So với luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành gồm 50 điều, dự thảo luật mới dự kiến có 54 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 42 điều để phù hợp với việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp thành 2 cấp (không tổ chức cấp huyện).
Cấp tỉnh giữ như quy định hiện hành (gồm tỉnh, thành phố), tổ chức lại các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã để hình thành cấp xã (mới) gồm: xã, phường và đặc khu (được tổ chức tại hải đảo) để phù hợp với mô hình tổ chức mới. Đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình dự án luật. Ảnh: Quốc hội
Thẩm quyền quy định về tiêu chí phân loại ĐVHC được sửa đổi từ Ủy ban Thường vụ chuyển cho Chính phủ, để phù hợp với thẩm quyền của Thủ tướng quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã.
Chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND để bảo đảm bộ máy chính quyền thống nhất, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cấp xã.
Về các quy định về tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ đề xuất cấp tỉnh cơ bản giữ như hiện hành, chỉ tăng số lượng đại biểu HĐND phù hợp với việc sáp nhập các tỉnh, thành. Với cấp xã, UBND được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp quản lý ngành, lĩnh vực trên địa bàn phù hợp với quy mô xã, phường mới.
Chính phủ cũng đề nghị sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn ở cấp tỉnh, cấp xã.
Cấp tỉnh ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn như hiện hành thì bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư… của địa phương.
Trụ sở UBND TP Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà
Cấp xã được giao thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay; được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của xã, phường mới.
Đáng chú ý, Chính phủ bổ sung quy định phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương. Theo đó, quy định việc phân quyền, phân cấp, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, các cơ quan của chính quyền địa phương tại các văn bản quy phạm pháp luật phải phù hợp với quy định tại luật này, bảo đảm quyền lực nhà nước được kiểm soát hiệu quả.
"Trường hợp cần thiết, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình và UBND, chủ tịch UBND cấp xã" - Chính phủ đề xuất.
Cần cơ chế tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp xã
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban cơ bản tán thành với quy định đơn vị hành chính được tổ chức thành 2 cấp.
Về quy định đặc khu là ĐVHC ở hải đảo, Ủy ban nhất trí với chủ trương. Với các xã đảo thuộc ĐVHC cấp huyện không thuộc khu vực hải đảo, Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, có phương án sắp xếp phù hợp và quan tâm, lưu ý trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến việc áp dụng các chế độ, chính sách sau khi sắp xếp ĐVHC, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân, cán bộ, công chức.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày thẩm tra. Ảnh: Quốc hội
Trong bối cảnh không tổ chức cấp huyện, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện được chuyển giao cho cấp xã đảm nhận. Điều này cộng với việc sắp xếp, mở rộng quy mô đơn vị cấp xã khiến cho khối lượng công việc của chính quyền địa phương cấp xã sẽ tăng lên rất nhiều.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng đây là thay đổi rất lớn, trong khi năng lực của bộ máy chính quyền địa phương cấp xã chưa thực sự đồng đều và cần có thời gian để được kiện toàn, nâng cao trình độ. Do đó, cần có cơ chế để tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã.
Chính quyền địa phương cấp tỉnh phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát và có giải pháp kịp thời để hỗ trợ, xử lý trong trường hợp chính quyền ở một hoặc một số đơn vị cấp xã không đủ khả năng thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Việc này nhằm bảo đảm tính thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính, bảo đảm công việc của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn được giải quyết kịp thời, nhanh chóng.
Trần Thường