Chuyện cô gái Dao 'thổi hồn' vào chè Shan Tuyết

Chuyện cô gái Dao 'thổi hồn' vào chè Shan Tuyết
5 giờ trướcBài gốc
Cô gái người Dao Bàn Thị Hom chọn những búp chè tốt nhất để làm nên sản phẩm đặc trưng của riêng mình. Ảnh: TTXVN phát
Và giữa vùng đất ấy, cô gái người Dao Bàn Thị Hom đang từng ngày viết nên câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng từ chính loại trà trứ danh của quê hương mình.
Vào căn nhà nhỏ nằm dưới dãy Tây Côn Lĩnh, tiếng trẻ nô đùa hòa với những âm thanh xào xạc khi sao chè của gia đình chị Bàn Thị Hom, tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp và tràn đầy niềm vui.
Nhà của Hom ở thôn Nà Màu (xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, Hà Giang). Nơi đây nổi tiếng với vùng chè Shan Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Người dân nơi đây chủ yếu sống nhờ vào những vụ chè. Đến mùa, người dân lại cơm đùm, cơm nắm thức dậy từ sáng sớm để leo lên đỉnh Tây Côn Lĩnh hái chè.
Chị Hom chia sẻ: "Chè chúng tôi phải hái thủ công bằng tay. Do những cây chè cao lớn, có độ tuổi hàng trăm năm nên mỗi ngày thu hoạch không được nhiều. Trước đây, khi sao chè thủ công thì chúng tôi nhập cho thương lái, thu nhập không cao và cũng không ổn định nên tôi quyết định thử sức với sản phẩm của riêng mình và tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ".
Sớm nhận ra tiềm năng lớn từ loại cây này, chị Hom mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư xây dựng xưởng chế biến, mua sắm máy móc, bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ cây chè quê hương.
Cô gái người Dao Bàn Thị Hom (bên trái) giới thiệu sản phẩm chè tự tay mình làm nên. Ảnh: Đức Thọ - TTXVN
“Ngày đầu mới bắt tay vào làm, tôi lo lắm. Vốn ít, kinh nghiệm chưa nhiều, lại là phụ nữ, nhiều người còn nghi ngờ mình có làm được không. Nhưng tôi nghĩ, nếu không bắt đầu từ bây giờ thì bao giờ mới làm được, chè Shan Tuyết quê mình quý lắm, bỏ phí thì tiếc...”, chị Hom chia sẻ.
Xưởng chè của chị hiện là điểm thu mua chính của 10 hộ dân trong thôn, góp phần ổn định đầu ra cho bà con. Chị Bàn Thị Thu, thôn Nà Màu cho biết: "Từ ngày có xưởng của chị Hom, nhà tôi và nhiều hộ khác trong thôn không còn phải lo mang chè ra chợ bán lẻ nữa. Giá cả ổn định, lại được hướng dẫn cách hái chè đúng kỹ thuật. Gia đình tôi thu nhập khá hơn nhiều".
Để sản phẩm của mình được nhiều người biết đến, chị Hom còn chủ động tiếp cận chuyển đổi số, đưa sản phẩm chè lên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Từ một vùng núi xa xôi, chè Shan Tuyết của chị đã theo đường mạng lan tỏa đến tận thành phố, thậm chí ra nước ngoài. Thông qua các kênh mạng xã hội, nhiều người trong và ngoài nước đã biết và đặt hàng.
Năm 2023, chị Hom vinh dự giành giải nhất cuộc thi “Ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang với đề án “Trà Shan Tuyết – Nối tiếp tương lai”. Ý tưởng của chị cũng lọt vào vòng bán kết cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp với tài nguyên bản địa” khu vực miền Bắc. Sau những thành tích ấy, chị Hom được huyện Vị Xuyên hỗ trợ 50 triệu đồng theo chương trình mục tiêu quốc gia để hoàn thiện mẫu mã, tích hợp mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Không chỉ dừng lại ở chè tươi, chị đầu tư chế biến nhiều dòng sản phẩm đặc trưng như chè 1 tôm 1 lá, 1 tôm 2 lá, trà Mẫu Đơn, trà ống Lam, Phổ Nhĩ, Bạch trà, Móng Rồng, Bạch Tiên… Nhờ chất lượng đảm bảo, mẫu mã cải tiến, sản phẩm của chị đã từng bước có chỗ đứng trên thị trường, đem lại thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Cô gái người Dao Bàn Thị Hom miệt mài với công việc sao chè. Ảnh: Đức Thọ - TTXVN
Ông Cấn Văn Hiển, Chủ tịch UBND xã Phương Tiến nhận xét: “Bàn Thị Hom là tấm gương sáng trong phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp. Cô ấy không chỉ giúp bản thân vươn lên, mà còn tạo công ăn việc làm, góp phần giữ gìn và phát triển sản phẩm đặc hữu của địa phương”.
Giữa núi rừng Tây Côn Lĩnh, một cô gái Dao vẫn lặng lẽ nhưng đầy quyết tâm, đang từng ngày vun trồng ước mơ và hương vị chè Shan Tuyết. Hành trình của chị Bàn Thị Hom là minh chứng sinh động cho sức mạnh của ý chí, khát vọng vươn lên và niềm tin vào giá trị bản địa trên con đường phát triển bền vững.
Đức Thọ/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/chuyen-co-gai-dao-thoi-hon-vao-che-shan-tuyet/372301.html