Du khách tham quan Bảo tàng tỉnh
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chương trình chuyển đổi số trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, ngày 8/4/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-SVHTTDL thực hiện chuyển đổi số ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, các nhiệm vụ, giải pháp được chia làm 5 nhóm, gồm: Chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số; kiến tạo thể chế về chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng số; phát triển nền tảng số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Sở đã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 28,4%, mức độ 4 đạt 68,2%; 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận thông qua phần mềm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đánh giá hằng năm đạt 90% - 100%. Cùng với đó, sở đã triển khai thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản văn hóa Hưng Yên. Từ năm 2023 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện số hóa được 25 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt và di tích xếp hạng quốc gia.
Đẩy mạnh số hóa cơ sở dữ liệu, từ nhiều năm nay, Bảo tàng tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động như: Quản lý, kiểm kê, phân loại, bảo quản, trưng bày các tài liệu, hình ảnh, hiện vật, hướng tới xây dựng bảo tàng điện tử, mang lại những trải nghiệm mới cho khách tham quan.
Đồng chí Bùi Đăng Quy, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hiện nay, trên cổng thông tin điện tử và trang mạng xã hội Facebook của Bảo tàng tỉnh thường xuyên cập nhật các thông tin về hiện vật hay các hoạt động của Bảo tàng tỉnh để tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện số hóa 3D, thực tế ảo cùng các công nghệ khác để tạo hình ảnh, mô hình vật thể một cách chân thực kèm theo thuyết minh với 3 ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp) giới thiệu về một số hiện vật tiêu biểu và các bảo vật quốc gia như: Trống đồng Động Xá; Quan tài thời kỳ văn hóa Đông Sơn; Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn ở chùa Mễ Sở, xã Mễ Sở (Văn Giang); Bệ tượng Phật đá hoa sen ở chùa Hương Lãng, xã Minh Hải (Văn Lâm); Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Cây đa và Đền La Tiến ở xã Nguyên Hòa (Phù Cừ)… Qua đó, giới thiệu các hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ đến với công chúng được mở rộng và dễ dàng hơn so với cách trưng bày truyền thống.
Thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thư viện tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ theo hướng hiện đại, linh hoạt, bảo đảm cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu người sử dụng. Thư viện tỉnh tập trung khai thác, phát huy hiệu quả trang thông tin điện tử (http://thuvienhungyen.vn) qua việc thường xuyên giới thiệu sách, báo, tạp chí; cập nhật các hoạt động của thư viện giúp người đọc nắm bắt kịp thời thông tin về nguồn tài liệu mới bổ sung; tra cứu thông tin cơ sở dữ liệu của thư viện qua mạng internet.
Hằng năm, Thư viện tỉnh cử cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ cho các thư viện cấp huyện, tủ sách cơ sở về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thư viện, cài đặt phần mềm thư viện, xử lý nghiệp vụ sách, báo, tổ chức kho sách. Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh còn triển khai số hóa tài liệu địa chí, tài liệu quý hiếm, có giá trị. Đến nay, Thư viện tỉnh đã số hóa 51.730 trang dữ liệu địa chí; 7.233 trang dữ liệu báo, tạp chí; 200 trang dữ liệu tranh, ảnh, bản đồ; 36.650 trang tài liệu Hán Nôm…
Trong phát triển du lịch, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hưng Yên đã triển khai lắp đặt bảng mã QR code thông tin du lịch tại các điểm du lịch trong tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của du khách trên các ứng dụng công nghệ. Năm 2024, đơn vị đã lắp đặt 11 bảng mã QR code thông tin du lịch tại các điểm như: Chùa Chuông, đền Mẫu (thành phố Hưng Yên); đền An Xá (Tiên Lữ); chùa Nôm, chùa Thái Lạc (Văn Lâm); đền Đa Hòa (Khoái Châu); đền Phù Ủng (Ân Thi); Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (Yên Mỹ)… Cùng với đó, các nội dung, thông tin, hình ảnh nổi bật về các điểm đến du lịch, đặc sản ẩm thực, nhà hàng, khách sạn… và video clip giới thiệu về du lịch Hưng Yên luôn được đăng tải và cập nhật thường xuyên trên các cổng thông tin điện tử của đơn vị. Qua đó, giúp du khách thuận tiện tra cứu, tham khảo thông tin và nâng cao tính trải nghiệm.
Du khách tìm hiểu thông tin về Đền Đa Hòa, xã Bình Minh (Khoái Châu) qua ứng dụng quét QR code
Đồng chí Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Chuyển đổi số được ngành văn hóa, thể thao và du lịch xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện để tạo sự phát triển đột phá trong giai đoạn mới. Thời gian tới, để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục đẩy mạnh số hóa di tích, di sản, tư liệu, hiện vật bảo tàng, triển lãm, cơ sở dữ liệu thư viện; chú trọng thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức của ngành về nhiệm vụ chuyển đổi số; chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các ứng dụng chuyên ngành trên thiết bị di động thông minh; số hóa và đẩy mạnh việc tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, điểm du lịch hấp dẫn trên không gian số… Qua đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Lê Hiếu