố cổ từ đồ ăn thức uống, món quà rong trở đi. Ngon, tinh tế. Trong bài Duyên Hà Nội in vào tập Nhà và người tập hợp gần 60 tạp văn của Lê Thiết Cương, anh kể vỉa hè trước cửa nhà anh từ sáng tới khuya đều có người bán hàng hết xôi vò, chè bà cốt đến bún đậu, chiều tối là trà chén, thuốc lào. Và anh sợ “chẳng may họ bỏ đi không ngồi ở đó thì cái mặt tiền nhà tôi sẽ xấu lắm. Vỉa hè Hà Nội luôn được design bằng những câu chuyện đời, những hình, những màu, những âm như thế”.
Đâu phải ai kể cả văn nghệ sĩ đi nữa, sở hữu ngôi nhà 150 mét vuông mặt phố cổ, thời giá bây giờ là 150 tỷ đồng, đều nồng hậu thiết tha như thế. Đều yêu Hà Nội bằng tình yêu vừa giản dị vừa sâu sắc thế: “Hội đồng Anh từng tổ chức hội thảo chủ đề vai trò của nghệ sĩ với tạo hình đô thị, mục đích là muốn nghệ sĩ sáng tạo gì đó để góp phần làm đẹp thành phố. Nếu có mặt thì tôi sẽ nói rằng, chỉ cần để nguyên đời sống vỉa hè với những gánh hàng rong hoa quả quà bánh đó thôi thì Hà Nội đã đẹp lắm rồi, đã là một tác phẩm trình diễn, tác phẩm sắp đặt rất hiện đại, rất hấp dẫn, rất duyên. Duyên thì chả học, chả dạy được. Duyên là tự nhiên, trời cho. Hà Nội có duyên, Hà Nội đẹp duyên”.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đọc lời điếu tại đám tang họa sĩ Lê Thiết Cương ở Nhà tang lễ Quốc gia 21/7/2025.
Người lúc nào cũng bận rộn kể cả đau ốm đến đâu. Nào tổ chức hội thảo, triển lãm tranh ảnh cho anh em bạn bè, tổ chức bản thảo và vẽ bìa in sách cho người này người nọ, làm trung gian, cầu nối hết việc lớn việc bé. Bạn cần một kiến trúc sư cho ngôi nhà của mình, chỉ cần nhắn cho Lê Thiết Cương. Cần cái đĩa than quý, chiếc tem hiếm cũng thế. Mình viết bài về người nổi tiếng vừa khuất, thường ngại báo tin cũng chả gửi báo biếu người nhà nhưng Cương đọc thấy bài báo khiến người ta hiểu thêm về những khía cạnh ít ai biết của văn nghệ sĩ kia, thì sẽ nhắn “Anh sắp làm talk show với người nhà họ, em gửi cho anh ít báo để anh tặng nhé”.
Mối quan hệ Nguyễn Huy Thiệp - Lê Thiết Cương cũng đặc biệt. Không biết hai người tin tôi đến đâu mà thỉnh thoảng hé lộ điểm yếu của nhau cho tôi nghe (chuyện này thì đương nhiên không kể lại được). Nguyễn Huy Thiệp bị tai biến, tôi chưa đến thăm ngay, phần vì dịch dã đang căng phần muốn chờ mọi người thăm vãn vãn đã. Đến một hôm nói với Cương “Em định thăm anh Thiệp nhưng đường làng lắt léo quá bao năm vẫn không nhớ nổi”, Cương sốt sắng “Thế để anh đưa đi”. Tôi nửa đùa nửa thật “Chắc em đi một mình thôi vì giả sử anh Thiệp có chuyện riêng muốn nói với Cương mà có em thì không tiện, hoặc chuyện nói riêng với em mà có Cương cũng không tiện”. Cương ừ ngay. Sau đó tôi lại đi cùng Việt Hà, Bảo Ninh thăm Nguyễn Huy Thiệp nhưng tất nhiên người như Lê Thiết Cương sẽ không để bụng mà lại chờ bài mới mình viết về người đàn anh Nguyễn Huy Thiệp để nhận xét chân tình và chọn đưa vào sách. Đấy là quan hệ giữa chúng tôi không liệt vào loại thân, mà còn luôn như thế. Xem nghe đọc thượng vàng hạ cám để rồi nhận định chân tình chí lí.
Lúc nào cũng đầy ắp ý tưởng, lúc nào cũng tất bật việc gì đó, cho mình và cho người. Trong khi đa số chúng ta, loay hoay chăm sóc bộ da của mình đủ mệt, sức đâu lo chuyện bao đồng.
Trong sự nhiệt thành đó của Lê Thiết Cương đối với bạn bè văn nghệ báo chí - cả bạn bè cả đàn anh đàn em - tôi đọc thấy sự tử tế đã đành, tính nghệ sĩ đã đành, mà cả thói quen thực hành văn hóa và nhu cầu can dự vào những việc, những chuyện mà anh cho là xứng đáng, là hợp với anh. Ngược lại mọi người cũng cảm thấy có anh làm chứng nhân thì hoàn toàn yên tâm.
Chẳng hạn, rất quan tâm đến nhiếp ảnh chiến tranh nên anh bỏ công đọc cả loạt bài dài nghêu tôi kể câu chuyện quanh bức ảnh nổi tiếng Hai người lính của Chu Chí Thành. Có chi tiết Bảo Ninh dặn khi nào tôi định mời người lính Sài Gòn trong ảnh ra Hà Nội chơi thì Bảo Ninh xin tài trợ vé máy bay. Lê Thiết Cương bảo: “Anh Bảo Ninh tài trợ vé máy bay thì cho anh được mời anh ấy bữa cơm nhé!”.
