'Chữ ký của chúng tôi đã mang theo máu và hy vọng'

'Chữ ký của chúng tôi đã mang theo máu và hy vọng'
10 giờ trướcBài gốc
Trưng bày chuyên đề Non sông liền một dải khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày 22.4, giới thiệu 150 tài liệu, hiện vật vô giá.
Thanh niên trong phong trào “Năm xung phong” ở vùng giải phóng miền Nam, lấy vai làm cầu chuyển thương binh qua sông trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
Để cảm nhận giá trị của hòa bình
TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia khẳng định, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là kết quả của quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ suốt 21 năm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Trưng bày chuyên đề Non sông liền một dải giới thiệu gần 150 tài liệu, hiện vật tiêu biểu, thể hiện khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân ta, với đường lối đúng đắn, sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời động viên, phát huy cao độ sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc, tiền tuyến lớn miền Nam, cùng sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp, từng bước đánh thắng kẻ thù, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Nhiều tư liệu, hiện vật quý đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã hiện diện tại trưng bày, một lần nữa mang đến những xúc cảm nghẹn ngào.
50 năm toàn thắng về ta, có mặt tại trưng bày Non sông liền một dải, được gặp lại ký ức của một quãng đời quý giá, đặc biệt là dấu son lịch sử tái hiện khoảnh khắc đất nước ta hoàn toàn thống nhất, trong tôi sống dậy rất nhiều cảm xúc.
Lẽ ra trong dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, cả bốn người lính xe tăng 390 sẽ cùng có mặt tại Dinh Độc Lập như năm nào. Thế nhưng, pháo thủ Lê Văn Phượng đã không còn kịp chờ đến ngày ấy…
(CCB NGÔ SỸ NGUYÊN, pháo thủ số 1 có mặt trên chiếc xe tăng mang số hiệu 390)
Bồi hồi đứng lặng trong không gian triển lãm, cựu chiến binh Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ số 1 có mặt trên chiếc xe tăng mang số hiệu 390, thuộc Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 nhận lệnh tiến vào Dinh Độc Lập, cứ điểm cuối cùng của chính quyền Sài Gòn vào trưa 30.4.1975, nói: “50 năm toàn thắng về ta, có mặt tại trưng bày Non sông liền một dải, được gặp lại ký ức của một quãng đời quý giá, đặc biệt là dấu son lịch sử tái hiện khoảnh khắc đất nước ta hoàn toàn thống nhất, trong tôi sống dậy rất nhiều cảm xúc. Lẽ ra trong dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, cả bốn người lính xe tăng 390 sẽ cùng có mặt tại Dinh Độc Lập như năm nào. Thế nhưng, pháo thủ Lê Văn Phượng đã không còn kịp chờ đến ngày ấy…”, ông Nguyên nghẹn ngào.
Ôn lại từng khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng, với ông Ngô Sỹ Nguyên, thời gian có lẽ không thể xóa mờ những ký ức ấy.
Ông trùng giọng: “Từng hiện vật, hình ảnh được trưng bày ở đây đều mang đến cho chúng ta một cảm nhận về giá trị của hòa bình, của cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó là một giá trị rất đắt, vì để có được hàng triệu người đã ngã xuống, hàng vạn người bị thương, hàng nghìn người nhiễm chất độc da cam, với nỗi đau thế kỷ vẫn âm ỉ. Nhìn vào từng hiện vật, chúng ta sẽ càng thấy biết ơn thế hệ cha anh đi trước, quyết tâm phấn đấu, rèn luyện và tu dưỡng, phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển đất nước…”.
Hiện vật “Đơn tình nguyện về Nam chiến đấu” được ký bằng máu
Những hiện vật kể chuyện chiến trường
“Trưng bày Non sông liền một dải giúp công chúng tiếp cận với những tư liệu, hiện vật tiêu biểu, quý giá đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Thông qua đó, khơi dậy trong mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ niềm tự hào, ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, với khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước…”, TS Nguyễn Văn Đoàn nhấn mạnh.
150 tài liệu, hiện vật vô giá, tái hiện lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến ngày thống nhất non sông được trưng bày với 3 chủ đề: Khát vọng thống nhất; Nước Việt Nam là một - Dân tộc Việt Nam là một; Non sông liền một dải.
Ông Hồ Việt Hà (nguyên cán bộ Bộ VHTTDL) đứng hồi lâu bên những hiện vật kể câu chuyện chiến đấu và chiến thắng của dân tộc: “Tôi đã lớn lên và chứng kiến những dấu ấn lịch sử của dân tộc, đặc biệt ở những phút giây người dân Hà Nội đứng hai bên đường nghe tin quân ta chiến thắng ở từng địa danh, vỡ òa niềm sung sướng. Vì thế, ở triển lãm này, tôi như được sống lại những khoảnh khắc thiêng liêng của dân tộc, vô cùng xúc động”.
Nhiều khách tham quan nghẹn lòng dừng bước trước những lá đơn tình nguyện, quyết tâm thư viết bằng máu của những chàng trai, cô gái tuổi đời chưa đến đôi mươi.
