Chủ tịch Quốc tế Sơn Hà: Đang xuất khẩu sang hơn 50 thị trường, không bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ

Chủ tịch Quốc tế Sơn Hà: Đang xuất khẩu sang hơn 50 thị trường, không bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ
7 giờ trướcBài gốc
ĐHĐCĐ thường niên SHI năm 2025.
Xuất khẩu sang hơn 50 thị trường, 'không bỏ trứng vào một giỏ'
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 tổ chức sáng 25/4, cổ đông SHI đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu 11.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 116 tỷ đồng.
Trả lời cổ đông về việc “có tự tin hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2025 hay không”, ông Phạm Thế Hùng, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc thường trực SHI khẳng định: “Tôi hoàn toàn tin tưởng sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2025. Không chỉ đạt được, chúng tôi còn đặt mục tiêu phấn đấu để vượt chỉ tiêu, tăng trưởng mạnh mẽ hơn.Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan, như chúng tôi đã nêu rõ trong báo cáo gửi cổ đông, nên Ban lãnh đạo có cách tiếp cận thận trọng hơn".
Theo đại diện SHI, ban lãnh đạo không chủ quan, bởi bối cảnh hiện tại có nhiều biến động. Tuy nhiên thực tế năm ngoái, SHI từng đưa ra kế hoạch ở mức “vừa phải” và kết quả thực hiện đã vượt kỳ vọng, thậm chí vượt khá xa.
"Năm nay, với những bước đi bài bản và chiến lược rõ ràng, tôi có cơ sở để kỳ vọng rằng kết quả sẽ tích cực. Ví dụ như mảng sản phẩm bình nước - một trong những lĩnh vực mà anh chị có hỏi tới - tôi xin cập nhật là hiện chúng tôi đã xuất khẩu thêm được sang ba quốc gia mới. Nhu cầu tăng nhanh đến mức chúng tôi đang phải tính đến việc đầu tư thêm dây chuyền mới, vì dây chuyền hiện tại đã gần chạy hết công suất", ông Hùng thông tin.
Theo lãnh đạo SHI, tỷ trọng xuất khẩu đang được điều chỉnh theo hướng gia tăng dần, và đây được xác định là động lực tăng trưởng quan trọng. Ban lãnh đạo luôn giữ tinh thần chủ động, linh hoạt, sẵn sàng ứng phó với mọi biến động kinh tế vĩ mô, từ trong nước đến quốc tế.
"Với định hướng đó, tôi hoàn toàn tự tin khẳng định SHI sẽ đạt được kế hoạch doanh thu lẫn lợi nhuận của năm 2025”, ông Hùng nhấn mạnh.
Năm 2025, doanh nghiệp xác định xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, đặc biệt là từ các mặt hàng công nghiệp và gia dụng. Trong cơ cấu doanh thu dự kiến của năm 2025: ngành hàng công nghiệp đóng góp khoảng 30-35%, ngành hàng gia dụng chiếm khoảng 60%, còn lại là các ngành khác như cơ khí chính xác, linh kiện… chiếm tỷ trọng nhỏ hơn.
Dù một số đơn hàng xuất khẩu trong ngành nhựa có gặp khó khăn do áp lực thuế tại các thị trường nhất định, nhưng bù lại, các thị trường trọng điểm như châu Á và EU vẫn ghi nhận đơn hàng ổn định. Chúng tôi kỳ vọng tất cả các ngành hàng sẽ có sự tăng trưởng đồng đều trong năm nay, với xuất khẩu tiếp tục giữ vai trò chủ lực.
Phân tích tác động của xung đột Nga - Ukraine đến hoạt động của Tập đoàn, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT SHI cho biết: “Chiến tranh Nga - Ukraina đã kéo dài 3 năm, và tác động của nó đến Sơn Hà là rất rõ ràng. Trước chiến tranh, trung bình mỗi tháng chúng tôi xuất khẩu khoảng 500 tấn hàng sang Nga và hơn 100 tấn sang Ukraina. Khi chiến sự nổ ra, cả hai thị trường này ngừng hoàn toàn việc nhập hàng của Sơn Hà, khiến chúng tôi mất trắng thị phần tại đây.
Ngay sau đó, chúng tôi lập tức phải tái cấu trúc thị trường, tích cực tìm kiếm các điểm đến thay thế. Chúng tôi tham gia nhiều hội chợ quốc tế như tại Hà Lan, Đức - những nơi có lượng khách hàng toàn cầu rất lớn, rồi tiếp tục mở rộng sang Mexico để tiếp cận thị trường Bắc và Nam Mỹ. Tới đây, chúng tôi còn chuẩn bị tham gia hội chợ ở Ai Cập nhằm khai thác khu vực Bắc Phi và Trung Đông, và đặc biệt là tại Ấn Độ - nơi hiện đang nổi lên như một trung tâm thay thế Trung Quốc”.
Về tác động của thương chiến với hàng loạt mặt hàng Việt Nam, đặc biệt các nhóm công nghiệp chế biến, Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn cho biết, Sơn Hà không bị ảnh hưởng từ đợt áp thuế của Mỹ lần này, vì công ty đã từng bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá từ cách đây 15 năm. Khi đó, toàn bộ xuất khẩu gần như chỉ phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
“Bị đánh thuế, chúng tôi buộc phải chuyển hướng toàn bộ hoạt động sang các thị trường khác. Từ một doanh nghiệp chỉ xuất vào Mỹ, đến nay Sơn Hà đã xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia. Đó là thành quả từ một cú sốc lớn - và cũng là bài học cho chiến lược "không bỏ trứng vào một giỏ".