Con trai họa sĩ Lê Thiết Cương từ biệt bố trong lễ tang.
3/Cả Hà Nội biết Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Việt Hà là bạn đối ẩm và tâm giao của Lê Thiết Cương. Thế mà ngày anh Kha ra đi, Lê Thiết Cương không tỏ ra quá sốc. Bởi anh đã đốn ngộ, có lẽ thế, và phải chăng cũng dự cảm về sự ra đi không còn quá xa của mình.
Đám tang Lê Thiết Cương sáng 21/7/2025 rất đông, rất nhiều người trẻ. Bạn bè thân thiết của Cương kể anh không tin mình ra đi sớm, đến phút cuối anh vẫn hy vọng có bác sĩ nhận mổ cho anh, anh thậm chí còn chẳng tin mình bị K. Trong khi bệnh tình chính xác của anh là u mỡ ác tính, về sau biến thành K mỡ, cực hiếm. Nhưng như đã nói, tôi thấy Lê Thiết Cương cực nhạy cảm, nên khó mà không dự cảm. Hôm anh Kha mất, Cương đưa lên trang cá nhân bài Thơ viếng Nguyễn Thụy Kha của Nguyễn Duy, đau xót nhưng vẫn có nét hài hước: Bần thần đếm vía bạn ta/Nhuận Cầm, Trọng Tạo, Thụy Kha…đi vèo/Đắng ly rượu sắn nhà nghèo/Liêu xiêu con chữ tong teo hao gầy/Một thời đói khổ mà say/Giờ đây cơm rượu đủ đầy lại… thăng!
Nguyễn Thụy Kha ốm rồi ra đi, tôi gọi hỏi Nguyễn Việt Hà: “Những ngày cuối của anh Kha thế nào hả anh. Bọn em đi thăm từ mấy tháng trước cơ”. Việt Hà: “Anh cũng không biết lắm đâu. Anh ấy cứ thế chết thôi”. Ở đám tang anh Kha, tôi gọi thì anh Hà đã đi khỏi rồi. Tôi bảo anh không chờ đến phút truy điệu à. Việt Hà: “Chờ làm gì. Đám Trọng Tạo, Phú Quang, Phó Đức Phương chắc đang sốt ruột gọi Kha xuống chầu (rượu) rồi, cần gì mình tiễn!”.
Một trong số sách đã xuất bản của Lê Thiết Cương - cuốn "Nhà và người" tập hợp gần 60 tạp văn trải dài hai chục năm. Biên tập viên Thái Chí Thanh (NXB Hội Nhà văn) cho biết gia đình và NXB đang tiến hành xuất bản vài đầu sách tiếp theo của Lê Thiết Cương.
Tôi đoán Việt Hà dù hụt hẫng cũng sẽ không nói quá bi lụy về sự ra đi của bạn chí cốt Lê Thiết Cương. Y như rằng gặp ở đám tang thấy đúng thế. Kiểu của “bọn” Nhâm Dần, giai phố cổ, văn nghệ sĩ là thế. Mấy hôm nay ngôi nhà 39 Lý Quốc Sư càng nổi, do ai viết về Cương đều muốn nhắc nó. Ở đó có người mẹ thương con, ngày ngày nấu cho con những món ăn Hà Nội chuẩn, biệt đãi bạn bè con những chiếc bánh tự làm. Sàn nhà thì đúng là hơi giống “ruộng bậc thang” như Nguyễn Bảo Sinh (nhà thơ dân gian) tả kiểu trêu trêu, nhưng các vật dụng trong nhà đều cực có gu, từ những phụ kiện nho nhỏ trong phòng tắm cũng mang vẻ đẹp mộc và thuần Việt, không lai tí Tây tí Tàu nào.
Đỗ Hoàng Diệu tháng trước từ Mỹ về gặp tôi kể muốn đến thăm Cương, anh nhắn lại “Anh ốm nặng lắm, em cân nhắc nhé”. Khi tin tức đầu tiên về sự ra đi của Lê Thiết Cương hiện lên mạng xã hội, Diệu nhắn tôi: “Em khóc vì bao người cứ lần lượt ra đi, giờ về Việt Nam trống quá”. Và: “Gia tài anh Cương để lại không chỉ là những bức vẽ hay những cuốn sách. Lớn hơn thế, số 39 Lý Quốc Sư đã trở thành một ngôi nhà nghệ thuật, một địa chỉ văn hóa. Nhiều nghệ sĩ tài danh hơn Lê Thiết Cương, chủ nhân của những ngôi nhà to đẹp hơn nhưng họ không thể (hoặc không muốn) tạo dựng nên một đại bản doanh của nghệ thuật, tình bạn và rượu ngon như vậy”.
“Sơn trang” 39 Lý Quốc Sư của “Sài Tiến nhỏ” đã hoàn thành sứ mệnh của nó. (Nhân vật Sài Tiến trong Thủy hử có lúc được gọi đầy đủ là “Tiểu Toàn Phong Sài Tiến”. Tiểu Toàn Phong tức cơn gió nhỏ). Và nhớ về Lê Thiết Cương là nhớ: đó là đầu lĩnh thông minh sắc sảo cá tính của nhiều người, huynh đệ tốt của nhiều người, và một nghệ sĩ đích thực của Hà Nội… Những người như thế, đã bói trên đầu ngón tay lại còn ngày càng thưa vắng đi.
Dương Phương Vinh