'Chúng tôi đã mất tất cả', hàng triệu người Indonesia rời khỏi tầng lớp trung lưu

'Chúng tôi đã mất tất cả', hàng triệu người Indonesia rời khỏi tầng lớp trung lưu
3 giờ trướcBài gốc
Halimah Nasution từng cảm thấy như thể cô đã có tất cả. Trong nhiều năm, cô và chồng là Agus Saputra đã sống tương đối khá giả bằng nghề cho thuê đồ dùng phục vụ đám cưới, lễ tốt nghiệp và sinh nhật.
Ngay cả sau khi chia thu nhập cho nhiều anh chị em cùng phụ giúp mình trong công việc này, cặp vợ chồng ở tỉnh Bắc Sumatra của Indonesia vẫn kiếm được khoảng 30 triệu rupiah (gần 50 triệu VNĐ) mỗi tháng.
Chỉ chi khoảng một phần tư thu nhập mỗi tháng, cặp đôi này thuộc tầng lớp trung lưu của Indonesia, được định nghĩa chính thức là những người có chi tiêu hàng tháng từ 2 triệu rupiah đến 9,9 triệu rupiah.
Hàng triệu người dân Indonesia đã rời khỏi tầng lớp trung lưu trong vài năm qua. Ảnh minh họa: Reuters
Từ đại dịch COVID cho đến sự bất ổn toàn cầu
Nhưng sau đó, đại dịch COVID-19 bùng phát. Lệnh phong tỏa đã giáng một đòn tàn khốc. “Chúng tôi đã mất tất cả”, Nasution chia sẻ với hãng tin với Al Jazeera. Nhiều năm sau, cặp đôi này vẫn chưa thể bù đắp được thiệt hại và phục hồi công việc kinh doanh của mình.
Họ nằm trong số hàng triệu người Indonesia đã phải rời khỏi tầng lớp trung lưu đang ngày càng thu hẹp của quốc gia Đông Nam Á này. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Trung ương của Indonesia, số lượng người Indonesia được xếp vào tầng lớp trung lưu đã giảm từ 57,3 triệu người vào năm 2019 xuống còn 47,8 triệu người trong năm nay.
Các nhà kinh tế cho rằng sự suy giảm này là do nhiều nguyên nhân, bao gồm hậu quả của COVID-19, sự bất ổn toàn cầu và cả những bất cập trong mạng lưới an sinh xã hội của đất nước.
Ega Kurnia Yazid, chuyên gia chính sách của Nhóm quốc gia tăng tốc giảm nghèo do Chính phủ Indonesia điều hành, cho biết "một số yếu tố có mối liên hệ với nhau" đã góp phần vào xu hướng này.
Tầng lớp trung lưu của Indonesia “đóng góp chủ yếu vào doanh thu thuế nhưng lại ít nhận được trợ cấp xã hội” như những tầng lớp nghèo hơn ở phía dưới, theo Yazid giải thích
Nasution và chồng cô hiểu rõ sự thiếu hỗ trợ này khi doanh nghiệp của họ sụp đổ. “Chúng tôi không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính quyền khi chúng tôi không còn khả năng làm việc trong thời gian đại dịch…”, cô nói.
"Tầng lớp trung lưu đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Chúng tôi không thực sự giàu có, nhưng cũng không đủ nghèo để nhận được các khoản trợ cấp có thể có lợi cho chúng tôi", Dinar, một công nhân ở Jakarta, chia sẻ với DW.
Nghiên cứu được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội (LPEM-UI) thuộc Đại học Indonesia công bố vào tháng 8 năm 2024 cho thấy sức mua của tầng lớp trung lưu và những người có tham vọng trở thành tầng lớp trung lưu ở Indonesia đã giảm trong 5 năm qua. Bây giờ họ cần phân bổ nhiều ngân sách hơn cho thực phẩm và do đó, chi tiêu ít hơn vào những thứ khác.
Khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại và dịch vụ
Nền kinh tế Indonesia đã tăng trưởng đều đặn kể từ khi đại dịch kết thúc, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm khoảng 5%. Nhưng giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á phụ thuộc rất nhiều vào thương mại, khiến nước này dễ bị ảnh hưởng bởi sự tăng trưởng chậm lại của toàn cầu.
Yazid cho biết: “Các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đang trải qua sự suy giảm, như được chỉ ra bởi Chỉ số quản lý thu mua (PMI), dẫn đến nhu cầu quốc tế đối với hàng hóa của Indonesia giảm... Điều này gây thêm căng thẳng cho tầng lớp trung lưu”.
Người dân Indonesia đang phải chi nhiều ngân sách hơn cho thực phẩm và chi tiêu ít hơn cho các mặt hàng khác. Ảnh minh họa: Aman Rochman
Adinova Fauri, nhà nghiên cứu kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết tầng lớp trung lưu căng thẳng của Indonesia "phản ánh những vấn đề cơ cấu sâu sắc hơn, đặc biệt là tác động của quá trình phi công nghiệp hóa ở Indonesia".
“Sản xuất, vốn từng hấp thụ một phần lớn lực lượng lao động, giờ không còn có thể làm được như vậy nữa. Một bộ phận đáng kể lực lượng lao động đã chuyển sang lĩnh vực dịch vụ, phần lớn là phi chính thức và cung cấp mức lương thấp hơn cùng chế độ an sinh xã hội tối thiểu”, Fauri đánh giá.
Không có nhiều cơ hội khởi nghiệp lại
Lễ nhậm chức của Tổng thống Prabowo Subianto vào tháng trước đã làm dấy lên hy vọng về nền kinh tế ở một số nơi. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông đã cam kết đạt mức tăng trưởng GDP là 8% và xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, vào lúc này, Nasution và gia đình cô vẫn đang bất lực trong việc vực dậy sự nghiệp. Sau khi mua nhiều mặt hàng phục vụ cho công việc như sân khấu và đồ trang trí vốn đắt tiền bằng cách trả góp, cô và chồng nhanh chóng rơi vào cảnh túng thiếu khi công việc kinh doanh thất bại.
“Chúng tôi đã bán xe, bán đất và thế chấp nhà”, Nasution nói. “Nó đã chết. Doanh nghiệp của chúng tôi đã chết hoàn toàn”.
Chồng của Nasution đã phải tìm đến làm công việc thu hoạch quả cọ dầu với mức lương khoảng 2,8 triệu rupiah (gần 5 triệu VNĐ) một tháng. Trong khi đó, Nasution nhận công việc dọn dẹp, làm việc từ 8 giờ sáng đến 1 giờ chiều, sáu ngày một tuần với mức lương hàng tháng khoảng 1 triệu rupiah (1,6 triệu VNĐ). Một cuộc sống từng khá rủng rỉnh của họ giờ đã trở thành quá khứ xa vời.
“Cuộc sống của chúng tôi bây giờ rất khác, và chúng tôi vẫn chưa ổn định như trước. Chúng tôi cần vốn để khởi nghiệp lại, nhưng chúng tôi không thể tiết kiệm tiền để làm như vậy”, Nasution nói. “Chúng tôi chỉ có đủ tiền để sống tạm bợ, nhưng cuộc sống thì lúc thăng lúc trầm, hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn”.
Hoàng Hải (theo AJ, DW)
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/chung-toi-da-mat-tat-ca-hang-trieu-nguoi-indonesia-roi-khoi-tang-lop-trung-luu-post321613.html