Ấn Độ là ví dụ cụ thể. Dù sản lượng xuất khẩu vào đây hiện nay tăng rất mạnh, chúng tôi vẫn chủ động khống chế tỷ trọng ở mức 40%, và tiếp tục hạ xuống 30%. Nếu một ngày nào đó Ấn Độ áp thuế như Mỹ từng làm, thì mất 30% vẫn còn 70% từ các thị trường khác - đó là cách để Sơn Hà sống sót và phát triển bền vững", Chủ tịch SHI cho hay.
Chia sẻ thêm, Chủ tịch SHI cho biết có một thực tế khá thú vị là hiện nay công ty đang nhận được nhiều đơn hàng hơn trước. Đặc biệt là thị trường Nga đang có dấu hiệu hồi phục - từ mức 500 tấn trước xung đột, hiện công ty đã nhận tới 1.000 tấn/tháng. Ukraina dù chưa có đơn hàng mới, nhưng số lượng hỏi mua đã xuất hiện trở lại.
Ngoài ra, việc Trung Quốc siết chặt quản lý xuất khẩu, chống gian lận thương mại cũng tạo cơ hội cho các nước khác như Việt Nam. "Trước đây, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cạnh tranh bằng cách lách thuế, hóa đơn, chứng từ… Giờ họ buộc phải chính quy, giá thành đội lên, thì khách hàng buộc phải tìm nguồn khác - trong đó có Sơn Hà”, lãnh đạo công ty phân tích.
Tiềm năng chuyển đổi mục đích sử dụng một số nhà máy sang xây nhà ở xã hội, phát triển đô thị
Phân tích về tác động của việc sáp nhập các đơn vị hành chính đến việc quy hoạch, đất đai của các dự án lớn của Sơn Hà như KCN Tam Dương hoặc các trung tâm sản xuất hiện hữu, Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn thông tin: "Về các dự án hiện hữu, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ từ trước. Thực tế, ở một số địa phương, việc sáp nhập đơn vị hành chính lại làm giá trị đất tăng lên. Ví dụ như nếu TPHCM sáp nhập một phần của Bình Dương thì đất ở Bình Dương có thể tăng giá.
Còn ở Hà Nội, dù không có sáp nhập, nhưng với đà đô thị hóa hiện nay, một số nhà máy của chúng tôi có khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành những giá trị cao hơn - chẳng hạn như xây dựng khu nhà ở xã hội hoặc phát triển đô thị. Nhiều khu nhà máy của chúng tôi hiện nằm trong khu dân cư, nên tiềm năng chuyển đổi là rất lớn".
Riêng khu công nghiệp Tam Dương, lãnh đạo SHI cho biết việc sáp nhập hành chính đã khiến thủ tục bị kéo dài. Đây cũng là lý do tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Dự án có tổng diện tích khoảng 162 ha, trong đó đã giải phóng được 120 ha. Phần còn lại hơn 40 ha, trong suốt thời gian qua, SHI chỉ giải phóng thêm được khoảng 10 ha - bởi những phần dễ đã làm xong, còn lại là phần khó.
Ban lãnh đạo nhận định giai đoạn chính quyền địa phương đang sáp nhập, ví dụ như xóa cấp huyện, sẽ khiến cho bộ máy bị thiếu hụt, ảnh hưởng đến lực lượng tổ chức cưỡng chế mặt bằng. Hiện SHI đang phối hợp với các địa phương nỗ lực khắc phục.
"Tới nay, chính quyền địa phương cũng đang gấp rút xử lý những phần việc còn lại trước khi chính thức sáp nhập xong. Về phía chúng tôi, dù gặp khó khăn nhưng vẫn bám sát kế hoạch, không bị động, chỉ là tiến độ không đạt kỳ vọng như ban đầu", ông Sơn cho biết.
Nói thêm về kế hoạch cho thuê đất khu công nghiệp Tam Dương năm 2025, lãnh đạo công ty cho biết đã cho thuê được khoảng gần 30ha đất trong năm 2024 và đã nhận cọc từ khách hàng.
“Dự kiến năm nay, nếu thuận lợi, chúng tôi sẽ cho thuê tiếp khoảng 20 ha nữa. Hiện thương thảo với đối tác đang diễn ra tích cực. Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý: hiện đang có thông tin về khả năng áp thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Điều này khiến nhiều khách hàng của chúng tôi tạm dừng để nghe ngóng tình hình, bởi hầu hết đều là doanh nghiệp có định hướng làm nhà xưởng phục vụ xuất khẩu.
Tuy vậy, nếu đàm phán thương mại Việt - Mỹ diễn biến tốt thì mọi thứ có thể trở lại nhanh chóng. Còn nếu bất lợi, họ có thể chuyển hướng sang thị trường khác. Dù sao thì nhu cầu vẫn còn, và kế hoạch cho thuê đất năm nay của chúng tôi vẫn sẽ triển khai, chỉ là cần linh hoạt hơn một chút về thời gian”, Chủ tịch Sơn nói.
Trang Mai
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/chu-tich-quoc-te-son-ha-dang-xuat-khau-sang-hon-50-thi-truong-khong-bi-anh-huong-boi-thue-quan-cua-my.html