Phá sản mưu đồ của Nixon
Cuối năm 1972, trước những đòn tiến công của quân và dân ta, lực lượng không quân và hải quân Mỹ ở Đông Nam Á được huy động tối đa vào việc cứu nguy cho ngụy quân Sài Gòn trên chiến trường và đánh phá ác liệt miền Bắc Việt Nam. Sau khi tái cử Tổng thống Mỹ, Richard Nixon đã phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược bằng không quân với quy mô lớn vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương ở miền Bắc Việt Nam, với mật danh Linebacker II, nhằm đưa Việt Nam “trở về thời kỳ đồ đá”, hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam, đe dọa phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới, làm tê liệt ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam, buộc chúng ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện mà chúng đưa ra ở Hội nghị Paris.
Đây là cuộc tập kích chiến lược bằng đường không huy động lực lượng lớn nhất của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai với 193 máy bay ném bom chiến lược B-52, được mệnh danh là “siêu pháo đài bay bất khả chiến bại” của không lực Hoa Kỳ, cùng hàng nghìn máy bay chiến thuật và nhiều tàu sân bay, tàu chiến đấu tối tân, hiện đại, với lượng bom đạn khổng lồ, liên tục trong 12 ngày đêm rải thảm xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền Bắc. Với chiến dịch ném bom này, giới cầm quyền Mỹ tin rằng nhất định Việt Nam sẽ phải khuất phục, phải ký hiệp định theo ý đồ của Mỹ. Tổng thống Nixon thú nhận: “Tôi muốn đánh lớn cho ra lớn, nên quyết định dùng B-52 đánh Hà Nội, Hải Phòng” và “quyết định ném bom trở lại vào tuần lễ trước Noel là quyết định khó khăn nhất mà tôi tiến hành trong suốt cuộc chiến tranh”.
Bộ đội Tên lửa quán triệt nhiệm vụ trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng, năm 1972. Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, ngay từ những năm đầu của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sớm nhận rõ và dự báo chính xác tình hình; xác định quyết tâm chiến lược, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, động viên quân, dân ta chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để quyết đánh, quyết thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương, Quân chủng Phòng không-Không quân đã sớm có kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B-52 của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng.
Với sự chủ động, sáng tạo, qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi cách đánh máy bay B-52, lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân chủng Phòng không-Không quân, nhân dân miền Bắc, nhất là quân, dân Thủ đô Hà Nội đã chủ động thiết lập thế trận phòng không ba thứ quân hoàn chỉnh, vững chắc, nhiều tầng, nhiều lớp, chủ động vào trận với hào khí “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”; phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân.
Ngay từ trận đầu ra quân, đêm 18-12-1972, ta đã bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay" B-52, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh tiếp theo. Sau 12 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường, phát huy trí thông minh, sáng tạo, quân, dân miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B-52.
Non sông thu về một mối
Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là chiến công mang tầm vóc thời đại, gây chấn động nước Mỹ và thế giới, buộc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris vào ngày 27-1-1973, rút quân về nước và không tiếp tục dính líu quân sự...
Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” còn là chiến thắng của lý trí và lương tâm thời đại. Với tính chính nghĩa sáng ngời, cuộc chiến đấu tự vệ của nhân dân Việt Nam đã giành được sự ủng hộ rộng lớn, mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới và ngay tại nước Mỹ. Ngay khi có tin tức về các phi vụ máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội, trong nhân dân Mỹ và thế giới đã bùng lên làn sóng lên án Mỹ. Hạ nghị viện Canada tuyên bố, đây là một hành động xấu xa; Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme khi đó gọi cuộc ném bom của Mỹ là "cuộc tàn sát của Đức quốc xã". Tờ báo lớn ở Mỹ là Bưu điện Washington lên án hành động này là điên rồ và mỉa mai “cuộc ném bom khủng bố nhân dân hòa bình”...
Dư luận thế giới và nước Mỹ dồn chính quyền Nixon vào chân tường, làm cho chúng hết sức lúng túng. Chính Ngoại trưởng Mỹ Kissinger sau đó đã thú nhận: Cuộc ném bom được tiến hành trở lại vào ngày 18-12 và kéo dài đã gây nên sự phẫn nộ ngày càng tăng. Chúng ta không thể nào dập tắt được dư luận lên án Chính phủ Hoa Kỳ đang cố tình giết hại dân thường trong một chiến dịch thảm sát. Không một sự kiện đối ngoại nào trong cuộc đời làm Tổng thống của Nixon lại gây nên sự chống đối tai hại bằng cuộc ném bom vào dịp lễ Noel.
Tuy nhiên, sau Hiệp định Paris, ngụy quân và ngụy quyền Sài Gòn ra sức phá hoại hiệp định. Mỹ tiếp tục củng cố ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam nước ta dưới dạng một nước riêng biệt, phụ thuộc vào Mỹ. Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu luôn hò hét “không có hòa bình với cộng sản, không liên hiệp, không thương lượng, không có lực lượng đối lập, không để lọt vào tay Việt cộng bất cứ lãnh thổ nào”. Để thực hiện chủ trương “4 không” trên, Thiệu chỉ thị cho thuộc hạ phản ứng mau lẹ trong các cuộc lùng diệt hạ tầng cơ sở của ta. Với âm mưu làm cho chiến tranh tàn lụi dần để chỉ có một chính quyền, một quân đội duy nhất, Mỹ-ngụy vạch ra hàng loạt chiến lược, kế hoạch nhằm bình định, lấn chiếm toàn bộ vùng giải phóng, đồng thời triển khai toàn diện nền kinh tế thực dân mới lệ thuộc vào Mỹ...
Với hơn 1 triệu quân ngụy, hàng chục nghìn cố vấn cùng “lực lượng răn đe” khoảng 15.000 tên, hàng nghìn máy bay và tàu chiến, lợi dụng xu thế hòa hoãn trên thế giới, đế quốc Mỹ thực hiện chính sách “cân bằng lực lượng” giữa các nước lớn, câu kết với các thế lực phản động quốc tế ngăn chặn sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Mỹ-ngụy hy vọng chiến tranh sẽ “tàn lụi” vào những năm 1978-1980 và chúng sẽ kiểm soát hoàn toàn miền Nam Việt Nam.
Song, với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam đã hình thành mũi tiến công thứ 6, cùng với 5 mũi tiến công chủ lực của quân dân ta đã làm sụp đổ hoàn toàn ngụy quyền Sài Gòn do Mỹ dày công xây dựng hơn 20 năm. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã thực hiện thành công “đánh cho ngụy nhào”, làm đảo lộn dự kiến của địch, giáng một đòn chí mạng vào mưu đồ đen tối của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải bất lực, bỏ cuộc trước sự tan rã, sụp đổ nhanh chóng và hoàn toàn của ngụy quân, ngụy quyền tay sai.
Thiếu tướng BÙI ĐỨC HIỀN, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.