Tại các địa phương khác trên cả nước, kể từ khi vận hành mô hình chính quyền hai cấp, không khí làm việc cũng thể hiện rõ tinh thần đổi mới, luôn lấy hiệu quả phục vụ người dân làm thước đo.
Người dân hài lòng
Chia sẻ với PV, ông Trần Xuân Tây, Chủ tịch UBND phường Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cho biết sau một tuần vận hành chính thức, bộ máy UBND phường cơ bản đã ổn định công tác cán bộ, tổ chức, xây dựng các quy chế làm việc. Đặc biệt địa phương đã ban hành chương trình công tác cho sáu tháng còn lại.
Theo ông Tây, thời gian qua, địa phương cũng tập trung tuyên truyền về tình hình hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp, đồng thời triển khai các nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chuyên môn.
“Tuần đầu tiên chúng tôi gặp một số khó khăn về bố trí cơ sở hạ tầng nhưng đến nay cơ bản đã ổn định. Trung tâm phục vụ hành chính công phường cũng đi vào hoạt động thông suốt, hỗ trợ tốt nhất cho người dân” - ông Tây cho biết.
Công tác giải quyết hồ sơ đã được số hóa giúp giải quyết hồ sơ cho người dân nhanh hơn. Ảnh: XUÂN HOÁT
Là xã miền núi, khó khăn lại nằm cách xa trung tâm, sau một tuần vận hành chính thức, cán bộ UBND xã Trung Khánh Vĩnh cũng đã quen dần với vị trí công tác mới. Bà Cao Thị Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Trung Khánh Vĩnh, phấn khởi nói đến nay mọi vị trí đều vận hành suôn sẻ, bước đầu người dân hài lòng với cán bộ của xã trong công tác giải quyết hồ sơ.
Theo bà Thanh, xã Trung Khánh Vĩnh có diện tích rộng, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống xen kẽ trong cộng đồng. Do vậy, việc tiếp cận các thủ tục hành chính thời gian trước đây mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, sau khi công tác chuyển đổi số được áp dụng triệt để, các cán bộ ở trung tâm phục vụ hành chính công xã tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người dân dễ dàng, nhanh chóng.
“Tuần qua, chúng tôi nhận rất nhiều lời cám ơn của người dân về thái độ phục vụ cũng như giải quyết đúng, nhanh gọn các thủ tục” - bà Thanh nói.
Tuy nhiên, bà cũng cho hay sau khi sáp nhập, xã Trung Khánh Vĩnh đang dùng trụ sở UBND xã Khánh Hiệp (trước sắp xếp), hạ tầng cơ sở chưa đảm bảo. “Trụ sở xã cũ xây dựng từ nhiều năm trước, không gian chật hẹp nên khó khăn trong bố trí nơi làm việc cho cán bộ, công chức” - bà nói.
Cũng theo bà Thanh, một khó khăn nữa của xã Trung Khánh Vĩnh là địa bàn rộng nhưng biên chế cán bộ còn thiếu, trong khi nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn, không có phương tiện để đi lên trung tâm phục vụ hành chính công làm các thủ tục, hồ sơ.
Để khắc phục khó khăn, trước mắt xã đã bố trí “đại lý” ở những địa bàn xã trung tâm để tiếp nhận hồ sơ cho người dân. Đồng thời sử dụng tạm những cán bộ chuyên trách trước đây phụ giúp công việc.
“Bước đầu những “đại lý” này hoạt động hiệu quả, được người dân tin tưởng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời vì còn liên quan đến quyền lợi, lương, thưởng của những cán bộ chuyên trách” - bà Thanh chia sẻ và kiến nghị UBND tỉnh sớm có đề xuất về biên chế cho cán bộ trung tâm phục vụ hành chính công ở những xã nghèo, địa bàn rộng, giúp đảm bảo công tác phục vụ người dân chu đáo, tốt hơn.
Các cán bộ ở Gia Lai đang xem lại hồ sơ, thủ tục của người dân để hỗ trợ xử lý. Ảnh: LÊ KIẾN
Bỏ qua khâu trung gian, hiệu quả rõ rệt
Tại Gia Lai, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo mọi hoạt động thông suốt nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Kết quả bước đầu nhận được phản hồi tích cực, hài lòng từ nhân dân. Tỉnh đã ban hành quy tắc vận hành mới trên toàn hệ thống: Rõ người - rõ việc - rõ sản phẩm - rõ tiến độ - rõ trách nhiệm - rõ thẩm quyền, nhằm khắc phục tình trạng thiếu trách nhiệm trong công việc.
Chia sẻ về hoạt động của bộ máy mới, ông Đặng Toàn Thắng, Chủ tịch UBND phường Pleiku, cho biết mọi hoạt động của địa phương tuần qua rất tốt. Các hồ sơ xử lý đúng hẹn, gửi đúng cho các cơ quan có liên quan và thủ tục hành chính vận hành thông suốt, ổn định.
Theo ông Thắng, mặc dù ban đầu có chút bỡ ngỡ trong khâu vận hành nhưng chưa có trục trặc, vướng mắc gì xảy ra. So với trước đây, trung tâm phục vụ hành chính công của phường hiện vận hành nhanh chóng, hiệu quả hơn rất nhiều. Trong đó, hiệu quả khác biệt và rõ rệt nhất là giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới, người dân ở phường Pleiku có thể được giải quyết các thủ tục ngay tại phường Quy Nhơn, cách xa hơn 160 km.
Tương tự, ông Võ Phúc Ánh, Bí thư phường Hội Phú, chia sẻ nói dù còn bỡ ngỡ nhưng mọi hoạt động của địa phương diễn ra rất suôn sẻ. Trung tâm Phục vụ hành chính công đã hoạt động ổn định, người dân rất mừng, phấn khởi vì khâu thủ tục nhanh hơn. Địa phương đang vận hành và từng bước hoàn thiện để mọi hoạt động được trơn tru, hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Tạ Anh Tuấn (ngoài cùng bên phải) tại trung tâm phục vụ hành chính công phường Buôn Ma Thuột. Ảnh: HT
Tại Đắk Lắk, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Văn Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Tân Lập, cho biết qua một tuần hoạt động đơn vị hành chính hai cấp, về cơ bản công tác phục nhân dân của phường đều đảm bảo thông suốt, không bị gián đoạn.
Dù vậy, ông Vũ Văn Hưng đánh giá đội ngũ cán bộ của phường hiện nay đến từ nhiều đơn vị nên cần thời gian tập huấn để có sự đồng bộ. Ban đầu vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất như trụ sở, phòng ốc vẫn chưa được ổn định. Hiện Đảng ủy, UBND vẫn còn làm hai nơi, khi triệu tập họp phải di chuyển nhiều...
Trong khi đó, ông Lê Xuân Thuận, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết trong tuần đầu tiên công việc đều diễn ra thuận lợi. Trước khi vận hành đơn vị hành chính hai cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông (cũ) đã có định hướng cụ thể. Do đó, kể từ ngày 1-7, xã đã họp Ban Thường vụ, Ban chấp hành, HĐND... để có hướng triển khai công việc.
XUÂN HOÁT - LÊ KIẾN - VŨ LONG