Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo!

Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo!
2 ngày trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Washington kỳ vọng các quốc gia khác sẽ hạ thuế quan và các rào cản thương mại khác mà họ cho là đã dẫn đến mất cân bằng thương mại 1.200 tỷ USD vào năm 2024. Chính sách thuế quan mới của Mỹ có khả năng phá vỡ trật tự thương mại tự do toàn cầu, tạo ra cuộc đua thuế quan giữa các nền kinh tế, làm giá cả hàng hóa tăng cao.
Trong sóng to, gió lớn, không ngã tay chèo! Cho dù kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, tăng trưởng kinh tế nước ta vẫn đạt kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 6,93% so cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025.
Cố nhiên kết quả này vượt mục tiêu đề ra, nhưng mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 hơn 8% vẫn là một thách thức rất lớn.
Vì sao chúng ta đạt được kết quả đó? Một nguyên nhân rất quan trọng thúc đẩy GDP tăng cao là do sản xuất công nghiệp trong quý I tiếp tục khởi sắc, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chủ yếu (đóng góp tới 2,33 điểm phần trăm vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế). Cùng với công nghiệp, sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức 3,74%; chăn nuôi phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát; sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng do đẩy mạnh nuôi siêu thâm canh, tăng cường ứng dụng công nghệ cao.
Điểm đáng chú ý là giải ngân đầu tư công chuyển biến tích cực, với mức tăng 19,8%, góp phần tạo động lực tăng trưởng. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh với kim ngạch hàng hóa tăng 10%, dịch vụ tăng 18%. Nhờ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, đã vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát tốt lạm phát. Mặc dù bức tranh kinh tế có nhiều điểm sáng nhưng tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang diễn biến rất phức tạp.
Trong điều kiện khó khăn, thách thức rất lớn, càng phải nỗ lực phấn đấu, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và văn hóa người Việt Nam. Bình tĩnh, xử lý với tinh thần sáng tạo, linh hoạt, nhưng phải hiệu quả, đồng thời sẵn sàng đàm phán, chia sẻ với các đối tác, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng với các khu vực khác.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong lúc này và cũng là hướng lâu dài, chúng ta cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ, mở rộng thị trường sang châu Á, nhất là các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, rồi khu vực Trung Đông, châu Phi và đặc biệt là các nước trong khối RCEP.
Tiếp tục thúc đẩy thị trường nội địa.Kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua các gói hỗ trợ tài chính, khuyến khích tiêu dùng nội địa, với phương châm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị phần. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.Chuyển dịch từ gia công sang sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, tăng giá trị gia tăng.
Đương nhiên, tiến hành đàm phán song phương và đa phương trên tinh thần cầu thị. Chủ động làm việc với Mỹ để giảm căng thẳng thương mại, chứng minh không có hành vi thao túng hay trợ giá không công bằng. Tận dụng kênh ngoại giao, WTO, các tổ chức quốc tế để bảo vệ lợi ích hợp pháp.
Tạo có hội và tìm cơ hội thu hút thêm vốn FDI, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ chất lượng cao.
Trước mắt, để bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông phân phối hàng hóa dịch vụ, nhất là các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát giá cả các mặt hàng thiết yếu như lượng thực, thực phẩm, xăng dầu, gas… để có giải pháp điều hành phù hợp, chủ động chuẩn bị nguồn hàng, nhằm hạn chế việc tăng giá; có biện pháp khả thi giữ bình ổn giá.
Tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, coi đây là giải pháp cốt lõi,là một trong các động lực quan trọng trong năm 2025 để thúc đẩy tổng cầu, dẫn dắt thu hút đầu tư của khu vực tư nhân, kích hoạt và thu hút các nguồn lực xã hội hướng đến hỗ trợ tăng trưởng trong tình hình kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn thách thức.
Các đơn vị tiếp tục tập trung phân bổ xong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 cho các dự án/công trình. Triển khai thực hiện ngay các dự án đã được giao kế hoạch vốn, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, công trình chuyển tiếp. Hạn chế đến mức thấp nhất việc phải điều chỉnh trong quá trình triển khai thực hiện. Cảnh báo sớm các điểm nghẽn, khó khăn, báo cáo cấp có thẩm quyền để có giải pháp tháo gỡ.
Bảo đảm tiến độ các dự án trọng điểm, nhất là các dự án giao thông hạ tầng lớn có tính lan tỏa như các đường vành đai, đường cao tốc, tuyến metro. Ngay trong tháng 4 này, Chính phủ sẽ tổ chức lễ khởi công, khánh thành trực tuyến đồng thời trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam các công trình, dự án quan trọng và các công trình lớn để chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (dự kiến vào ngày 19/4/2025).
Ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng phải có chọn lọc, nhất là các ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ. Thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, như bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, logistics...
Dẫu phải đối mặt với những đợt “sóng lớn” mang tên thuế quan trừng phạt, chúng ta vẫn bình tĩnh, vững tay chèo lái trên con thuyền hội nhập. Với tinh thần chủ động thích ứng và niềm tin vào nội lực, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua thử thách, tìm thấy “cơ” trong “nguy”, biến áp lực thành động lực để tiếp tục vươn khơi, khẳng định vị thế trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Hải Đường
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/cho-thay-song-ca-ma-nga-tay-cheo-726094.html