Chủ tịch UBND Tp.HCM kiểm tra hoạt động chính quyền mới tại Dĩ An
Sáng ngày 1/7, tại phường Dĩ An (Tp.HCM), ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND Tp.HCM và ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Tp,HCM đã kiểm tra, khảo sát tình hình hoạt động bộ máy chính quyền cấp xã mới tại đây.
Chủ tịch UBND Tp.HCM ông Nguyễn Văn Được kiểm tra tại phường Dĩ An trong ngày đầu hoạt động chính quyền 2 cấp.
Ông Nguyễn Văn Được đã trực tiếp kiểm tra các hoạt động liên quan tới các khâu thủ tục hành chính công tại phường Dĩ An.
Ông Được cũng động viên cán bộ, nhân viên trong thời gian qua đã nỗ lực, xây dựng hỗ trợ người dân trong công tác hoàn thiện hồ sơ giấy tờ.
Chủ tịch UBND Tp.HCM yêu cầu lãnh đạo phường Dĩ An tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp, đạo đức... phục vụ tốt cho người dân, tăng cường thêm các thiết bị máy móc thiết bị hoạt động đồng bộ hệ thống...
Người dân làm thủ tục tại trung tâm hành chính phường Dĩ An (Tp.HCM).
Người dân phấn khởi vì thủ tục nhanh gọn
Theo ghi nhận thực tế của Người Đưa Tin, chính quyền 2 cấp tại các địa phương trên đã chạy thử nghiệm từ đầu tháng 6/2025. Mọi công đoạn đều được thực hiện bài bản, hồ sơ, dữ liệu đều được đồng bộ hóa chuẩn quy trình 2 cấp trước khi sáp nhập.
Đến ngày 1/7, chính quyền phường/xã hoạt động chính thức với bộ máy nhân sự mới, trong đó các khu vực hành chính công, phục vụ người dân được ghi nhận rất trơn tru, trách nhiệm.
Tại khu vực phường Dĩ An, từ sáng sớm các cán bộ đã đến làm việc chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ phục vụ công tác tiếp nhận thông tin. Nhiều người dân cũng tranh thủ đến sớm để đăng ký các thủ tục qua kênh trực tuyến, hoặc hướng dẫn của cán bộ để giải quyết hồ sơ.
Người dân từ sáng sớm đã tới trung tâm hành chính công để giải quyết các hồ sơ giấy tờ.
Theo ông Phan Tuấn (người dân phường Dĩ An, Tp.HCM) từ 7h ông đã đến trung tâm hành chính công phường Dĩ An để làm các hồ sơ về nhân khẩu và thông tin về chính sách chế độ cho người có công.
"Ban đầu tôi còn sợ phải chờ lâu, lo lắng vì đang là Bình Dương giờ là Tp.HCM giấy tờ khó giải quyết, nhưng tới nơi được hướng dẫn bốc số, đăng ký làm thủ tục, các tờ khai cũng được cán bộ hỗ trợ xử lý các thông tin nên rất nhanh. Tôi thấy mọi thủ tục khá thuận lợi, mong rằng người dân khác cũng sẽ được hướng dẫn tận tình, xử lý hồ sơ một cách nhanh chóng".
Cũng trong sáng 1/7, tại phường Đông Hòa (Tp.HCM), người dân đến làm thủ tục tại khu vực hành chính công khá động. Nhiều cán bộ, đoàn viên, tình nguyện viên chuẩn bị các thiết bị, hướng dẫn người dân trong công tác chuyển đổi số, đăng ký trực tuyến để không mất thời gian.
Tại phường Thuận Giao (Tp.HCM), chia sẻ với PV, ông Võ Thành Úy, Bí thư, Chủ tịch HĐND phường cho biết: "Trong ngày 1/7, phường Thuận Giao chính thức hoạt động theo mô hình chính quyền 2 cấp, công tác xử lý tiếp nhận hồ sơ của người dân luôn được ưu tiên, đúng như mục tiêu đề ra là phải gần dân, hỗ trợ người dân một cách tốt nhất.
Trong thời gian qua, lãnh đạo Phường ủy, UBND đã hoạt động thử nghiệm trong thời gian dài, mọi thứ đi vào quy trình chuẩn trước khi hoạt động chính quyền 2 cấp. Thời gian tới, phường Thuận Giao sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp hơn, trang thiết bị để phục vụ giải quyết nhu cầu của người dân trên địa bàn".
Cán bộ đến sớm, tận tình hỗ trợ người dân
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Trần Công Hậu, Phó Chủ tịch UBND phường Sài Gòn, kiêm Giám đốc Trung tâm phục vụ Hành chính công cho biết, đội ngũ cán bộ công chức đã chuẩn bị từ sớm, từ xa khi thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính để chuyển sang chính quyền địa phương 2 cấp.
Các cán bộ, công chức đã được tập huấn để tiếp cận và ứng dụng thành thạo về công nghệ thông tin để tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ hành chính liền mạch, nhanh chóng qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Ông Trần Công Hậu (trái), Phó Chủ tịch UBND phường Sài Gòn, kiêm Giám đốc Trung tâm phục vụ Hành chính công. (Ảnh: Mỹ Hậu).