Như đơn tình nguyện về Nam chiến đấu của những chàng trai trẻ viết: “Theo lời kêu gọi của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam - Tiếng gọi của những người mẹ, người cha, người anh, người chị… thân yêu, và cũng chính là sự thôi thúc của mỗi trái tim chúng tôi; chúng tôi, những học sinh miền Nam hiện đang làm việc tại nhà máy xe lửa Gia Lâm đồng lòng tình nguyện xin về Nam chiến đấu, nguyện cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp giải phóng quê hương yêu dấu. Lời tình nguyện của chúng tôi chính là ước mơ duy nhất mà hơn 10 năm nay chúng tôi đã và đang ôm ấp. Chữ ký của chúng tôi đã mang theo máu và hy vọng…”.
Rất nhiều tâm thư cảm động như thế đã lấy đi nước mắt người xem ở triển lãm này.
Nhiều hình ảnh hiện vật thu hút người xem
Bên cạnh đó còn là nhiều hình ảnh mang đến cảm xúc khó nói nên lời, như: Thanh niên trong phong trào “Năm xung phong” ở vùng giải phóng miền Nam, lấy vai làm cầu chuyển thương binh qua sông trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” của học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; đồng bào miền Nam đấu tranh phản đối chính quyền Mỹ - Diệm đòi quyền tự do dân chủ; Cô gái làng hoa Ngọc Hà tưới hoa bên xác máy bay B52 của Mỹ bị bắn rơi trong những ngày cuối tháng 12.1972…
Đặc biệt, dấu ấn không phai nhòa sau nửa thế kỷ là cảm xúc mỗi lần nhìn lại bức hình Mẹ con ngày gặp lại, tác giả Lâm Hồng Long. Bức hình ghi lại khoảnh khắc anh Lê Văn Thức, tử tù Côn Đảo gặp lại mẹ là bà Trần Thị Bính ra đón lúc 9h45 ngày 5.5.1975 tại bến Rạch Dừa, Vũng Tàu.
“Sinh ra và lớn lên trong hòa bình, nhưng thông điệp từ bức ảnh dường như mang một giá trị vượt không gian và thời gian, để thế hệ trẻ hôm nay thấy rằng mình cần phải sống sao cho thật có ích”, Đỗ Phương Linh, sinh viên Đại học Luật Hà Nội bày tỏ.
Níu bước người xem còn là vô số những hiện vật kể câu chuyện chiến đấu và chiến thắng. Đó là những vỏ đạn ghi dấu chiến công bắn rơi máy bay, tàu biệt kích Mỹ; chiếc chuông của ca nô tại bến phà Ghép (Thanh Hóa); xẻng của Tổ thanh niên xung phong quân khu Vĩnh Linh dùng tham gia đào hầm, địa đạo năm 1960; cuốc chim, dụng cụ làm đường của 10 cô gái thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), hy sinh ngày 24.4.1968; chiếc mũ rơm của nữ dân quân thuộc Trung đội nữ dân quân xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, Trung đội nữ dân quân đầu tiên bắn rơi máy bay phản lực Mỹ bằng súng bộ binh, tháng 6.1967…
Một nội dung quan trọng tại trưng bày là phần giới thiệu về đường lối, quyết sách sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo quân dân Việt Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; sự ủng hộ, chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam; sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam; với các tài liệu, hiện vật tiêu biểu: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 5-10.9.1960; Lễ thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Tân Lập, Châu Thành, Tây Ninh, ngày 20.12.1960; Nhân dân Củ Chi (Sài Gòn) đồng khởi phá ấp chiến lược của Mỹ - Ngụy, năm 1960…
Chủ đề Non sông liền một dải giới thiệu những thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước với nhiều hiện vật, hình ảnh mang đến cảm xúc cho người xem: Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 (từ ngày 18.12.1974 đến 8.1.1975); Quân giải phóng tiến công làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, ngày 10.3.1975; Quân giải phóng tiến qua cầu Tràng Tiền giải phóng TP Huế, ngày 26.3.1975; Quân giải phóng hoàn toàn làm chủ TP Đà Nẵng, ngày 29.3.1975; Quân giải phóng hành quân thần tốc vượt eo biển miền Trung tiến về Sài Gòn, ngày 9.4.1975.
Đặc biệt là hình ảnh Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào đánh chiếm Dinh Tổng thống ngụy Sài Gòn, ngày 30.4.1975; Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay trên Dinh Tổng thống ngụy Sài Gòn, 11 giờ 30 phút ngày 30.4.1975.
“Trưng bày giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về khát vọng hòa bình, ý chí thống nhất, tình đoàn kết gắn bó keo sơn không thể chia cắt giữa hai miền Nam - Bắc trong lịch sử, ngày hôm nay cũng như mãi mãi về sau”, TS Nguyễn Văn Đoàn khẳng định. Trưng bày mở cửa từ ngày 22.4 đến tháng 8.2025.
PHƯƠNG ANH
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/chu-ky-cua-chung-toi-da-mang-theo-mau-va-hy-vong-129139.html