Chứng khoán châu Á lao dốc, vàng lập kỷ lục mới do thuế quan của Mỹ

Chứng khoán châu Á lao dốc, vàng lập kỷ lục mới do thuế quan của Mỹ
3 ngày trướcBài gốc
Ông Trump đã tiến hành áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu, dự kiến có hiệu lực từ tuần sau, vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các chính trị gia và lãnh đạo ngành công nghiệp trên toàn cầu, cùng cảnh báo từ các nhà sản xuất ô tô rằng giá xe có thể sẽ tăng trong thời gian tới.
Chứng khoán châu Á giảm mạnh hôm nay (28/3), với áp lực bán tháo lớn tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
Việc mở rộng cuộc chiến thương mại toàn cầu, khởi nguồn từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, đã khiến thị trường chao đảo, đặc biệt là cổ phiếu của các hãng ô tô toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm hơn 2%, dẫn đầu bởi sự sụt giảm mạnh của Toyota và Honda. Chỉ số chuẩn của Hàn Quốc chạm mức thấp nhất trong hai tuần và giảm 1,3% vào cuối phiên. Ngành công nghiệp ô tô là trụ cột kinh tế của cả hai quốc gia này.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,6%, phần lớn không bị ảnh hưởng bởi mối đe dọa thuế quan ô tô. Ông Trump cho biết, sẵn sàng giảm thuế đối với Trung Quốc để đạt được thỏa thuận với ByteDance - công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc - nhằm bán ứng dụng phổ biến này.
"Việc Mỹ áp thuế lên ô tô nhập khẩu không phải là điều quá bất ngờ, vì điều này đã được đề cập từ lâu. Ở một mức độ nào đó, các nhà sản xuất có thể điều chỉnh chuỗi cung ứng và địa điểm sản xuất để giảm thiểu tác động. Đồng thời, họ cũng có thể chuyển một phần chi phí tăng giá sang người tiêu dùng Mỹ, vì thuế quan ảnh hưởng đến hầu hết các nhà sản xuất", nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại HSBC, Fred Neumann nhận định.
Một số hãng ô tô, bao gồm Volvo Cars, Audi của Volkswagen, Mercedes-Benz và Hyundai, đã tuyên bố sẽ chuyển một phần sản xuất sang nơi khác. Ferrari, hãng sản xuất toàn bộ xe tại Ý, cho biết sẽ tăng giá lên đến 10% đối với một số mẫu xe.
Tâm điểm hiện nay là các mức thuế đáp trả mà Mỹ dự kiến công bố vào ngày 2/4. Ông Trump ám chỉ rằng các biện pháp này có thể không phải là thuế tương ứng như những gì ông từng cam kết. "Không ngạc nhiên khi các cuộc thảo luận về thuế quan đang dẫn đến một đợt bán tháo tránh rủi ro khác… khi các nhà giao dịch cố gắng đánh giá tác động, nhưng nhìn chung đều kết luận rằng thuế quan sẽ vừa kìm hãm tăng trưởng vừa đẩy lạm phát lên", chiến lược gia toàn cầu về ngoại hối và lãi suất tại Macquarie, Thierry Wizman cho biết.
Vàng thế giới tăng vọt lên mức kỷ lục.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD đang hướng tới một quý giảm giá do lo ngại về tác động của thuế quan đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ. Đồng euro ổn định ở mức 1,07942 USD, dự kiến tăng 4% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3.
Đồng yên tăng nhẹ lên mức 150,76 mỗi USD trong phiên giao dịch đầu ngày, hướng tới mức tăng gần 4% so với đồng USD trong quý này, khi các nhà giao dịch đặt cược vào khả năng Ngân hàng Nhật Bản tăng lãi suất một lần nữa.
Dữ liệu cho thấy lạm phát tiêu dùng cốt lõi tại Tokyo tăng nhanh trong tháng ba, duy trì trên mức mục tiêu của ngân hàng trung ương nhờ giá thực phẩm tăng đều đặn. Điều này giữ vững kỳ vọng của thị trường về một đợt tăng lãi suất trong ngắn hạn.
Các chiến lược gia tại DBS dự đoán đồng yên sẽ củng cố trong ngắn hạn, cho rằng đồng tiền này đang bị kẹt giữa rủi ro thương mại và lạm phát ngày càng rõ rệt.
Trên thị trường hàng hóa, giá vàng đạt mức cao kỷ lục vào thứ Sáu khi mối đe dọa từ chiến tranh thương mại thúc đẩy làn sóng đổ xô vào kim loại trú ẩn an toàn này. Giá vàng giao ngay tăng 0,58%, đạt 3.073,31 USD/ounce. Vàng đã tăng hơn 17% trong quý đầu tiên của năm, hướng tới hiệu suất quý tốt nhất kể từ năm 1986.
Giá dầu ổn định khi các nhà giao dịch đánh giá tình trạng nguồn cung dầu thô thắt chặt cùng với các mức thuế mới của Mỹ và tác động dự kiến lên nền kinh tế toàn cầu.
Hợp đồng tương lai Brent giảm 0,07% xuống 73,98 USD/thùng. Hợp đồng tương lai dầu thô Tây Texas Mỹ (WTI) cũng giảm 0,07% xuống 69,87 USD/thùng.
Đức Bình
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/chung-khoan-chau-a-lao-doc-vang-lap-ky-luc-moi-do-thue-quan-cua-my-19225032811014639.htm