Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đe dọa ngành sản xuất vũ khí Hoa Kỳ

Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đe dọa ngành sản xuất vũ khí Hoa Kỳ
một ngày trướcBài gốc
Máy bay chiến đấu tham gia cuộc tập trận chung Hàn Quốc - Mỹ Lá chắn tự do tại Hàn Quốc, ngày 8/3/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Chính sách thuế quan đầy tham vọng của cựu Tổng thống Donald Trump không chỉ gây ra những xáo trộn sâu rộng trong nền kinh tế toàn cầu mà còn đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của chính Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất vũ khí, theo báo Politico mới đây.
Nguồn tin trên lưu ý, kế hoạch thuế quan của ông Trump, nếu được thực hiện theo đúng lộ trình, có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp mà Lầu Năm Góc đã dày công xây dựng trong nhiều thập kỷ. Hậu quả là, chi phí sản xuất vũ khí của Hoa Kỳ có thể tăng vọt, đồng thời làm phức tạp thêm các nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, điển hình như dự án hợp tác đóng tàu ngầm hạt nhân giữa Hoa Kỳ, Anh và Australia (AUKUS).
Theo chia sẻ của hàng chục nhà ngoại giao, nhà lập pháp, quan chức và chuyên gia trong ngành công nghiệp quốc phòng, cách tiếp cận đơn phương của Hoa Kỳ, đi kèm với những đe dọa thuế quan trên diện rộng, có thể khiến các đối tác lâu năm của Washington trở nên hoài nghi và tìm kiếm sự hợp tác ở những nơi khác. Điều này sẽ làm suy yếu một ngành công nghiệp vốn là trụ cột trong việc trang bị vũ khí cho phần lớn thế giới, phá vỡ lòng tin và sự ổn định trong mối quan hệ quốc phòng toàn cầu, một yếu tố từ lâu đã mang lại lợi ích to lớn cho cả Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này.
Một nhà ngoại giao từ một quốc gia thành viên NATO, nói trong điều kiện giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề, cho biết: “Chúng tôi có những yêu cầu riêng và chúng tôi sẽ làm những gì có ý nghĩa với chúng tôi. Chúng tôi thực sự đang xem xét những gì chúng tôi cần phát triển trong nước”.
Tổng thống Trump đang coi kế hoạch thuế quan của mình là một bước ngoặt nhằm cân bằng cán cân thương mại và mang lại nguồn thu đã mất cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chính sách này lại tiềm ẩn nguy cơ phá hỏng những cam kết khác của ông, đó là biến Hoa Kỳ trở thành một cường quốc công nghiệp và kiềm chế sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trong sắc lệnh hành pháp công bố các mức thuế quan, Nhà Trắng tuyên bố rằng Hoa Kỳ cần sản xuất các bộ phận “mà không phụ thuộc quá mức vào nhập khẩu các đầu vào quan trọng”. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa mục tiêu này trên thực tế phức tạp hơn rất nhiều so với việc viết ra trên giấy tờ.
Lầu Năm Góc đã đầu tư nhiều thập kỷ để xây dựng, tài trợ và duy trì một mạng lưới các nhà cung cấp và công ty trên toàn cầu. Việc không có bất kỳ sự miễn trừ nào cho lĩnh vực quốc phòng có thể khiến chính quyền Trump vô tình phá hủy phần lớn thành quả này, đồng thời gây ra sự chậm trễ trong quá trình sản xuất vũ khí cho cả quân đội Hoa Kỳ và các quốc gia mua vũ khí của Washington.
Bill Greenwalt, cựu quan chức mua sắm của Lầu Năm Góc, cảnh báo: “Sẽ có tình trạng thiếu hụt vật tư, trả đũa lẫn nhau, và các đồng minh cùng các đối tác khác của chúng tôi sẽ đáp trả. Một số vật tư quan trọng tiềm tàng sẽ có giá cao hơn rất nhiều so với giá hiện tại hoặc sẽ không có sẵn".
Các mức thuế quan toàn cầu, từ 20% đối với hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) đến 10% đối với hàng hóa từ Anh và Australia, cũng có khả năng gây ra những xáo trộn lớn trong các mối quan hệ hợp tác quốc phòng vốn được coi là những liên doanh thành công. Điển hình là chương trình máy bay chiến đấu F-35, một dự án hợp tác độc đáo với sự tham gia của 20 quốc gia, được thiết kế để các nước tham gia có thể trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất. Các dự án quan trọng khác về tên lửa và phòng không với Na Uy và Israel cũng có thể bị ảnh hưởng.
