Lên xã làm thủ tục từ 7h sáng
Sáng 1/7, nhiều người dân đã mặt tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Bà Nà, nơi vừa chính thức thành lập xã Bà Nà theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Ông Nguyễn Tham (73 tuổi, thôn Phú Hòa) đã có mặt tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Bà Nà từ 7h sáng để chỉnh sửa thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Nguyễn Tham đang được cán bộ hỗ trợ tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Bà Nà.
"Tôi rất vui mừng khi là người đầu tiên đến làm việc với chính quyền xã mới. Cán bộ ở đây hướng dẫn tận tình, vui vẻ. Mong rằng bộ máy mới này sẽ phục vụ dân tốt hơn, nhanh hơn", ông Tham nói rồi chỉ vào cuốn sổ đỏ đang cầm. "Tôi chỉ cần bổ sung hồ sơ đo đạc là hoàn tất".
Ông Tham hy vọng: Xã mới phải là "hình mẫu cho cách làm mới", phù hợp với chủ trương sáp nhập cấp xã, cấp tỉnh đang được Trung ương triển khai. "Người dân chúng tôi sẵn sàng ủng hộ nếu chính quyền thực sự vì dân, vì sự phát triển lâu dài", ông chia sẻ.
Người dân được cán bộ hỗ trợ nhiệt tình.
Cùng thời điểm đó, ông Đỗ Đức Lâm (thôn Thái Lai) cũng đến Trung tâm để làm lại giấy khai sinh. "Tôi đợi đến ngày 1/7 để làm vì muốn thủ tục gọn hơn. Giờ xã, phường đều có đầy đủ bộ phận xử lý, không cần đi lên huyện như trước", ông Lâm nói.
Theo ông Nguyễn Văn Bửu, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công xã Bà Nà, trong sáng 1/7, có khoảng 13 lượt người đến làm việc. Các thủ tục chủ yếu liên quan đến đất đai, hộ tịch, công chứng. "Trung tâm đã bố trí đầy đủ thiết bị, nhân sự và có đội ngũ hướng dẫn tại chỗ để giúp người dân hoàn thiện hồ sơ. Dù là ngày đầu, khối lượng công việc tăng, nhưng mọi thứ vẫn vận hành trơn tru", ông Bửu cho hay.
Người dân hài lòng với thái độ nhiệt tình, tận tâm của cán bộ trong ngày đầu vận hành chính quyền 2 cấp.
Trung tâm này đặt tại trụ sở cũ của xã Hòa Nhơn, một công trình được đầu tư từ năm 2021, nên cơ sở vật chất đáp ứng tương đối tốt nhu cầu làm việc của chính quyền mới.
Bí thư xã Bà Nà, ông Phan Văn Tôn, chia sẻ, công tác chuẩn bị cho bộ máy chính quyền xã mới đã được thực hiện kỹ lưỡng nhiều tháng qua. "Tư tưởng cán bộ ổn định, người dân đồng thuận, nên quá trình chuyển giao rất thuận lợi. Đội ngũ cán bộ được đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu mới: gần dân, sát dân và giải quyết nhanh hồ sơ hành chính".
Nhiều người dân đến làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Bà Nà.
Ông Tôn cho biết, trong giai đoạn 2025–2030, xã Bà Nà sẽ tập trung cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tinh gọn quy trình, nâng cao chất lượng phục vụ để tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Hướng dẫn tận tình
Không chỉ ở vùng núi Bà Nà, tại trung tâm thành phố, không khí cũng sôi động không kém. Tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hòa Khánh, từ sáng sớm đã có đông đảo người dân xếp hàng chờ đến lượt.
Đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân vào sáng 1/7 tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hòa Khánh.
Bà Trương Thị Thanh Vân (trú phường Hòa Khánh) cho biết, bà đến từ 8h sáng để làm thủ tục sang tên giấy tờ đất. Tuy nhiên, vì không quen sử dụng thiết bị điện tử, bà lúng túng khi thao tác trên máy lấy số thứ tự. "Lúc đó may có cán bộ đến tận nơi, hướng dẫn tận tình", bà Vân chia sẻ.
Người dân đến làm việc tại phường Hòa Khánh.
Ông Trần Văn Thể, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết, hiện có 7 quầy phục vụ tại chỗ, trong đó 2 quầy dành riêng cho lĩnh vực đất đai. Trong ngày đầu thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, lượng hồ sơ từ quận chuyển về phường rất lớn.
"Chúng tôi đã bố trí thêm đoàn viên thanh niên, lực lượng hỗ trợ cho người già, người không có điện thoại, người khuyết tật...", ông Thể nói.
Ghi nhận tại xã Bà Nà và phường Hòa Khánh, đại diện cho khu vực miền núi và nội thành Đà Nẵng, cho thấy hiệu quả bước đầu của mô hình chính quyền 2 cấp: người dân hài lòng hơn, cán bộ chủ động hơn, thủ tục hành chính vận hành đồng bộ hơn.
Một số thủ tục như: khai sinh, khai tử, chứng thực... được giải quyết và trả kết quả ngay trong ngày. Đây là giải pháp nhằm tránh gián đoạn, cắt khúc các chuỗi thủ tục hành chính vốn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân.
Việc sáp nhập các xã, phường tại Đà Nẵng nhằm hiện thực hóa mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Ghi nhận tại xã Bà Nà và phường Hòa Khánh, 2 địa điểm đại diện cho khu vực miền núi và nội thành Đà Nẵng, cho thấy hiệu quả bước đầu của mô hình mới: người dân hài lòng hơn, cán bộ chủ động hơn, hệ thống xử lý hồ sơ đồng bộ hơn.
Nguyễn Duy Cường