Chính phủ giữ nguyên mức đóng bảo hiểm y tế ở mức 4,5% lương cơ sở, mở rộng nhóm được hỗ trợ từ ngân sách

Chính phủ giữ nguyên mức đóng bảo hiểm y tế ở mức 4,5% lương cơ sở, mở rộng nhóm được hỗ trợ từ ngân sách
10 giờ trướcBài gốc
Theo đó, mức đóng bảo hiểm y tế tiếp tục được giữ nguyên ở mức 4,5% lương cơ sở như quy định hiện hành. Đồng thời, Nghị định cũng mở rộng các nhóm đối tượng được hỗ trợ mức đóng từ ngân sách nhà nước, khẳng định chính sách an sinh xã hội toàn diện và bao trùm của Nhà nước.
Đối với hình thức tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, mức đóng được áp dụng theo nguyên tắc giảm trừ dần: người thứ nhất trong hộ đóng 4,5% lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba và thứ tư lần lượt đóng bằng 70%, 60% và 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi, mức đóng bằng 40% mức đóng của người đầu tiên trong hộ.
Quy định này nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, từ đó nâng cao tỷ lệ bao phủ trên toàn quốc.
Đối với người lao động thuộc khu vực có quan hệ lao động, mức đóng bảo hiểm y tế vẫn là 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong đó, người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3.
Quy định này áp dụng cho người lao động có hợp đồng lao động từ đủ một tháng trở lên, không phân biệt hình thức hợp đồng hoặc tên gọi, miễn là có yếu tố làm công hưởng lương và chịu sự điều hành, giám sát của một bên.
Đối tượng còn bao gồm người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, giám đốc, tổng giám đốc và các chức danh tương đương có hưởng tiền lương trong doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.
Ngoài ra, người lao độnglà công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên, cũng thuộc diện phải tham gia bảo hiểm y tế, trừ trường hợp di chuyển nội bộ doanh nghiệp hoặc đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Với nhóm người làm việc không hưởng lương hoặc không có người sử dụng lao động, mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và do đối tượng tự chi trả.
Nhóm này bao gồm người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước, thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, giám đốc, tổng giám đốc của hợp tác xã không hưởng lương; chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Với nhóm người lao động thuộc lực lượng vũ trang như công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, và người làm việc trong tổ chức cơ yếu, mức đóng bảo hiểm y tế cũng là 4,5% tiền lương tháng và được chia theo tỷ lệ 2/3 do người sử dụng lao động đóng và 1/3 do người lao động đóng.
Đối với thân nhân của các đối tượng này, mức đóng bảo hiểm y tế bằng 4,5% mức lương cơ sở và do cơ quan chủ quản chi trả hoàn toàn.
Người lao động là cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc chức vụ mà chưa bị xử lý kỷ luật sẽ đóng bảo hiểm y tế hàng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng liền kề trước đó.
Trong trường hợp sau này có kết luận từ cơ quan có thẩm quyền rằng người lao động không vi phạm pháp luật, cả người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải truy đóng phần bảo hiểm còn thiếu tương ứng với khoản tiền lương được truy lĩnh.
Nhóm do cơ quan Bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế bao gồm người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, người nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp ốm đau dài ngày, hoặc nghỉ thai sản từ 14 ngày trở lên trong tháng.
Các đối tượng này sẽ được đóng bảo hiểm y tế bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp hoặc mức lương cơ sở tùy từng trường hợp. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được đóng bảo hiểm y tế bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp.
Đối với nhóm do ngân sách nhà nước đóng, mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5% mức lương cơ sở. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng hỗ trợ mức đóng cho một số nhóm đối tượng nhất định theo tỷ lệ khác nhau.
Cụ thể, người thuộc hộ cận nghèo đang sinh sống tại các xã nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ được hỗ trợ 100% mức đóng.
Người thuộc hộ cận nghèo ở địa bàn khác được hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng. Người dân tộc thiểu số tại các xã vừa ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng được hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng trong thời hạn 36 tháng kể từ thời điểm xã thay đổi phân loại.
Nạn nhân bị mua bán người được xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền sẽ được hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng trong vòng một năm kể từ ngày được xác nhận.
Ngoài ra, học sinh, sinh viên; người tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; nhân viên y tế thôn bản; cô đỡ thôn bản; người hoạt động không chuyên trách tại thôn, tổ dân phố; người được phong danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú cũng được hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng bảo hiểm y tế. Đối với hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình, mức hỗ trợ từ ngân sách tối thiểu là 30%.
Việc ban hành Nghị định 188/2025/NĐ-CP là bước đi quan trọng trong việc duy trì ổn định chính sách bảo hiểm y tế, mở rộng độ bao phủ và bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong đóng góp và thụ hưởng, góp phần tăng cường phúc lợi xã hội và phát triển bền vững.
NH
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/chinh-phu-giu-nguyen-muc-dong-bao-hiem-y-te-o-muc-4-5-luong-co-so-mo-rong-nhom-duoc-ho-tro-tu-ngan-sach-319939.html