Hình ảnh lực lượng bảo vệ di tích trấn áp người đàn ông bẻ gãy ngai vàng trong điện Thái Hòa. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, vào khoảng 11h55 trưa 24/5, đối tượng Hồ Văn Phương Tâm (sinh ngày 10/2/1983), trú tại phường Hương Long, quận Phú Xuân, TP Huế đã mua vé vào tham quan Đại nội. Khi đến khu vực điện Thái Hòa, nơi đặt ngai vàng triều Nguyễn, đối tượng có biểu hiện bất thường về tâm thần, la hét và có hành vi xâm nhập trái phép.
Mặc dù đã được nhân viên bảo vệ mời ra khu vực hậu điện để tránh gây rối, đối tượng vẫn quay lại, lẻn vào khu vực trưng bày ngai vàng và làm gãy phần tựa phía trước tay bên trái của hiện vật quý giá này. Sự cố hiện vật này bị xâm hại khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối về giá trị lịch sử và văn hóa chiếc ngai vàng này chứa đựng.
Biểu tượng quyền lực thời Nguyễn
Ngai vàng triều Nguyễn, hiện được đặt tại điện Thái Hòa, là chiếc ngai duy nhất còn được bảo tồn nguyên vẹn của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ngai được chế tác vào đầu triều Gia Long (1802 - 1819) và từng là nơi nhà vua thiết đại triều hai lần mỗi tháng, cũng như là trung tâm của các nghi lễ quan trọng như đăng quang, tiếp sứ thần hay chúc thọ.
Ngai được làm từ gỗ, sơn son thếp vàng, cao 101 cm, dài 87 cm và rộng 72 cm, đặt trên đế trang trí cầu kỳ với hình ảnh long - phượng - chữ thọ - mặt hổ phù, thể hiện quyền lực, sự trường thọ và vẻ đẹp huy hoàng của chốn hoàng cung.
Các mảnh vỡ từ ngai vàng triều Nguyễn. Ảnh: Lịch sử di sản triều Nguyễn.
Theo cuốn sách Kinh Thành Huế: Tìm hiểu quá trình xây dựng Kinh đô nhà Nguyễn của tác giả Phan Thuận An, nhà vua ngồi trên ngai vàng đặt giữa điện Thái Hòa. Phía trong điện chỉ có các quan tứ trụ và những hoàng thân quốc thích mới được diện kiến nhà vua. Các quan khác đứng xếp hàng ngang theo thứ tự ghi trên các phẩm sơn bằng đá nhỏ đặt bên sân, theo nguyên tắc quan văn đứng bên trái, quan võ đứng bên phải.
Từ xưa người Huế không bao giờ dám lấy một viên ngói hay gạch ở Hoàng cung về để sử dụng. Khi triều Nguyễn chấm dứt cho đến giai đoạn đất nước bị chia cắt, không ai dám phạm thượng tự ý ngồi lên ngai vàng hay xâm phạm bất cứ thứ gì.
Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh yêu cầu các địa phương giữ gìn di vật, bảo vật do các đời trước để lại, không được phá hủy. Sau những biến cố lịch sử, chiếc ngai vẫn không xê dịch khỏi điện Thái Hòa.
Năm 2015, ngai được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia, đồng thời được đánh giá là hiện vật quý hiếm bậc nhất trong hệ thống di sản cung đình Việt Nam.
Hiện vật minh chứng lịch sử
Nằm uy nghi giữa trung tâm điện Thái Hòa, ngai vàng triều Nguyễn là chứng nhân lặng lẽ cho một trong những giai đoạn lịch sử Việt Nam giữa thế kỷ XIX.
Theo Lịch sử Việt Nam tập 6 (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), từ năm 1858 đất nước rơi vào vòng xâm lược của thực dân Pháp, chiếc ngai ấy vẫn bất động giữa điện Thái Hòa.
Bên trong không gian điện Thái Hòa - nơi đặt ngai vàng triều Nguyễn. Nguồn: Fp FranceIndochine.
Giai đoạn u ám nhất của triều Nguyễn bắt đầu sau khi vua Tự Đức băng hà. Vốn không có con nối dõi, ông chọn ba người cháu làm con nuôi. Vua Dục Đức là người đầu tiên được truyền ngôi. Thế nhưng, ngay trong lễ đăng quang, ông khiến triều thần bất bình khi yêu cầu bỏ những dòng chỉ trích ông trong Di chiếu do Tự Đức để lại. Chưa đầy ba ngày sau khi bước lên ngai vàng, Dục Đức đã bị phế truất.
Chiếc ngai chưa kịp nguội lạnh thì Hiệp Hòa - người con thứ 29 của vua Thiệu Trị - được đưa lên làm vua. Trong ngày lễ đăng quang, một con quạ đen bay tới đậu trên cây trước điện Thái Hòa và kêu lên bốn tiếng - một điềm gở, theo cách nhìn của người xưa. Bốn tháng sau, Hiệp Hòa bị xử tử theo nghi thức cung đình vì phê chuẩn biểu trừ khử hai quyền thần từng đưa mình lên ngôi.
Sau Hiệp Hòa, ngai vàng lại có chủ mới, vua Kiến Phúc lúc đó chỉ mới 15 tuổi. Ông lên ngôi trong tâm thế sợ hãi, bởi chính mắt chứng kiến hai vị vua tiền nhiệm lần lượt có kết cục bi kịch. Dù mang danh thiên tử, nhưng mỗi lần bước lên ngai, Kiến Phúc đều trong trạng thái lo âu, bất an. Sau tám tháng trị vì, ông cũng qua đời khi còn rất trẻ.
Giữa những đổi thay chóng mặt, giữa các đời vua lần lượt đến rồi đi, chiếc ngai vàng vẫn nằm nguyên tại vị trí thiêng liêng giữa điện Thái Hòa.
Ngai vàng ấy là biểu tượng quyền lực những năm cuối cùng của thời kỳ phong kiến Việt Nam. Đằng sau lớp sơn son thếp vàng là cả một thời đại.
Đức Huy