Những dự án này, cùng với nhiều dự án khác, đóng vai trò then chốt đối với quốc phòng ở cả châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi các đồng minh đang chạy đua để ứng phó với cuộc xung đột Nga - Ukraine và một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Mối quan hệ đối tác được xây dựng dựa trên nhiều năm đàm phán và thỏa thuận với Washington giờ đây đang bị đặt dấu hỏi lớn.
Một quan chức châu Âu chia sẻ: “Chúng tôi từng trông cậy vào Hoa Kỳ để có được thiết bị tốt nhất. Nhưng năng lực công nghiệp của châu Âu đã được cải thiện đáng kể và chúng tôi muốn trở thành nhà cung cấp an ninh, không chỉ là người tiêu dùng”. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia châu Âu sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào sản xuất trong nước để giảm sự phụ thuộc vào các bộ phận và vật tư của Hoa Kỳ cho vũ khí.
Một sáng kiến đầy hứa hẹn khác thời chính quyền Biden, dự án AUKUS nhằm hợp tác chế tạo tàu ngầm hạt nhân và chia sẻ công nghệ giữa Australia, Anh và Hoa Kỳ, cũng có nguy cơ đổ vỡ nếu chi phí linh kiện tăng quá cao do thuế quan.
Ông Greenwalt nhận định: “Có rất nhiều hiệu ứng lan tỏa. Các nhà thầu có thể được yêu cầu chịu chi phí tăng thêm và họ có thể cố gắng phát triển các nhà cung cấp trong nước với chi phí thấp hơn, nhưng điều đó sẽ mất nhiều năm. Bạn không thể ‘búng tay’ một cái để mạng lưới cung ứng sẽ tự động điều chỉnh lại. Phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc”.
Chính quyền Trump hy vọng sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn trong nước bằng cách sản xuất các bộ phận nhập khẩu cho vũ khí ngay tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các công ty có thể sẽ không có đủ lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu này. Ngành công nghiệp quốc phòng đã phải vật lộn trong nhiều năm để thu hút nhân viên do sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất khác và sự phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ, nơi thường trả lương cao hơn và có công việc ổn định hơn.
Dak Hardwick, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của Hiệp hội Công nghiệp Hàng không Vũ trụ, cho biết tại một cuộc họp của các giám đốc điều hành quốc phòng Hoa Kỳ và châu Âu: “Đơn giản là không có đủ nhân sự trong ngành hàng không vũ trụ và quốc phòng để đáp ứng nhu cầu hiện tại”.
Về phần mình, Thượng nghị sĩ Mark Kelly, thành viên cấp cao của Ủy ban Quân lực Thượng viện Hoa Kỳ, lưu ý rằng chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp đến mức một số sản phẩm quốc phòng phải vượt biên giới nhiều lần trong quá trình chế tạo và lắp ráp, khiến mỗi lần lại phải chịu thêm nhiều mức thuế quan. Ông cho biết: “Giá cả sẽ tăng lên và giá mà Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phải trả cũng sẽ tăng lên". Bang Arizona của ông Kelly thu về hơn 14,5 tỷ USD từ các hợp đồng với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vào năm ngoái.
Các nhóm doanh nghiệp cũng đang kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng nhận được sự ưu tiên chiến lược để tránh chi phí cao hơn cho Lầu Năm Góc, gián đoạn chuỗi cung ứng quan trọng và không đáp ứng được các cam kết an ninh quốc gia. Keith Webster, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và Hàng không vũ trụ của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, nhận định: “Cơ sở công nghiệp quốc phòng của chúng tôi trong nhiều thập kỷ đã được xây dựng trên chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong trường hợp này, chính phủ liên bang là người tiêu dùng, vì vậy chi phí của họ sẽ tăng”.
Một số nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa cũng đang thúc đẩy việc miễn trừ thuế quan cho ngành quốc phòng. Thượng nghị sĩ Kevin Cramer, đồng Chủ tịch của Nhóm Hiện đại hóa Quốc phòng, người ủng hộ việc đưa sản xuất về trong nước, cho biết: “Tôi biết rằng mục tiêu cuối cùng là đưa mọi thứ trở lại Hoa Kỳ. Nhưng ngay cả khi làm như vậy, việc đưa sản xuất trở lại sẽ tốn kém hơn so với việc nhập khẩu không phải chịu thuế".
Những thực tế mới trên đang dần trở nên rõ ràng đối với các đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ, những người ngày càng tập trung vào việc tìm ra cách tăng cường năng lực quốc phòng của riêng mình. Một quan chức NATO thừa nhận: “Chúng ta phải học hỏi từ điều này. Bây giờ là lúc thực hiện”.
Công Thuận/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/quan-su/chinh-sach-thue-quan-cua-tong-thong-trump-de-doa-nganh-san-xuat-vu-khi-hoa-ky-20250406135218097.htm