"Tất cả cán bộ, công chức đều được quán triệt tinh thần chính quyền phục vụ, làm việc trách nhiệm, tận tụy để người dân, doanh nghiệp cảm thấy sự gần gũi và thân thiện ngay từ ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp", ông Hậu thông tin.
Chia sẻ với PV, ông Ngô Gia Đại, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ Hành chính công phường Dĩ An (Tp.HCM) cho hay: "Trung tâm phục vụ Hành chính công phường Dĩ An đã tổ chức hoạt động thử nghiệm từ hơn 2 tuần trước, các thủ tục của người dân đều được xử lý sớm, thông suốt.
Đặc biệt, các cán bộ của trung tâm tận tình hướng dẫn người dân, hồ sơ nào chưa được, chưa đủ phải chỉ để người dân bổ sung xử lý ngay, tránh phải đi lại nhiều lần.
Bên cạnh đó, các hồ sơ đủ điều kiện được tiếp nhận thì cán bộ phải nhập hệ thống dữ liệu và xử lý đúng hẹn hoặc phải sớm hơn tránh tồn đọng hồ sơ".
Ông Ngô Gia Đại, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ Hành chính công phường Dĩ An (Tp.HCM) phường đông dân nhất Tp.HCM trực tiếp hướng dẫn người dân làm thủ tục.
Theo ông Đại, từ ngày 1/7 chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, tại Trung tâm phục vụ Hành chính công phường Dĩ An, các bộ nhân viên đã đi làm từ lúc 6h sáng, mục đích là chuẩn bị cho sự vận hành trơn tru nhất, thuận lợi nhất. Đội ngũ tình nguyện viên cũng được tăng cường, hỗ trợ ở các khâu thuận lợi, giải quyết sớm.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, do sự chuẩn bị từ trước nên chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động rất trơn tru. Cán bộ gần dân, hỗ trợ hướng dẫn xử lý tận tình. Kỳ vọng sự xuyên suốt trên sẽ tiếp tục được nhân rộng, hướng tới mục tiêu vì sự phát triển, thịnh vượng.
Thêm một vài hình ảnh PV ghi nhận sáng nay:
Loạt hình ảnh người dân được hướng dẫn tận tình làm hồ sơ, thủ tục (ảnh: P.Sơn-Mỹ Hậu)
Từ sáng sớm, tại trung tâm phục vụ hành chính công phường Phú Nhuận, cán bộ nhân viên đã túc trực từ sớm, hỗ trợ người dân trong công tác làm thủ tục hồ sơ, giấy tờ. (Ảnh: Mỹ Hậu).
Phường Thủ Đức (Tp.HCM) hoạt động theo mô hình 2 cấp từ ngày 1/7. Mọi hoạt động liên quan tới các thủ tục làm hồ sơ, giấy tờ đều trơn tru, mục đích hướng tới phục vụ nhân dân tốt nhất. Trang thiết bị hiện đại được trang bị nhằm số hóa dữ liệu, quá trình hoạt động kiểm soát hồ sơ. (Ảnh: Mỹ Hậu - Nguyễn Lành).
UBND phường Vũng Tàu (Tp.HCM) tổ chức hoạt động chào cờ, triển khai sớm việc tiếp nhận xử lý hồ sơ cho người dân trên địa bàn. Hàng loạt hồ sơ được giải quyết trong sáng sớm, cán bộ nhân viên hỗ trợ người dân nhiệt tình, nhiều trường hợp được chỉ dẫn cụ thể, khai các hồ sơ liên quan tới nhu cầu. (Ảnh Đoàn Vũ).
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại phường Phú Nhuận sáng 1/7. (Video: Mỹ Hậu).
Sau sáp nhập, Tp.HCM sẽ là một "đại đô thị", trung tâm tài chính của cả nước. Theo số liệu của Tổng Cục thống kê (năm 2024) tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành của Tp.HCM đạt gần 1,78 triệu tỷ đồng, tăng 7,17% và dẫn đầu cả nước.
Bình Dương là địa phương phát triển công nghiệp mạnh mẽ, xếp thứ 3 cả nước về GRDP với giá trị đạt 520.205 tỷ đồng năm 2024, tăng 7,78%, chỉ xếp sau Tp.HCM và Hà Nội.
Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu có quy mô GRDP năm 2024 đạt 417.306 tỷ đồng, tăng 11,72%, đứng thứ 6 toàn quốc, nhờ lợi thế về các ngành công nghiệp nặng, cảng biển và dầu khí.
Như vậy, Tp.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là 3 trong 6 địa phương có quy mô nền kinh tế lớn nhất cả nước. Tổng cộng, GRDP của vùng đô thị Tp.HCM sau sáp nhập sẽ vào khoảng 2,71 triệu tỷ đồng, tương đương 114,3 tỷ USD, chiếm gần 24% tổng quy mô GDP cả nước.
Phùng Sơn- Mỹ Hậu