Chuỗi cà phê Every Halt được rót thêm 3 triệu USD từ quỹ ngoại.
Đây là lần thứ hai doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư của hai quỹ này, sau vòng rót vốn đầu tiên vào tháng 8/2024.
Every Half được thành lập năm 2021 bởi Võ Duy Phú và Trần Lê Minh Trúc, hai cựu thành viên sáng lập The Coffee House. Every Half ban đầu là cơ sở rang xay nhỏ, hiện đã phát triển thành chuỗi 14 cửa hàng tại TP HCM.
Every Half tập trung vào phân khúc cà phê đặc sản, kết hợp giữa pha chế máy và thủ công, với định hướng phục vụ nhóm khách hàng quan tâm đến nguồn gốc, phương pháp chế biến, trải nghiệm cá nhân hóa và câu chuyện đằng sau mỗi tách cà phê.
Doanh nghiệp cũng chủ động tham gia vào toàn bộ chuỗi giá trị, từ chọn giống, sơ chế, lên men, rang xay đến phân phối sản phẩm tại cửa hàng. Một số giống cà phê đang được sử dụng gồm Starmaya, Liberica, Fine Robusta bởi khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu biến đổi và tiềm năng nâng cao giá trị sản phẩm.
Every Half đang hợp tác với các hợp tác xã và nông hộ tại Lâm Đồng, Đắk Lắk và Điện Biên để phát triển các giống cà phê này nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững và vẫn giữ được chất lượng cao.
Ông Võ Duy Phú, Tổng giám đốc Every Half, cho biết khoản đầu tư mới sẽ được dùng để mở rộng hệ thống, nâng cấp trải nghiệm khách hàng và tiếp tục phát triển chuỗi cung ứng nguyên liệu dài hạn. Theo kế hoạch, Every Half dự kiến tăng trưởng 150% số lượng cửa hàng tại TP HCM và thử nghiệm một số mô hình vận hành mới trong năm nay.
Đón đầu xu hướng tiêu dùng mới
Every Half tập trung vào phân khúc cà phê đặc sản, kết hợp giữa pha chế máy và thủ công. Ảnh: Every Halt
Theo báo cáo ngành F&B 2024 của iPOS, tổng giá trị thị trường thực phẩm – đồ uống Việt Nam ước đạt hơn 670.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm trước. Trong đó, phân khúc cà phê – trà chiếm khoảng 25–28% và dẫn đầu về tốc độ mở rộng cửa hàng.
Số liệu khảo sát của iPOS cũng cho thấy gần 50% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho cà phê đặc sản nếu có thông tin rõ ràng về nguồn gốc, quy trình chế biến, và hơn 67% người tiêu dùng trẻ mong muốn trải nghiệm cá nhân hóa trong không gian, đồ uống và dịch vụ.
Every Half hiện nằm trong nhóm các chuỗi nhỏ nhưng có định vị rõ ràng, một xu hướng đang nổi lên tại các đô thị lớn. Cũng theo iPOS, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các chuỗi F&B có concept đặc trưng, thay vì đại trà. Mô hình cà phê rang xay tại chỗ, pha chế thủ công, kết hợp không gian làm việc hoặc thư giãn được dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong 2–3 năm tới.
Báo cáo của iPOS cũng ghi nhận xu hướng chuyển dịch kênh tiêu thụ sang online: hơn 50% người dùng F&B tại TP HCM và Hà Nội đã đặt hàng qua nền tảng số trong ba tháng gần nhất. Do đó, việc mở rộng phân phối thông qua thương mại điện tử quốc tế được đánh giá là chiến lược phù hợp để tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu trong giai đoạn đầu.
Sự tăng trưởng của Every Half diễn ra trong bối cảnh ngành F&B chứng kiến làn sóng mở mới lẫn đào thải mạnh. iPOS cho biết năm 2023–2024 ghi nhận khoảng 12.000 cửa hàng F&B mới được mở, trong đó cà phê chiếm khoảng 35%. Tuy nhiên, gần 40% thương hiệu F&B mới đã đóng cửa sau chưa đầy 18 tháng hoạt động, cho thấy sức ép vận hành không nhỏ.
Ngoài ra, từ tháng 5/2025, Every Half bắt đầu xuất khẩu cà phê rang xay mang thương hiệu riêng, thông qua các nền tảng thương mại điện tử tại thị trường Bắc Mỹ. Đây là hướng đi còn ít doanh nghiệp cà phê nội địa thực hiện, đặc biệt ở mảng sản phẩm giá trị gia tăng.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cà phê đặc sản chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu cà phê, nhưng đang tăng trưởng nhanh nhờ nhu cầu từ thị trường quốc tế. Thị trường Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản là những điểm đến giàu tiềm năng nhưng yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm và thương hiệu.
Khoản đầu tư 3 triệu USD sẽ giúp Every Half mở rộng cả trong nước lẫn quốc tế, đồng thời tiếp tục thử nghiệm mô hình chuỗi giá trị khép kín trong ngành cà phê đặc sản.
Ngọc Linh