Chứng thực bản sao điện tử tiện ích nhưng chưa nhiều người dùng

Chứng thực bản sao điện tử tiện ích nhưng chưa nhiều người dùng
2 giờ trướcBài gốc
Lợi ích
Công chức Tư pháp - hộ tịch phường Chí Minh (Chí Linh) tiếp nhận, đối chiếu hồ sơ gốc trước khi cấp bản sao chứng thực điện tử cho công dân
Anh Nguyễn Văn Mạnh ở phường Chí Minh (Chí Linh) cần làm chứng thực căn cước công dân. Thay vì phải nộp hồ sơ đề nghị, chờ đợi mất thời gian mới chứng thực được bản sao từ bản chính như trước đây thì nay anh Mạnh chỉ mất khoảng 5 phút đăng nhập vào tài khoản cá nhân trên Cổng dịch vụ công tỉnh, vào kho dữ liệu cá nhân lấy bản sao điện tử được lưu trữ trên hệ thống để hoàn thiện hồ sơ.
Anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Quang Khải (Tứ Kỳ) cần chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sau khi được công chức Phòng Tư pháp Tứ Kỳ tuyên truyền, hướng dẫn anh Dũng thấy được lợi ích và sử dụng dịch vụ chứng thực bằng bản điện tử. "Chứng thực bản sao điện tử, kết quả được lưu trong tài khoản cá nhân trên Cổng dịch vụ công tỉnh, sau này mỗi khi cần sử dụng tôi sẽ không phải đi làm lại nữa. Tôi thấy rất tiện lợi và tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí, công sức đi lại”, anh Dũng nói.
Theo chị Đỗ Thị Hằng, Trưởng Phòng Tư pháp TP Chí Linh, sau gần 1 năm thực hiện thí điểm ở thành phố, dịch vụ đã mang lại nhiều tiện ích cho cả cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân. Khi tiếp nhận hồ sơ, công chức không phải nhập hồ sơ trên 2 hệ thống khác nhau (trước đây chứng thực trên Cổng dịch vụ công quốc gia phải nhập trên 2 hệ thống). Kết quả điện tử được lưu trên kho dữ liệu cá nhân, tổ chức và được tích hợp, chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia, giúp cho việc tái sử dụng dữ liệu trong thực hiện các thủ tục hành chính khác được thuận lợi, dễ dàng.
Kim Thành là 1 trong 9 địa phương vừa triển khai chứng thực bản sao điện tử trên Cổng dịch vụ công tỉnh từ cuối tháng 9/2024. Đến nay, việc thực hiện chứng thực bản sao điện tử trên Cổng dịch vụ công tỉnh đã được nhiều tổ chức, người dân trong huyện sử dụng . “Với bản sao điện tử được chứng thực, chỉ cần một file, cá nhân có thể nộp cho nhiều thủ tục hành chính được cung cấp trên môi trường điện tử, cho nhiều lần sử dụng nên tiết kiệm chi phí, thời gian. Ví dụ như bản sao điện tử Căn cước công dân của người dân có thể nộp làm thủ tục đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, đất đai, thừa kế, kinh doanh”, ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Kim Thành nói.
Anh Nguyễn Văn Tân, công chức Tư pháp - hộ tịch phường phường Hiến Thành (Kinh Môn) trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
Còn khó khăn
Theo đại diện Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương, từ cuối năm 2023, Văn phòng Chính phủ có văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao điện tử trên Cổng dịch vụ công tỉnh (trước đây thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia).
Để thực hiện dịch vụ trên Cổng dịch vụ công tỉnh, các Sở Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị liên quan đã chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng máy chủ, phần mềm ứng dụng, quy trình nghiệp vụ… Việc thí điểm trên Cổng dịch vụ công tỉnh được thực hiện ở 3 địa phương gồm Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn và TP Chí Linh.
Cuối tháng 9/2024, tỉnh tiếp tục mở rộng triển khai thử nghiệm dịch vụ chứng thực bản sao điện tử trên Cổng dịch vụ công tỉnh ở tất cả các địa phương còn lại. Đến nay, các địa phương đã thành thạo sử dụng, giải quyết hồ sơ thủ tục chứng thực điện tử cho tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công tỉnh. Từ cuối năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã có gần 50.000 hồ sơ chứng thực điện tử được giải quyết.
Người dân tìm hiểu quy trình thực hiện trực tuyến chứng thực bản sao điện tử từ bản chính tại bộ phận "một cửa" huyện Tứ Kỳ
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều người dân, tổ chức, doanh nghiệp chưa hiểu hết các tiện ích và sử dụng dịch vụ chứng thực điện tử. Khi làm thủ tục tại bộ phận "một cửa" phường Hiến Thành (thị xã Kinh Môn), chị Nguyễn Thị Lụa được hướng dẫn thực hiện chứng thực bản sao điện tử. Chị Lụa đã từ chối vì cho rằng bản thân không có nhu cầu. Hơn nữa, khi chị nộp hồ sơ xin việc, công ty nơi chị nộp hồ sơ không chấp nhận bản điện tử mà phải nộp bản sao chứng thực bằng giấy để thuận tiện cho kiểm tra, đối chiếu. Tương tự, chị Nguyễn Thị Huyền ở xã Cộng Hòa (Kim Thành) làm chứng thực giấy khai sinh tại bộ phận “một cửa” xã Cộng Hòa bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, với điện thoại thông minh cá nhân, chị chỉ có thể chụp ảnh bản gốc giấy khai sinh chứ không có thiết bị scan tài liệu để nộp.
Chị Phạm Thị Quý, công chức Phòng Tư pháp Tứ Kỳ cho biết thực hiện chứng thực bản sao điện tử yêu cầu đầu tiên người dân phải có căn cước công dân định danh mức độ 2. Thực tế nhiều công dân đến làm thủ tục vẫn chưa đáp ứng được. Trong khi đó có công dân định danh ở mức 2 thì quá trình sử dụng đã thay đổi thiết bị điện thoại, chưa kịp cập nhật cũng không thể thao tác. Bên cạnh đó, hệ thống VneID chưa ổn định, khó khăn cho việc giải quyết hồ sơ của công dân. Nhiều người dân không có tài khoản ngân hàng để thanh toán trên Cổng dịch vụ công tỉnh, việc thu phí, lệ phí cũng gặp khó khăn. “Nhiều người dân, tổ chức, doanh nghiệp hiện chưa quan tâm dịch vụ chứng thực bản sao điện tử. Việc sử dụng bản sao điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính chưa phổ biến, chủ yếu vẫn sử dụng bản sao giấy tại các cơ quan, đơn vị nên người dân vẫn thực hiện chứng thực bản giấy để nộp khi có yêu cầu”, chị Quý nói.
TRƯƠNG HÀ
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/chung-thuc-ban-sao-dien-tu-tien-ich-nhung-chua-nhieu-nguoi-dung-395039.html