Chiêm ngưỡng ngôi đình cổ trăm năm ở An Giang

Chiêm ngưỡng ngôi đình cổ trăm năm ở An Giang
4 giờ trướcBài gốc
Theo tư liệu tại Bảo tàng An Giang, đình Mỹ Phước (thuộc phường Mỹ Long, TP Long Xuyên) được xây dựng dưới thời triều Nguyễn nhưng chưa rõ năm. Buổi đầu, đình được xây dựng bằng các vật liệu nhẹ. Về sau, kiến trúc đình được cải tạo khang trang, tôn nghiêm hơn với tường gạch, mái ngói. Cổng chính xây kiểu tam quan, phía trên có dòng chữ "Đình thần Mỹ Phước".
Qua cổng tam quan, ở hai bên có hai miếu Sơn Quân và Hội đồng.
Năm 1903, đình Mỹ Phước được tu bổ trên diện tích 3.800m², mặt tiền hướng ra bờ sông Hậu. Xung quanh đình là các con đường Lê Minh Ngươn (chính diện), Hai Bà Trưng (hậu đình), Nguyễn Huệ (bên phải) và Phan Chu Trinh (bên trái), với hàng cây cổ thụ hai bên tỏa bóng mát.
Đình Mỹ Phước có 4 nóc lợp mái ngói âm dương xếp san sát nhau. Trên mỗi đỉnh nóc, các tượng lưỡng long tranh châu được đắp nổi, là đặc trưng trong kiến trúc đình làng Việt Nam.
Mặt trước chánh điện của Đình Mỹ Phước mang tông màu đỏ, vàng đặc trưng trong kiến trúc đình làng Nam Bộ. Bên trong, hàng cột tròn bằng gỗ căm xe chống đỡ mái đình, tạo không gian thông thoáng và thoải mái.
Các bộ bao lam, hoành phi... chạm khắc tinh xảo, đặc biệt đình còn lưu giữ sắc phong do vua Tự Đức ban năm 1852.
Gian chính thờ Thượng đẳng thần Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700). Trung điện thờ 18 đời vua Hùng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai bên gian chính là các bàn thờ Tả ban, Hữu ban, Đông hiến, Tây hiến...
Hàng năm, đình tổ chức lễ chính Kỳ Yên vào ngày 10, 11 và 12 tháng 5 âm lịch, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ Lạp Miếu diễn ra ngày 10, 11 và 12 tháng 12 âm lịch, nhằm tôn vinh đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân những người có công khai khẩn vùng đất này. Theo Bảo tàng An Giang, Đình Mỹ Phước là di tích quý hiếm, mang dấu ấn lịch sử thời kỳ mở mang vùng đất Tây Nam Bộ. Tháng 6/1995, đình được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Trần Tuyên
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/chiem-nguong-ngoi-dinh-co-tram-nam-o-an-giang-2354331.html