Phát biểu tại hội nghị công nghệ Beyond Expo ở Macau (Trung Quốc) vào 24.5, ông Tsai cũng ngầm chỉ trích cuộc chiến thương mại dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi nói rằng: “Một số chính phủ đang cố gắng phá bỏ cây cầu mà chúng ta đã xây dựng giữa châu Á và phần còn lại của thế giới”.
Ông Tsai chia sẻ tại hội nghị: “Thực tế có rất nhiều hoạt động kinh doanh và hợp tác giữa các quốc gia Đông Á, giữa Đông Á và Đông Nam Á, và cuối cùng là Nam Á”, đồng thời nhấn mạnh rằng châu Âu là “một cơ hội tuyệt vời” đối với các công ty châu Á.
Các mảng kinh doanh cốt lõi của Alibaba đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ căng thẳng kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Cổ phiếu của công ty đã sụt giảm trong tuần qua sau khi New York Times đưa tin chính quyền Trump từng bày tỏ quan ngại về khả năng Apple Inc. ký kết thỏa thuận AI với gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc – một chiến thắng quan trọng đối với Alibaba có trụ sở tại Hàng Châu.
Mặc dù Apple chưa công bố bất kỳ thông tin nào liên quan đến thỏa thuận hợp tác nói trên, ông Tsai đã xác nhận quan hệ hợp tác từ đầu năm nay. Tuy nhiên, chủ tịch Alibaba không nói rõ liệu Alibaba có trở thành nhà cung cấp AI độc quyền cho Apple tại Trung Quốc hay không.
Một đối tác nội địa có thể giúp Apple hồi sinh doanh số iPhone tại Trung Quốc, vốn đang sa sút trong khi các đối thủ như Huawei tiến nhanh với các dòng smartphone tích hợp AI. Apple đến nay vẫn chưa cung cấp đầy đủ các tính năng AI của mình tại Trung Quốc do các quy định yêu cầu phải hợp tác với một công ty nội địa được cấp phép.
Hoạt động thương mại điện tử của Alibaba cũng bị ảnh hưởng bởi quyết định của chính quyền Trump về việc xóa bỏ lỗ hổng thuế quan đối với các kiện hàng nhỏ từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc).
Kết quả kinh doanh đáng thất vọng công bố vào tuần trước đã khiến cổ phiếu của Alibaba lao dốc mạnh nhất trong hơn một tháng qua. Giới đầu tư ngày càng lo ngại liệu gã khổng lồ thương mại điện tử này có thể vượt qua tình trạng trì trệ kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc và tận dụng được vị thế dẫn đầu trong làn sóng bùng nổ AI lấy cảm hứng từ DeepSeek hay không.
Tuy nhiên, ông Tsai hôm 24.5 đã lên tiếng bảo vệ triển vọng của Alibaba, khẳng định công ty đang đi trên “một con đường rất đúng đắn” và nhấn mạnh lại trọng tâm chiến lược là thương mại điện tử và AI.
Cuộc tái thiết Alibaba sau nhiều năm chịu sự giám sát chặt chẽ từ chính phủ đang được dẫn dắt bởi ông Tsai và Giám đốc điều hành Eddie Wu – hai trợ thủ thân tín nhất của nhà sáng lập Jack Ma. Sau khi tiếp quản vào năm 2023, họ đã tái cơ cấu hoạt động, tập trung đầu tư mạnh vào AI và thương mại điện tử, đồng thời đẩy nhanh việc thoái vốn khỏi các tài sản không cốt lõi để tài trợ cho đầu tư AI và mở rộng quốc tế.
Alibaba đang tung ra các sản phẩm AI với tốc độ chóng mặt kể từ khi DeepSeek xuất hiện trên trường quốc tế trong năm nay. Công ty đã vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành AI tại Trung Quốc nhờ chuỗi cải tiến và ra mắt các mô hình AI liên tục, gồm cả mẫu Qwen3 vừa được công bố vào tháng trước. Đây là sản phẩm mà công ty cho biết có hiệu năng sánh ngang với DeepSeek ở nhiều khía cạnh.
Anh Tú