Giao thông thuận tiện là một trong những lợi thế kết nối cho Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình thực hiện chủ trương sáp nhập. Trong ảnh: Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy song song với đường Võ Nguyên Giáp.
Thành phố Hồ Chí Minh mới sẽ có diện tích khoảng 6.772 km², dân số hơn 13,7 triệu người với 168 đơn vị hành chính cấp xã. Năm 2024, tổng GRDP của ba địa phương cộng lại đạt 2,71 triệu tỷ đồng, tương đương gần 24% GRDP cả nước. Đây là nền tảng quan trọng để thành phố mở rộng vươn mình trở thành một siêu đô thị hiện đại, đóng vai trò đầu tàu kinh tế.
Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là việc thống nhất quy hoạch phát triển. Hiện, mỗi địa phương đều đang có định hướng riêng. Thành phố Hồ Chí Minh, trong quy hoạch 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 xác định mục tiêu trở thành trung tâm tài chính, kinh tế quốc tế, xây dựng đô thị thông minh, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Các dự án hạ tầng lớn như Vành đai 3, Vành đai 4, các trục xuyên tâm cùng quy hoạch đô thị hai bên sông Sài Gòn và hướng ra biển đang được thúc đẩy nhằm xây dựng mô hình đô thị đa trung tâm. Đến năm 2030, thành phố phấn đấu GRDP bình quân đầu người đạt từ 13.000- 14.000 USD/năm.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với lợi thế biển, định hướng phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, logistics, công nghiệp xanh, du lịch và năng lượng tái tạo; phấn đấu đến năm 2030 đạt thu nhập bình quân 14.000 USD/người/ năm. Bình Dương, với nền công nghiệp phát triển mạnh và tốc độ đô thị hóa cao, hướng tới trở thành thành phố thông minh hàng đầu khu vực Đông Nam Bộ vào năm 2050 với mục tiêu kinh tế số đóng góp ít nhất 30% ngân sách địa phương.
Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 22, Hội đồng nhân dân thành phố khóa X, các đại biểu đánh giá việc kết nối giao thông giữa ba địa phương đang tạo thuận lợi lớn cho quy hoạch không gian đô thị, kinh tế; đồng thời mở ra nhiều phương án giãn dân, phát triển đô thị mới. Về quản trị hành chính, quá trình chuyển đổi số tại các địa phương cũng đạt nhiều kết quả tích cực, tạo nền tảng cho việc hợp nhất bộ máy vận hành trong tương lai gần.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương đã có quy hoạch tổng thể dựa trên thế mạnh riêng. Tuy nhiên, sự khác biệt trong định hướng phát triển, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng số có thể gây chồng chéo, thiếu đồng bộ nếu không tích hợp hợp lý. Yêu cầu đặt ra là phải xây dựng quy hoạch tích hợp, quản trị thống nhất, làm nền tảng cho sự bứt phá mạnh mẽ của thành phố mới.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98 nhận định, việc sáp nhập ba địa phương sẽ tạo ra hiệu ứng cộng hưởng theo cấp số nhân, đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một siêu đô thị lớn của khu vực. Cần mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết 98 cho cả khu vực mới sáp nhập, đồng thời tổ chức lại quy hoạch không gian phát triển đô thị và dân cư một cách bền vững. Bà Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế-xã hội cũng cho rằng, thành phố mới cần đánh giá toàn diện tiềm năng, xác định rõ mục tiêu tăng trưởng. Dịch vụ, công nghiệp, năng lượng tái tạo và công nghệ sinh học sẽ là những ngành kinh tế trụ cột. Đồng thời phải chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với thách thức về quá tải hạ tầng, nhà ở và ô nhiễm môi trường trên quy mô lớn hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế, thành phố mới mang sứ mệnh trở thành siêu đô thị quốc tế dẫn dắt khu vực và là trung tâm liên kết phát triển với các vùng lân cận; sẽ là hạt nhân, động lực lan tỏa mạnh mẽ cho cả khu vực. Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố sau sáp nhập phải phát huy tối đa nguồn nhân lực, đồng bộ hóa quy hoạch phát triển, kế thừa và nâng cấp hệ thống pháp lý, thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Bài và ảnh: QUANG QUÝ