Chủ tịch Quốc hội: Chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội không qua đấu thầu phải tránh xin - cho

Chủ tịch Quốc hội: Chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội không qua đấu thầu phải tránh xin - cho
7 giờ trướcBài gốc
Vấn đề được đặc biệt quan tâm
Ngày 21/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, nhà ở xã hội là vấn đề được dư luận xã hội, nhân dân đặc biệt quan tâm. Việc ban hành Nghị quyết nhằm tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, có 3 chính sách mới trong dự thảo nghị quyết so với kết luận của cơ quan có thẩm quyền, gồm: xác định giá bán, giá thuê nhà ở xã hội; điều kiện nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội; hoàn trả tiền sử dụng đất, kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ. Ảnh Phạm Thắng
Đề nghị Chính phủ tiếp tục giải trình rõ các chính sách này, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, qua thảo luận, nếu các đại biểu Quốc hội đồng thuận cao, dự thảo nghị quyết này có thể trình Quốc hội xem xét thông qua sớm hơn, để tháo gỡ các khó khăn, bảo đảm triển khai ngay các dự án nhà ở xã hội.
"Quốc hội phải tập trung tháo gỡ các rào cản về pháp lý, thủ tục, quỹ đất, tài chính, vốn ưu đãi, ưu đãi thuế, về tổ chức, giám sát, phối hợp liên ngành... Các giải pháp phải được triển khai đồng bộ, với thời hạn cụ thể, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Ban Chỉ đạo quốc gia", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đời sống nhân dân ở một số nơi hiện nay cũng còn nhiều vấn đề lo lắng. Người dân chưa được an cư thì làm sao lập nghiệp, nhất là đối tượng công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp.
Như vậy, nếu được thực hiện hiệu quả, các chính sách trong dự thảo nghị quyết sẽ tạo động lực mạnh mẽ để đạt mục tiêu xây dựng 100 nghìn căn nhà ở xã hội trong năm 2025, tiến tới 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định và phát triển kinh tế.
Cắt giảm thủ tục để rút ngắn thời gian triển khai
Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ, để triển khai được các chính sách trong dự thảo nghị quyết, cơ quan chủ trì phải rà soát lại các quy định liên quan đến các Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Xây dựng...tránh quy định chồng chéo.
Về chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội ủng hộ vấn đề này, song cũng đề nghị cần rà soát các mục tiêu, điều kiện để đảm bảo tính khách quan, công bằng, công khai, minh bạch khi lựa chọn nhà đầu tư, tránh cơ chế xin - cho. Đồng thời cần có cơ chế thanh tra, giám sát đảm bảo hiệu quả; thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Về cắt giảm thủ tục không cần thiết để rút ngắn thời gian triển khai dự án, Chủ tịch Quốc hội cũng hoàn toàn nhất trí, nhưng lưu ý, cần làm rõ các giải pháp kiểm soát để đảm bảo chất lượng nhà ở xã hội.
Quốc hội trong các nghị quyết về kinh tế - xã hội cũng đều nói vấn đề này nhưng khâu triển khai rất chậm. Lần này, Quốc hội quyết định thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù để triển khai.
"Tôi tin tưởng là Quốc hội sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai cho bằng được. Việc khó mà chúng ta nỗ lực thì sẽ thành công", Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Luân Dũng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/chu-tich-quoc-hoi-lam-nha-o-xa-hoi-khong-qua-dau-thau-phai-tranh-co-che-xin-cho-post1744209.tpo